- Chưa đầy hai tuần nữa là đến Tết, trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều người dân ở Thủ đô đã rủ nhau “mua chung” hoặc đặt hàng sớm để có giá tốt nhất.

Chị Nguyễn Ngọc Phượng, nhà ở ngõ 177 Đội Cấn, Ba Đình, đã cùng bà con trong xóm lên kế hoạch chuẩn bị Tết tiết kiệm nhất. Chị Phượng cho biết, bà con trong khu sống với nhau rất thân thiết, thường hay rủ nhau mua đồ chung để giảm giá. Năm nay, có bốn nhà đã tính đặt một con lợn mán khoảng chục kg để ăn Tết. Ngoài ra, một chị có quê ngoại ở Bắc Giang nên đã nhờ mua cho mỗi nhà một đôi gà đồi để thắp hương đêm 30 và ăn Tết.

“Tôi nghĩ cùng nhau mua chung như vậy rất tiết kiệm và có được hàng ngon. Một anh có bạn nuôi lợn ở Ninh Bình nên nhờ mua hộ. Họ sẽ thịt và làm sạch cho mình. Lợn mang về, phần lòng và tiết, mấy nhà có bữa tất niên cuối năm. Còn lại chia đều, mỗi nhà mang một phần thịt về để ăn trong mấy ngày Tết”, chị Phượng kể.

{keywords}
Một con lợn đã làm sạch đang được các mẹ rủ nhau mua chung cho tiết kiệm (ảnh FBNV)

Sống cùng tầng ở chung cư Xa La, Hà Đông, chị Lê Thu Hương và hai gia đình khác lại cùng nhau “đụng” lợn quê. Chị Hương kể, nhà ngoại chị ở Ba Vì, Hà Nội có nuôi lợn sạch để đến Tết mổ. Hàng xóm nhà chị biết nên đã nhờ mua giúp mỗi nhà mấy cân thịt lợn và ít giò.

“Bố mẹ tôi nuôi bằng thóc gạo nên thịt lợn chắc và ngon, lại đảm bảo. Ông bà thịt cho gia đình, con cái, họ hàng mỗi nhà một ít, không phải để bán. Vì thế mà giá để lại cũng rất thấp. Ngoài ra, khi về quê ngoại, tôi còn mua rau sạch cho mọi người ăn Tết nữa”.

Không chỉ thực phẩm mà bánh kẹo, hoa quả cũng được mọi người rủ nhau mua chung cho rẻ.

Năm ngoái được người họ hàng từ bên Nga về cho gói kẹo socola hạnh nhân nên gia đình anh Vũ Văn Tiến, Sài Đồng, Gia Lâm đâm ra “nghiền”. Gần đến Tết, vợ anh đã tìm ra địa chỉ để mua loại kẹo này. Tuy nhiên, khảo sát trên một số trang web và mấy địa chỉ bán hàng xách tay, chị thấy giá tương đối cao so với mua và gửi từ Nga về. Do đó, nhà anh đã rủ bạn bè, anh em mua chung.

Theo anh Tiến, để gửi một chuyến hàng bên đó về với mức cước hợp lý thì cũng phải tầm 5-6kg trở lên. Một mình nhà anh mua số lượng kẹo lớn như vậy thì phí rất đắt nên anh đã rủ thêm được hai gia đình góp tiền mua chung. Mỗi nhà sẽ có khoảng hơn 3kg kẹo hạnh nhân, hàng chuẩn từ Nga. Trong khi đó, giá thành lại rẻ hơn mua ở nhà từ 100.000-150.000 đồng/kg.

{keywords}
Lợn được chia ra từng phần đều nhau cho các gia đình

Không chỉ anh Tiến, rất nhiều người khác cũng có cách làm như vậy. Dạo qua một số trang mạng xã hội, thông tin rủ nhau mua chung một sản phẩm để có giá thành hợp lý được nhiều người đăng tin.

Thành viên namduong trên trang facebook đã đăng tin rủ mọi người mua cam Cao Phong, Hòa Bình để ăn Tết. “Cam Cao Phong rất nổi tiếng và ai cũng biết chất lượng. Nhà mình có người họ hàng ở trên đó nên sẽ lấy được giá gốc. Các mẹ ai có nhu cầu thì đặt cùng mình để chia tiền cước nhé, mỗi người tối thiểu đặt 5kg. Nếu tính giá về tới nhà sẽ rẻ hơn giá các mẹ mua ngoài chợ mà lại được ăn cam đảm bảo”, thành viên này viết.

Từ hai năm nay, một số hộ gia đình trong ngõ Gốc Đề, Minh Khai, Hà Nội đã thực hiện phương châm “mua chung” vì thấy vừa tiện ích, giá thành phù hợp lại góp phần gắn kết bà con với nhau.

Bà Bùi Thị Cúc (65 tuổi) tâm sự: Trước Tết tầm 1 tháng, chị em chúng tôi ngồi lại với nhau xem các gia đình cần gì, mua bao nhiêu và chỗ nào hàng ngon, giá rẻ nhất. Thế rồi mọi người bàn bạc và thống nhất những khoản có thể mua chung và phân cho ai có mối quan hệ hoặc biết chỗ để mua. Năm nào cũng vậy, đến tầm 28 Tết nhà nào cũng chuẩn bị đồ đầy đủ, vừa ngon, vừa rẻ.

Châu Giang