- Trong khi nhiều người mong mỏi được nhận nhà cuối năm thì không ít khách hàng lại thờ ơ, thậm chí tìm mọi cách để trì hoãn. Lý do chính vẫn là gặp khó khăn về tài chính.

Mắc kẹt vì đầu tư

Sau ba năm chờ đợi, căn hộ chung cư  tại quận Cầu Giấy của chị Nguyễn Thu Hường (quận Cầu Giấy, HN) cũng tới ngày bàn giao nhà. Niềm vui phấn khởi kèm với đó là lo âu bởi khi chính thức bàn giao nhà đồng nghĩa với việc chị phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư. Số tiền đóng đợt cuối tuy chỉ 20%, nhưng cũng lên tới cả trăm triệu đồng. Đây là khoản tiền lớn nhất đối với chị, chưa kể tới việc sửa nhà, sắm sửa đồ mới cũng đáng tiền triệu. Không còn cách nào khác, chị đành phải ngậm ngùi hẹn qua Tết mới tính chuyện gặp chủ đầu tư.

Chị Hường cho hay: “Năm qua khó khăn, hai vợ chồng làm ngân hàng nhưng cũng chỉ đủ ăn. Dư được trăm nào thì đóng tiền nhà đợt đấy, cứ vèo vèo lại đến hẹn lại nộp tiền. Giờ mà nhận nhà cũng phải đóng một cục lớn, chẳng biết xoay sở vào đâu”.

Trước đó nửa năm, vợ chồng chị Hường dự tính số tiền thưởng Tết không đủ để nộp đợt cuối. Nếu sửa chữa và sắm đồ mới, anh chị sẽ phải bán căn chung cư đang ở. Nhưng rao bán cả năm, mà vẫn kẹt, người mua chỉ hỏi thăm nhưng chẳng ai quyết.

{keywords}
Áp lực lớn với các chủ nhà khi nhận bàn giao cuối năm. (Ảnh:D.A)

Cũng trong tình trạng “cháy túi”, chị Trần Thu Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) Tết này cũng phải tạm gác chuyện đón năm mới ở nhà mới. Cách đây hai năm, hai vợ chồng dốc hết tiền túi cùng với vay mượn của họ hàng đầu tư một mảnh đất và căn hộ. Hơn nửa số tiền gần 2 tỷ đồng đang nằm im trong đất, còn lại chị mua một căn chung cư để ra ở riêng. Vợ chồng chị đang vay ngân hàng để nộp tiền theo mỗi đợt thông báo của chủ đầu tư.

Chị Hà rầu rĩ: “Có thời điểm người ta hỏi mua lô đất gần 3 tỷ, hai vợ chồng tiếc không bán, giờ thì hơn 1,5 tỷ chẳng có ai mua. Tiền thì nợ ngân hàng, mà đất thì không bán được, có muốn nhận nhà đợt này cũng không thể. Vợ chồng mình đang chờ ra Giêng nếu có người hỏi thì buộc bán mảnh đất dưới Nam Từ Liêm mới đủ tiền nộp và sửa nhà”.

Đại diện một chủ đầu tư cho hay, nhiều căn hộ gọi tới năm lần bảy lượt vẫn không có khách tới nhận. Nguyên nhân chính cũng là thiếu tiền hoặc do đầu cơ. "Thời điểm cuối năm, chủ đầu tư cũng mong muốn hoàn thành nhiệm vụ để thu về một khoản tiền lo cho công ty và anh em cán bộ nhân viên. Khách hàng không chịu tới nhận chỉ còn cách là lĩnh lãi suất", ông nói.

Áp lực nhận nhà

Theo kỹ sư Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng TXD, nhận nhà thời điểm trước Tết, cũng là lúc mà nhân công đắt đỏ, vật liệu xây dựng tăng cao. So với thời điểm sau Tết, nếu sửa chữa dịp này, người dân cũng chịu thiệt thòi hàng chục triệu đồng. Đơn cử như nhân công lao động thường hét giá cao gấp đôi nhưng vẫn khó tìm thợ. Chưa kể tới nội thất đồ gỗ, nếu đặt theo yêu cầu thời điểm này không ít cửa hàng lắc đầu. 

Chính vì thế, không ít gia chủ đành để nhận nhà và sửa ra ngoài Tết để tiết kiệm chi phí tối đa. “Nhận nhà mới đón Tết thì ai cũng thích nhưng tiết kiệm chi phí vẫn được đặt lên hàng đầu”, ông Quân nói.

Anh Nguyễn Văn Tú (KĐT Linh Đàm, Hoàng Mai), cho biết, áp lực nhận nhà cuối năm rất lớn, từ việc đóng tiền cho chủ đầu tư, sửa chữa còn một điều quan trọng là phải ở lại ăn Tết đầu tiên. “Đang ở trọ thì về quê thoải mái, còn có nhà rồi phải có người thắp hương năm đầu tiên, trang trí nhà cửa. Như vậy cũng tốn kém thêm chi phí sắm sửa”, anh Tú nói.

{keywords}
Nhiều căn hộ trống không có người tới nhận (Ảnh:D.A)

Việc sửa nhà ăn tết từ lâu đã trở thành một tập quán hay nói nôm na là thói quen khó thay đổi của người Việt mình. Ai cũng muốn có ngôi nhà đẹp để mở đầu cho một năm mới đầy may mắn, thoải mái và thành công, nên nhiều người vẫn loay hoay tìm mọi cách xoay tiền để cố sửa nhà cuối năm. 

Như chị Trang (quận Hà Đông) đã nghĩ ra cách có thêm tiền bằng thẻ tín dụng. Với thẻ của chị có hạn mức tiêu dùng lên tới 80 triệu đồng, chị dành để mua đồ nội thất. Theo tính toán của chị, sau 45 ngày tới thời điểm nhận thưởng Tết là chị có thể hoàn thành nghĩa vụ với ngân hàng mà không phải đi vay nóng bên ngoài.

Còn gia đình chị Quỳnh (KĐT Kim Văn Kim Lũ) cũng chỉ nhận nhà dọn vào ở để tiết kiệm tiền thuê nhà, còn mọi việc sửa chữa hai vợ chồng chị dự tính để ra Giêng. Chị Quỳnh cho biết: “Sửa nhà vệ sinh, làm trần thạch cao, sàn gỗ rồi nội thất cũng tốn hơn 100 triệu đồng. Hai vợ chồng ở quê, cố gắng mãi mới đủ tiền để nhận nhà. Còn sửa chữa thì cứ từ từ, ra Tết mọi cái đều rẻ, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó”.

Trong khi các nhà khác đang cấp tập sửa nhà, hồ hởi mua đào quất về trưng thì nhà chị vẫn không có gì mới như lúc nhận bàn giao của chủ đầu tư.

Ông Quân ở Công ty TXD tư vấn, trước khi nhận nhà và sửa, gia chủ cần có kế hoạch cụ các không gian cần phải sửa, đừng để “nước đến chân mới nhảy”. Khi đó, dễ gặp phải tình trạng cập rập, không có thời gian giám sát và sửa chữa tràn lan, không đúng chủ đích và thâm hụt ngân sách đề ra.

Không ít gia đình đã lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi sử dụng dịch vụ sửa chữa nhà ngay trong giai đoạn thi công nhưng không đảm bảo chất lượng như cam kết ban đầu, dẫn đến tình trạng Tết cận kề mà vẫn chưa xong, nhà cửa lộn xộn. Hơn thế, một số trường hợp còn lừa đảo, nhận tiền cọc, làm vài ngày thì không thấy công nhân đến nữa... Chính vì thế, nếu không có tài chính và thiếu người giám sát thì nên để dành ra sau Tết ngày rộng tháng dài và nhân công rẻ.

D.Anh