Cứ mỗi khi giá nhiên liệu giảm 1 USD thì Vietnam Airlines tiết kiệm được từ 150-160 tỷ đồng mỗi năm.

Đầu tuần trước, liên Bộ Công Thương - Tài chính yêu cầu doanh nghiệp đầu mối giảm giá các mặt hàng xăng dầu mức giảm 1.897 đồng một lít xăng RON 92. Theo đó, đây là lần điều chỉnh thứ 2 trong năm 2015 và trong năm 2014 có 24 lần điều chỉnh. Riêng nửa cuối năm 2014, giá xăng giảm 12 lần với tổng cộng 7.769 đồng. Đây cũng là xu hướng giảm giá chung của xăng dầu thế giới kể từ tháng 6/2014 vừa qua. Trước bối cảnh tăng giá, nhiều cước hãng vận tải đã tiến hành giảm giá cước lên đến 25%.

Mới đây, bộ GTVT cũng cho biết từ ngày 15/01/2015, Vietnam Airlines cũng triển khai bổ sung chính sách giảm giá trên các đường bay kinh tế- xã hội cho các hành khách đối với một số chặng bay. Hay như Jestar Pacific cũng đã thực hiện giảm gía trên hầu hết các đường bay từ tháng 05/2014, Vietjet Air cũng thực hiện giảm giá hạng vé skyboss trêu hầu hết các đường bay.

Vậy cụ thể thì khi giá nhiên liệu giảm, các hãng hàng không được hưởng lợi bao nhiêu để khiến họ đưa ra quyết định giảm giá cước vận tải?

Chi phí nhiên liệu “ngốn” núi tiền

{keywords}

Theo thông tin công bố từ đợt IPO vừa qua của Vietnam Airlines, tỷ trọng bình quân của tổng chi phí trong giai đoạn 2008-2013 chiếm 99,5% tổng thu nhập và thu nhập khác của hãng này. Tổng chi phí hoạt động bình quân của Vietnam Airlines giai đoạn này là 40.120 tỷ đồng/năm, tăng 16,6% trong đó chi phí nguyên liệu chiếm từ 37-43%, đứng thứ 2 chỉ sau chi phí dịch vụ mua ngoài.

Nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động của Vietnam Airlines chủ yếu là nhiên liệu máy bay (Jet A-1), nhiên liệu cho phương tiện vận tải mặt đất (xăng, dầu) và dầu mỡ phụ, trong đó Jet A-1 chiếm tỷ trọng chủ yếu cả về số lượng và giá trị.

Nhiên liệu máy bay tại các sân bay nội địa được cung cấp bởi Công ty TNHH MTV Xăng dầu Hàng không Việt Nam (VINAPCO)- công ty con của Vietnam Airlines. Đối với các sân bay nước ngoài được cung cấp chủ yếu bởi các đối tác như: Shell Aviation, Sinopec Hongkong, Petronas Dagangan Berhard, Chervon, JX Nippon, Nanjing Air Fuel,...

Tại Việt Nam, VINAPCO là một trong hai doanh nghiệp cung cấp nhiên liệu hàng không Jet A-1, chiếm 90% thị phần. VINAPCO nhập khẩu nhiên liệu hàng không Jet A-1 từ nhà máy lọc dầu Dung Quất, các nhà máy lọc dầu có chất lượng trong châu Á và các nhà cung ứng lớn trên thế giới như Shell, Sinopec, đồng thời cung cấp dịch vụ tra nạp nhiên liệu cho máy bay của các hãng hàng không nội địa à quốc tế hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam tại các sân bay.

Chính vì chiếm tỷ trọng lớn nên giá nhiên liệu bay là một trong những yếu tố trọng yếu trong cơ cấu giá cước vận chuyển của Vietnam Airlines. Trong 3 năm gần đây, tỷ trọng chi phí nhiên liệu máy bay luôn dao động xung quanh mức 37%. Do đó giá nhiên liệu máy bay là một trong những nguyên nhân chính tác động tới chi phí nhiên liệu của Vietnam Airlines, từ đó tác động tới giá cước vận chuyển. Giá mặt hàng này phụ thuộc vào biến động giá dầu thô thế giới và chịu tác động bởi những yếu tố như: Trạng thái dự trữ dầu mỏ của các nước lớn, tình hình cung cầu trên thị trường dầu mỏ thế giới, Chính sách và các quyết định của OPEC, biến động giá trị đồng USD,…

Giá dầu giảm 1 USD, tiết kiệm được 150-160 tỷ đồng mỗi năm

Từ năm 2008 đến 2012, chi phí nhiên liệu của hàng này tăng đều, chỉ riêng năm 2009 chi phí giảm do giá dầu thế giới từ mức 130 USD năm 2008 xuống 72 USD/thùng năm 2009. Tính trung bình giá nhiên liệu năm này giảm 58 USD/thùng thì chi phí nhiên liệu của Vietnam Airlines giảm được gần 3.200 tỷ đồng.

{keywords} 

Giai đoạn 2010-2013, giá dầu bình quân tương ứng 92 USD/thùng, 117 USD/thùng, 130 USD/thùng và 122,5 USD/thùng Jet A-1. Theo IATA, giá bình quân nhiên liệu năm 2014 tiếp tục giảm 6,3% về mức 114,8 USD/thùng. Với mức giá này, dự kiến Vietnam Airlines tiếp tục tiết kiệm được chi phí trong hoạt động kinh doanh của mình.

Trong một báo cáo của công ty chứng khoán VPBS mới đây cũng nhận định, với bối cảnh giá dầu giảm, các phân khúc trong ngành logistic như vận tải biển, vận tải hàng rời và container, hàng không đều được hưởng lợi.

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Vietnam Airlines trong buổi giới thiệu cơ hội đầu tư hồi cuối tháng 10 năm 2014, cứ mỗi khi giá nhiên liệu giảm 1 USD thì công ty tiết kiệm được từ 150-160 tỷ đồng mỗi năm. Tính tại thời điểm 09/01/2015, giá nhiên liệu máy bay tại châu Á chỉ còn 65 USD/ thùng. Điều này càng củng cố thêm xu hướng lợi nhuận tích cực của Vienam Airlines. Cũng theo VPBS, cổ phiếu ngành hàng không các nước đã tăng mạnh, chỉ số giá cổ phiếu hàng không châu Á Thái Bình Dương theo Bloomberg đã tăng 34% kể từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 12/2014.

(Theo Trí Thức Trẻ)