Từng làm công việc phụ bếp chuyên giết mổ động vật ở các nhà hàng, sau khi giác ngộ Phật pháp, Dương Khánh Đạt đã quyết định “gieo duyên cho những người ăn chay” khi mở quán “cơm chay tự chọn, gửi tiền tùy tâm”.

Sát sinh nhiều nên học làm món chay

Chủ quán là anh Dương Khánh Đạt (sinh năm 1987, quê ở Phú Bình, Thái Nguyên).

{keywords}

Anh Dương Khánh Đạt phục vụ cơm cho khách tự lấy đồ ăn chay.

Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố làm nông dân, mẹ là giáo viên, anh Đạt được hướng cho theo nghề giáo của mẹ.

Nhưng việc học không được như ý muốn, anh chuyển sang học ngành Quản lý nhà hàng tại Cao đẳng Thương mại và Du lịch Thái Nguyên.

Để có tiền chi tiêu và phục vụ cho công việc học tập, Dương Khánh Đạt đã phải làm thêm đủ thứ nghề từ chạy xe ôm, thợ mộc đến phục vụ cho các quán ăn…

Gần 2 năm làm công việc giết mổ động vật chế biến món ăn, có lúc anh cảm thấy tội lỗi.

Vì vậy, năm 2009 sau khi tốt nghiệp, chàng trai trẻ tuổi xin vào Chùa Phù Liễn (Thái Nguyên) để học hỏi cách chế biến các món ăn chay.

Từ đó, anh Đạt đi khắp các tỉnh Bắc – Nam nấu cơm chay, phục vụ cho nhiều người và cũng học hỏi được các kinh nghiệm nuôi ý định sau này mở cửa hàng kinh doanh cơm chay “gieo duyên cho mọi người”.

{keywords}

Anh tâm niệm gieo duyên cho nhiều người ăn chay, không sát sinh.

Sau một khoảng thời gian học hỏi và làm việc tại các quán ăn chay, Đạt tiết kiệm được 18 triệu đồng. Cầm số vốn ít ỏi trong tay trở về Hà Nội, anh bắt đầu lên kế hoạch mở quán cơm chay.

Anh mua xe máy hết 14 triệu phục vụ việc đi lại, anh về quê nhờ thêm sự trợ giúp của gia đình và đi vay lãi để thuê mặt bằng, thuê người làm…

Xuất phát từ tấm lòng hướng thiện của mình, nên anh cũng nhận được sự giúp đỡ từ nhiều người.

“Ngày 1/3/2012 (Âm lịch) quán ăn chay Phước Hậu được mở ra. Để tiết kiệm chi phí, công việc đi chợ, nấu ăn, nhân viên phục vụ…đều do mình đảm nhiệm”, anh Đạt nói.

Có ngày còn lỗ nhưng…

Do ít vốn và quán ăn mở ra với mục đích chính cũng không phải là kinh tế, nên anh chỉ thuê hai nhân viên, còn lại là những người thân trong gia đình và bạn bè đến phụ giúp.

Hằng ngày, anh phải dậy từ 4 giờ sáng đi mua các nguyên liệu, sau đó tự tay vào bếp chế biến món ăn.

Từ ngày 15/5 Âm lịch năm 2014, anh Đạt chuyển quán sang hình thức “cơm chay tùy chọn, gửi tiền tùy tâm”. Với hình thức này, khách hàng có thể tự chọn các món ăn và thanh toán bằng cách tự trả tiền vào hòm tùy tâm.

{keywords}

"Cơm chay tự chọn, trả tiền tùy tâm".

Mong muốn của anh Đạt là quán ăn có thể giúp cho nhiều người có thu nhập thấp ăn chay và trường chay, giảm bớt nghiệp sát sinh.

Anh chia sẻ: “Ý tưởng này bắt nguồn từ việc gieo duyên cho càng nhiều người ăn chay càng tốt”.

Anh Tử Phi Tuyến (40 tuổi) là khách quen của quán vì 3 tháng nay anh đều ăn cơm chay ở đây.

“Ăn chay rất tốt cho sức khỏe chính vì thế trưa hôm nào tôi cũng đến đây ăn. Tôi ăn chay vì cái phúc và tâm của mình”, anh Tuyến cho hay.

Còn đối với nhóm bạn trẻ làm ở công ty kiểm toán gần đó, quán ăn chay ở đây rất ngon, phục vụ tốt, “ông chủ” rất thân thiện.

Là người thường xuyên ăn chay, anh Lê Khả Thanh (SN 1986) thích thú với các món ăn ở đây và hình thức tự lấy đồ ăn và tự trả tiền ở quán.

Anh Thanh nói: “Ở Hà Nội, quán ăn chay không nhiều và khá đắt. Nhưng nhờ một người bạn giới thiệu, mình đã tìm được chỗ ăn chay ngon lại hợp lý như vậy”.

Với việc mở quán ăn nhưng khách hàng chỉ gửi tiền tùy tâm, thu nhập của của anh Đạt cũng không được cao.

Anh tâm sự: “Bình quân mỗi ngày chỉ thu được khoảng 2 - 3 triệu đồng chưa tính tiền thuê người làm, mua nguyên liệu, chi phí khác.

Nếu tính ra, thu nhập cũng không được nhiều, thậm chí có ngày còn lỗ nhưng ngày này bù ngày kia đủ để trang trải cuộc sống”.

Chủ quán trẻ này nhẩm tính, mua nguyên liệu đã mất một triệu đồng, tiền thuê mặt bằng, điện nước, nhân viên… cũng không còn bao nhiêu, không để ra được đồng nào.

Tuy nhiên đối với chàng trai này, anh không làm giàu từ cơm chay. Chính vì thế, hiện nay anh khá hài lòng với việc đang làm.

Trước đây, Đạt cũng tham gia nhiều hoạt động từ thiện như nấu cháo, cơm chay phát miễn phí cho bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện, trại phong, trại trẻ mồ côi.

Dương Khánh Đạt đã chứng minh cho nhiều người thấy rằng, trong cuộc sống hiện tại không hoàn toàn thực dụng, vẫn còn những tấm lòng hướng thiện, có thể tự nguyện cho đi mà không cần quan tâm sẽ nhận lại được những gì.

Và công việc này đã gieo duyên cho chính anh với người vợ từng là cô sinh viên ĐH Tài nguyên Môi trường làm thêm ở quán ăn chay của anh những ngày đầu tiên mới mở.

Anh tâm nguyện: “Tôi chỉ mong muốn càng nhiều người ăn chay càng tốt, giảm sát sinh. Nếu có cơ hội thì sẽ mở một quán ăn chay nữa để gieo duyên cho nhiều người”.

Hai chị em cao tuổi nhất Việt Nam tiết lộ bí quyết sống thọ Hai chị em cao tuổi nhất Việt Nam tiết lộ bí quyết sống thọ Kỳ lạ... tiết canh ong Kỳ lạ... tiết canh ong Hai loại thằn lằn cực lạ ở Việt Nam Hai loại thằn lằn cực lạ ở Việt Nam

(Theo Trí Thức Trẻ)