Từ phế phẩm “đầu thừa đuôi thẹo” của các nhà máy chế biến gỗ được mua với giá…
củi, người thợ làng nghề mộc Bình Minh (Trảng Bom, Đồng Nai) đã biến chúng thành
sản phẩm mỹ nghệ bán khắp thế giới.
Trong số những xưởng thủ công ở đây, đã có xưởng làm hàng bán cho tập đoàn bán
lẻ lớn nhất thế giới – Wal Mart (Mỹ).
Thổi hồn vào… củi
Theo những người thợ lâu năm tại các ấp Tân Bắc, Trà Cổ, nghề này chỉ mới hình
thành sau ngày thống nhất đất nước. Người được coi ông tổ của nghề là ông Kỳ
Vân, người ấp Trà Cổ, vốn là một thợ mộc. Một lần trong vườn nhà có cây mít bị
chết, ông lấy thân cây đục đẽo thành một con thuyền mô hình với các họa tiết
tinh xảo. Làm xong, ông mang chiếc thuyền mỹ nghệ này lên TP.HCM bán dạo,
sản phẩm đầu tiên này mau chóng được những du khách Liên Xô (cũ) mua làm đồ lưu
niệm.
Có động lực, ông về làm thêm nhiều sản phẩm, và thay vì đi bán dạo, ông đem gửi
những người bán hàng tại các tuyến đường trung tâm TP.HCM bán cho khách du lịch.
Lượng hàng tiêu thụ ngày một nhiều, cũng đồng thời có nhiều người tìm đến nhà
ông học nghề. Cứ người trước dạy người sau, chẳng bao lâu cả làng cùng làm, và
làng nghề mỹ nghệ gỗ Bình Minh hình thành.
Ông Trần Hương, thợ mỹ nghệ lâu năm tại Trà Cổ cho biết, từ khi có các nhà máy
chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nghề mỹ nghệ gỗ Bình Minh càng phát
triển nhanh chóng. Bởi hàng năm có một lượng lớn gỗ phế phẩm thải ra từ các nhà
máy, vốn được bán rất rẻ cho các lò gạch làm củi đốt. Người làng nghề thu mua
về, chế tác thành hàng trăm các sản phẩm mô hình khác nhau, từ xe xích lô, ô tô,
máy bay, tàu thuyền đến mô hình các vũ khí, vật dụng trang trí... có giá từ vài
chục đến vài triệu đồng/sản phẩm. Phần lớn những người biết nghề tại Trà Cổ đều
làm tại nhà, tận dụng cả những lao động dư thừa (người già, trẻ em) trong gia
đình. “Ấy vậy mà sản phẩm của Bình Minh đã có mặt không chỉ Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM... mà còn tới tận Pháp, Đức, Mỹ, Hong Kong...”, ông Hương hào hứng.
Chinh phục Tập đoàn Wal Mart
Anh Nguyễn Thành Nhân, chủ cơ sở mỹ nghệ gỗ Thành Nhân, cơ sở có quy mô nhất tại
làng nghề Bình Minh cho biết, năm ngoái, một công ty trung gian tại Biên Hòa,
sau khi gửi mẫu làm thử đã xuống xưởng đặt 2 container sản phẩm cung cấp cho tập
toàn Wal Mart. Gần 30 công nhân trong xưởng của anh phải tăng ca liên tục cho
kịp thời gian giao hàng. Đến lúc nhận hàng, khách mua đã không ngớt lời khen sản
phẩm đẹp, rẻ, vì giá chỉ bằng giá bán trong nước, chất lượng lại đồng đều. Ngay
sau lô hàng này, đại diện của Wal Mart đã liên hệ trực tiếp với anh, đặt hàng
với số lượng lớn, trung bình 5.000 sản phẩm một tháng, trong khi năng lực của
xưởng chỉ làm được có 2.000 sản phẩm mỗi tháng mà còn phải phân phối đều cho
khác hàng trong nước và ở các nước khác.
Theo anh Nhân, sau khi có thông tin một vài sản phẩm đồ chơi Trung Quốc “nhiễm
chất này, chất nọ”, rất nhiều khách hàng từ Đức, Pháp, Mỹ, Hong Kong... đã về
Bình Minh tìm nguồn hàng. Nhiều công ty du lịch tại TP.HCM cũng về khảo sát đặt
điểm tham quan, tuy nhiên do các hộ làm nghề nằm rải rác, quy mô nhỏ nên khó
thực hiện mô hình này làm các công ty du lịch vô cùng tiếc.
Ông Đoàn Hải, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, mặc dù nghề mỹ
nghệ của Bình Minh là nghề thủ công tạo ra giá trị cao, đầu ra ổn định, nhưng
mới số ít hộ có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất. Nguyên nhân là do thiếu vốn,
không được định hướng thị trường. Tỉnh Đồng Nai đang quy hoạch vùng đầu tư sản
xuất tập trung. Tuy nhiên, đề án khả thi thì vẫn đang chờ.
(Theo Báo Đất Việt)