-Là những doanh nhân kinh doanh lớn trong BĐS nhưng họ không thực sự quá nổi với những cái “đại gia” hay “tỷ phú”. Thậm chí, trong mắt nhiều người họ còn có những đại gia rất lạ khi theo đuổi những dự án, những cách làm khác người. Tuy nhiên, với họ đó là “của để đời”, ghi dấu sự nghiệp kinh doanh của mình cũng thể hiện khát vọng người Việt cũng gây dựng được những cơ nghiệp lớn tầm cỡ quốc tế trên đất nước mình.
Trồng cây rồi mới bán nhà
Với ông Đào Ngọc Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico), trồng một cây có ý nghĩa to lớn. Chính vì thế mà cả khu đô thị của ông hiện nay chìm trong một màu xanh ngút ngát, như một công viên tách biệt khỏi cuộc sống ồn ào, bụi bặm…
Trong giới kinh doanh, người ta nhắc tới ông vì đã mua về cho dự án của mình không biết bao nhiêu là cây, bản thân ông Thanh chắc cũng không nhớ nổi. Tại khu đô thị Ecopark có nhiều chủng loại cây xanh từ những cây mới trồng cho tới cổ thụ hàng trăm tuổi.
Người xây dựng những công trình xanh |
Ông Thanh cho biết, ở đời có cách để mua thời gian của giới nhà giàu. Thứ nhất là mua đồ cổ, những chiếc bát, mảnh sành nhưng có giá trị hàng triệu đô vì nó lưu giữ lại cả một lịch sử. Thứ hai là mua lại một cây cổ thụ có niên đại hàng trăm năm. Khi chơi đồ cổ họ chỉ giữ gìn cho riêng mình, còn mua lại một cái cây về trồng không chỉ giữ lại cho hôm nay mà cho cả thế hệ mai sau một thế giới xanh. Chính vì thế, ông đã chọn cách chơi thứ hai.
Ông cũng từng bị người ta nói rằng: “Ông mua cây chỗ này chỗ kia về trồng trong khu đô thị của mình chẳng khác nào phá rừng…”, nhưng ông Thanh cười và bảo: “Hầu hết các cây ông mua về đều rất rẻ, thậm chí là không có giá trị về kinh tế”. Ông lý giải: các cây của Ecopark đều được đưa từ những nơi người ta chuẩn bị phá. Một là lòng hồ thuỷ điện, hai là các đường giao thông mà nhà nước mở rộng. Những cây này thậm chí có nơi cho không”, ông nói. Chính vì thế, ông cũng hay áy náy bởi không ít cây cổ thụ hàng trăm tuổi bị chặt bỏ, người ta mời ông tới lấy về trồng nhưng ông “lực bất tòng tâm” vì cần cẩu không thể đi vào được.
Khu thị với môi trường sống xanh |
Nói về dự án của mình, ông tự hào rằng: đây là dự án do người Việt làm chủ, phong cách Việt. Ngay cả các thiết kế dù có thuê nước ngoài nhưng cũng không hề có đường nét của họ, từ kiến trúc tới sử dụng vật liệu đều của Việt Nam. Điều đặc biệt thứ hai ở chỗ, chủ đầu tư không phát triển tràn lan, chỉ làm một dự án, dù nói Ecopark hay Vihajico đều là một.
Với một nhà kinh doanh bất động sản như ông Thanh lại nghĩa khác: “Ở các khu đô thị, sau khi san nền bán nhà, làm đường, rồi mãi mới trồng được một vài cái cây lơ thơ nhưng chúng tôi không làm thế. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một môi trường sống đích thực.”, điều này thì ông nói đúng.
Chính vì vậy, ông vẫn luôn cho rằng, thành công của một nhà phát triển bất động sản không chỉ là đo đếm bằng số lượng căn nhà bán được, mà bằng ánh đèn từ ô cửa sổ khi đêm về.
Người xây biểu tượng
Với ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco, cũng là một người có tiếng trong giới bất động sản ở Việt Nam. Bản thân ông cũng được Forbes ví von là “người xây biểu tượng”.
Cái tên Bitexco gắn liền với những công trình nổi tiếng ở Hà Nội và Tp.HCM như khách sạn J.W. Marriott tại Hà Nội, Văn phòng Bitexco - Nguyễn Huệ Tp.HCM, khu The Manor Nguyễn Hữu Cảnh,…
Bitexco xây dựng biểu tượng cho Sài Gòn |
Thành công tại nhiều dự án BĐS, nhưng tới Bitexco Financial Tower, ông Hội mới thật sự đặt được dấu ấn của mình. Với 68 tầng, tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng, tòa tháp Bitexco được lấy cảm hứng thiết kế từ hình ảnh búp sen, thể hiện văn hóa truyền thống của Việt Nam, khát vọng vươn lên của dân tộc và là biểu tượng cho một Việt Nam mới đầy năng động.
Ông Hội chia sẻ triết lý kinh doanh là, trách nhiệm của doanh nghiệp vượt ngoài mục tiêu kinh tế. Thời điểm này là lúc nghĩa vụ chính trị – nghĩa vụ đóng góp cho đất nước bằng suy nghĩ và hành động tích cực, phải đặt lên hàng đầu.
Không đơn giản là tòa nhà chọc trời, một trong 3 tòa nhà chọc trời cao nhất Việt Nam. Bitexco Tower đang trở thành địa điểm nhận dạng quen thuộc của người dân thành phố. Trên hầu hết các quảng cáo, bộ phim truyền hình về TP HCM đều có hình ảnh toà tháp này.
Tạp chí Asean Affairs đánh giá toà tháp 68 tầng đã trở thành biểu tượng kiến trúc trên bầu trời TP.HCM và cũng là một biểu tượng của Việt Nam phát triển. CÒn CNN lại bình chọn Bitexco Financial Tower vào top 1 trong 25 tòa nhà biểu tượng của kiến trúc thế giới.
Tòa nhà của Bitexco độc đáo với hình hoa sen |
Trong tương lai, công trình cao 262 m này sẽ không còn là tòa nhà cao nhất TP HCM nhưng, ông Hội cũng có thể tự hào rằng đã thực hiện được một công trình có tính biểu tượng cho sức mạnh và ý chí của người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Đưa “kiệt tác” dát vàng trong mỗi căn hộ
Cũng là một trong những người tâm huyết, ông Nguyễn Hữu Đường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hoà Bình, tự tin tuyên bố dự án căn hộ do công ty ông làm chủ đầu tư sẽ là “kiệt tác” mà khó có doanh nghiệp BĐS nào có thể xây dựng được.
Bước vào lĩnh vực bất động sản, ông Đường luôn suy nghĩ tại sao nước ngoài xây được căn hộ hạng sang mà Việt Nam lại không? Vậy là khu căn hộ 6 sao tại 505 Minh Khai được khởi công xây dựng.
Ông Đường coi mỗi công trình là một kiệt tác |
Giữa lúc thị trường BĐS đóng băng, ông tuyên bố sẽ dát vàng 18k và 24k cho thành lan can, toàn bộ cửa thang máy, sảnh tầng 1. Đây là điều đặc biệt lần đầu tiên có ở hệ thống chung cư cao cấp tại Việt Nam.
Không chỉ lan can, mà toàn bộ cửa thang máy, các phào của sảnh tầng 1 cũng đều được dát vàng. Thậm chí, tại toà tháp thứ hai, ông còn dát vàng cả các thiết bị vệ sinh của toilet. Điều đáng nói là, khách hàng không phải trả thêm bất kỳ chi phí nào, toàn bộ đều do ông Đường chi trả.
Trước đó, tại dự án Hòa Bình Somerset trên đường Hoàng Quốc Việt, ông đã bỏ ra 140 cây vàng để mạ cửa.
Trong chuyến đi Mỹ, khi tới Tòa tháp Empire State cao nhất New York, ông Đường mê mẩn những cánh cửa mạ vàng tại đây và quyết định trang hoàng như vậy cho tòa tháp của mình.
Mới đây, Trung tâm thương mại V+ chuyên bán hàng Việt tại dự án của ông đã chính thức đi vào hoạt động. Điều đáng nói ở dự án này, ông miễn phí 10 năm cho doanh nghiệp Việt bán hàng Việt Nam chất lượng cao. Ủng hộ hàng Việt, đồng nghĩa với việc ông “làm từ thiện” 25.000m2 sàn, trị giá khoảng 500 tỷ đồng.
Hình ảnh cổ động trong Trung tâm thương mại đầu tiên chỉ bán hàng Việt |
Theo ông Đường thì toàn bộ mặt bằng diện tích này ông sẽ cho thuê miễn phí, nhằm mục đích hỗ trợ các DN sản xuất trong nước. Điều đó có nghĩa các DN sản xuất trong nước chỉ cần đem hàng hóa của mình đến TTTM để bán và phải trả các khoản phí như điện, nước, phí quản lý,… tiền thuê mặt bằng hoàn toàn miễn phí, với điều kiện là Hòa Bình sẽ kiểm soát về giá thành, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, khi các nhà sản xuất trong nước bán hàng Việt tại trung tâm thương mại chỉ được phép có lợi nhuận từ 10% đến 15%, kể cả sản phẩm của Công ty Hòa Bình sản xuất.
Tiết lộ lý do với báo chí về quyết định này ông Đường chia sẻ: “Một trong những vấn đề sống còn của nền kinh tế là phải đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại thị trường nội địa và muốn làm được điều đó thì cần phải phát triển hệ thống phân phối. Ai nắm được hệ thống phân phối sẽ chi phối hệ thống sản xuất. Trong khi đó, thị phần phân phối và bán lẻ tại Việt Nam hiện nay đang bị các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ. Đặc biệt khi Việt Nam thực hiện cam kết WTO mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ từ năm 2015, thì áp lực cạnh tranh đối với các DN Việt còn gay gắt hơn. Nên chúng tôi muốn miễn phí toàn bộ tiền thuê mặt bằng của Trung tâm thương mại V+ nhằm hỗ trợ các DN Việt.”
Duy Anh