Sâm Ngọc Linh tốt hơn sâm Triều Tiên nhưng chưa có được bài thuốc nổi tiếng.
90% số nguyên liệu sản xuất thuốc hiện nay ở Việt Nam là nhập khẩu. Đây là con số quá cao. Vì sao chúng ta không tập trung sản xuất nguyên liệu, thuốc mang thương hiệu Việt?
Việt Nam có khoảng 12.000 loài thực vật, trong tổng số 4.000 loài cây có công dụng làm thuốc là nguồn nguyên liệu dược phong phú … Có nhiều loài dược liệu được xếp vào loài quý và hiếm trên thế giới như: Sâm ngọc linh, sâm vũ diệp, tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ, vàng đắng, hoàng liên ô rô, hoàng liên gai, thanh thiên quỳ, ba gạc Vĩnh Phú… đang có sẵn ở Việt Nam.
Nhìn lại thực tế hiện nay thấy rằng, Hàn Quốc, Triều Tiên họ chỉ có cây sâm, linh chi nhưng đã nổi danh với nhiều bài thuốc quý, còn Việt Nam có tới 4.000 cây thuốc quý như vậy nhưng chưa được khai thác, sử dụng. TS Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược - thừa nhận: Việt Nam có sâm Ngọc Linh là loại sâm có hàm lượng saponin cao nhất, cao hơn sâm Triều Tiên. Tuy nhiên, trong khi người Hàn Quốc với lợi thế về khoa học kỹ thuật từ lâu đã ứng dụng nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, sản xuất được nhiều loại sản phẩm khác nhau từ sâm Triều Tiên và mang lại lợi nhuận nhiều tỉ USD, thì cây sâm Ngọc Linh ở nước ta mới chỉ đang trong giai đoạn nghiên cứu bước đầu. Tương tự như thế, cây linh chi Việt Nam có chất lượng không kém Linh chi Hàn Quốc, nhưng chưa phát huy triệt để được hiệu quả khám chữa bệnh cũng như hiệu quả kinh tế.
Việc khai thác dược liệu quá mức mà không đi đôi với việc tái tạo, bảo tồn dược liệu đã dẫn đến số lượng loài cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít (trên cả nước hiện chỉ còn khoảng 206 loài cây dược liệu có giá trị có thể khai thác tự nhiên), nhiều loài cây dược liệu quý hiếm trong nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt…
TS Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, chúng ta đang nhập khẩu 90% số nguyên liệu, đó là một thực tế. Thực tế này không chỉ có ở Việt Nam mà trên thế giới vẫn đang tồn tại, ngay cả Mỹ có nền công nghiệp mạnh như thế, vẫn nhập nguyên liệu gần 90%; Thái Lan nhập tới 95%; Argentina cũng hơn 90%... Một bài toán rất rõ ràng rằng, nếu sản xuất ra mà giá thành cao thì rõ ràng doanh nghiệp sẽ chọn nhập khẩu. Nguyên liệu tân dược hiện không phải lợi thế của Việt Nam.
Ngành y tế cho rằng, lợi thế cạnh tranh ngành dược là dược liệu thuốc nam: loại thuốc Việt Nam trồng được, mọc ở nước ta, ta định danh, ta quy chuẩn chất lượng được để sản phẩm đầu ra tốt… có thể thay thế nguyên liệu tân dược. Tiềm năng to lớn là vậy, song công cuộc bảo tồn và phát triển dược liệu ở nước ta cũng đang gặp phải một số hạn chế, khó khăn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quy hoạch phát triển dược liệu, công tác bảo tồn và phát triển nguồn gene dược liệu, việc tiêu chuẩn hóa dược liệu, cũng như việc hiện đại hóa sản xuất thuốc từ dược liệu. Hiện nay đã có một số thuốc đông dược được sản xuất từ nguyên liệu thảo dược trong nước đã cho lợi ích rất cao như: Boganic mỗi năm doanh thu mấy trăm tỉ, kim tiền thảo, crila, trinh nữ hoàng cung, hoạt huyết dưỡng não… được làm từ một vài cây thuốc của Việt Nam mà đã cho doanh số hàng nghìn tỉ đồng. Hơn nữa, những loại thuốc đông dược này đã được xuất khẩu sang nhiều nước.
Trong đợt kiểm tra mới đây Cục Y học cổ truyền đã phát hiện nhiều dược liệu chất lượng kém, các chất bảo quản độc hại, chất lượng không đảm bảo… Đặc biệt, nguồn dược liệu nhập lậu kém chất lượng đang ồ ạt thâm nhập vào Việt Nam. Trước thực trạng này, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng danh mục 40 dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển thị trường để làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích phát triển dược liệu trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
(Theo Lao Động)