TS Lương Hoài Nam - Tổng Giám đốc Hàng không Hải Âu, cho biết: “Tình hình nay khác nhiều rồi. Đi học phi công tự túc đã trở nên phổ biến, giống như du học các ngành nghề khác vậy”.

Trong bối cảnh hàng không khát nhân sự, nhiều chuyên gia trong ngành hàng không đặt vấn đề đây là cơ hội cho các bạn trẻ đam mê hàng không, muốn trở thành phi công, có dịp thay đổi cuộc đời. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người lo ngại vì từ trước nay vẫn nghĩ rằng con đường trở thành phi công không dành cho số đông.

Nay tình hình đã khác

Ông Lương Hoài Nam nhận định: “Trước đây để làm phi công đúng là khó thật. Việc tuyển dụng và gửi học viên đi học phi công ở nước ngoài là do hãng hàng không thực hiện, chi phí đào tạo là do hãng trả, học xong thì phi công về bay cho hãng hàng không đó. Số lượng tuyển dụng ít, tiêu chuẩn sức khỏe rất cao, thời gian đào tạo lâu và chi phí đào tạo rất đắt, 150.000-200.000 USD (khoảng 3,1-4,2 tỉ đồng)”.

Ở nhiều nước phát triển như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản, trước đây việc tuyển chọn phi công cũng ngặt nghèo hơn, với mức chi phí đào tạo có khi lên tới hàng chục tỉ đồng, đặc biệt là phi công đặc vụ, phi công quân sự… Đó là chưa kể sau khi có bằng cấp, tùy đơn vị làm việc mà phi công còn phải tập huấn, học thêm để có thể thích nghi và đảm bảo an toàn bay cho từng ngành nghề cụ thể.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp và dịch vụ hàng không ngày càng trở nên thông dụng song hành quá trình công nghiệp hóa. Đặc biệt sự ra đời của các hãng hàng không giá rẻ, ở nhiều phân khúc, nhiều tuyến bay đã thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực phát triển với tiêu chí: Đào tạo chất lượng nhưng ngắn hạn hơn; ít tốn kém hơn; có thể tự túc học phí; yêu cầu học viên đầu vào thấp hơn; được công nghệ hỗ trợ tối đa trong suốt quá trình bay để có thể đảm bảo an toàn.

Tổng chi phí đào tạo phi công (học phí, sinh hoạt...) còn khoảng 60.000-100.000 USD (tùy chương trình và trường). Đi học phi công mà có hãng hàng không cam kết tuyển dụng khi tốt nghiệp thì có thể vay tiền ngân hàng. Ảnh: WIKIHOW

Công nghệ hỗ trợ tối đa

Phát biểu trên CNN, Patrick Smith - một cựu phi công thương mại có kinh nghiệm bay 22 năm - cho biết hệ thống máy tính và điện tử tự động cho phép phi công có thể để máy bay bay tự động trong suốt quá trình sau khi cất cánh cho đến khi máy bay chuẩn bị hạ cánh. Phi công nhiều khi không cần phải can thiệp vào hệ thống bay tự động bởi nó hoàn toàn có thể tự điều chỉnh khi mũi máy bay quá cao, quá thấp hay bay quá chậm hoặc quá nhanh… để đảm bảo được an toàn cho chuyến bay. Trong khi đó trước đây gần như tất cả công việc trên đều phải được phi công thao tác, điều chỉnh bằng tay.

Ba nhân tố nhu cầu thị trường, sự phát triển của hệ thống đào tạo phi công và những bước tiến vượt bậc về lĩnh vực tự động hóa hàng không đã giúp ước mơ trở thành phi công của nhiều người dễ trở thành hiện thực hơn rất nhiều. Tùy vào chuẩn từng ngành (phi công trực thăng, phi công máy bay dân sự hay quân sự, cơ quan công tác) mà yêu cầu thời gian đào tạo khác nhau. Tuy nhiên, hiện có không ít khóa đào tạo chỉ trong vòng 12-18 tháng thì học viên đã có thể bay.

Theo ông Lương Hoài Nam, tổng chi phí đào tạo phi công (học phí, sinh hoạt...) còn khoảng 60.000-100.000 USD, tùy chương trình và trường. Đi học phi công mà có hãng hàng không cam kết tuyển dụng khi tốt nghiệp thì có thể vay tiền ngân hàng.

Tại các nước phát triển với uy tín đào tạo phi công cao, để trở thành phi công phải mất 3-5 năm hoặc lâu hơn nếu học viên muốn nâng cao trình độ. Mức học phí tại đây tối thiểu sẽ lên đến hàng trăm ngàn USD nhưng thực tế nhiều gia đình vẫn thừa sức cho con em mình theo học để có một cái nghề “chất lượng cao - thu nhập khủng”.

“Các gia đình nên quan tâm cơ hội này cho con em”

Đầu vào đào tạo phi công tương đối dễ thở, trong khi đầu ra cũng hứa hẹn. Trang web jetcareers.com cho biết: “Phi công là một trong những ngành nghề tốt nhất thế giới”. Lương năm đầu tiên đã đạt khoảng 25.000 USD đến 50.000 USD/năm (hơn 500 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng). Nếu làm việc có kinh nghiệm lên đến 10 năm thì mức lương lên đến 300.000 USD/năm (tức hơn 6,3 tỉ đồng). Nếu làm phi công cho các ngành đặc thù như quân đội, cứu hộ… làm việc trong môi trường khắc nghiệt, nguy hiểm, đòi nhiều kinh nghiệm và kỹ năng thì mức thu nhập thực tế của phi công còn cao hơn gấp nhiều lần.

Thực tế các phi công còn kiếm ra nhiều tiền hơn thế bởi họ chỉ mất tám ngày trong một tháng để đi làm. Các phi công không phải làm thêm tại nhà, tức họ hoàn toàn tự do mỗi khi máy bay hạ cánh. Họ được nhận mức lương hưu và các khoản phúc lợi rất cao mà bất kỳ ngành nghề nào khác đều mong muốn có được. Đó là chưa kể họ được miễn, giảm nhiều khoản chi phí ăn uống, du lịch, nghỉ dưỡng, thuê xe đi lại.

Ở Việt Nam, theo ông Lương Hoài Nam, phi công mới ra nghề có thể vào bay cho các hãng hàng không Việt Nam, lương khởi điểm khoảng 2.500-3.000 USD/tháng (tức khoảng 50 triệu đồng đến hơn 60 triệu đồng). Sau khi tích lũy được 1.000-1.500 giờ bay, phi công có thể tìm được việc trên thị trường phi công tự do. Thu nhập phi công tự do sẽ tăng dần theo tích lũy giờ bay và các loại máy bay, có thể lên đến trên dưới 10.000 USD/tháng (hơn 210 triệu đồng).

“Chi 60.000-100.000 USD cho nghiệp phi công để có cơ hội công việc dễ dàng và thu nhập khởi điểm 2.500-3.000 USD sau 12-18 tháng đào tạo là cách đầu tư quá hiệu quả so với việc bỏ ra vài trăm ngàn USD đi du học nước ngoài cho các ngành khác với thời gian học tận 3-5 năm. Các gia đình nên quan tâm cơ hội này cho con em” - TS Lương Hoài Nam tâm sự.

Không cho phép bất kỳ nhầm lẫn nào dù là nhỏ nhất

Chính vì ngành phi công ngày càng trở nên ít khắc nghiệt hơn và việc trở thành một phi công không còn quá khó nên số lượng người tham gia vào nghề này cũng tăng lên. Trang jetcareers.com cho biết: “Thực tế không hoàn toàn như là mơ”. Mọi thứ không hề đơn giản đối với cuộc sống của một phi công trong thời buổi hiện nay.

Patrick Smith - một cựu phi công thương mại có kinh nghiệm bay 22 năm nói trên CNN rằng: “Đúng là máy móc và hệ thống điện tự động đã giúp phi công rất nhiều trong việc điều khiển máy bay. Nhưng nó không có nghĩa là chiếc máy bay sẽ hoàn toàn tự động”. Vị phi công giàu kinh nghiệm này cho biết: “Máy móc có thể tự động điều chỉnh nhưng bạn cũng cần nhớ rằng hệ thống máy bay ngày nay đã phức tạp hơn rất nhiều so với trước đây”. Tất nhiên, phi công sẽ có nhiều thời gian rảnh tay hơn nhưng xung quanh phi công là cả một hệ thống máy móc đồ sộ và phức tạp, thách thức trí nhớ, sự tập trung, kỹ năng xử lý tình huống... Không cho phép phi công có bất kỳ nhầm lẫn nào dù là nhỏ nhất.

Rất nhiều lo ngại rằng không ít các phi công quá dựa dẫm vào hệ thống bay tự động dẫn đến thiếu sự linh hoạt, kinh nghiệm xử lý tình huống khi hệ thống tự động trục trặc. Nhiều chuyên gia hàng không cho rằng đây là lý do dẫn đến vụ tai nạn bí ẩn của chiếc máy bay hãng hàng không Pháp Air France 447 trên vùng biển Đại Tây Dương xuất phát từ Brazil đến Paris, làm thiệt mạng 228 người.

Khi vào làm việc, thực tế không phải phi công nào cũng “được” làm việc tám ngày một tháng. Số lượng ngày làm việc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như công ty hàng không nào, thời gian đã làm việc cho công ty đó. Các phi công thường thì phải làm việc ít nhất tám ngày một tháng và có khi lên đến 20 ngày khiến đầu óc rất căng thẳng, suy giảm thể chất. Nhiều phi công tuy chỉ làm việc 14 ngày một tháng nhưng thời gian còn lại họ xa gia đình, dẫn đến tốn kém và thiếu hụt tình cảm và “trả giá” nhiều điều. Thay vì được làm việc và có gia đình bên cạnh, thời gian không phải bay các phi công phải đối diện liên tục với các bài kiểm tra. Hầu hết phi công phải trải qua phần kiểm tra chuyên môn hai lần trong vòng một năm, yêu cầu phi công phải tự nghiên cứu và học tập tại nhà. Nếu “trượt”, phi công có thể bị đuổi việc.

(Theo PLO)