- Chỉ cần vài mét vuông, với 5-7 cái bàn kê sát nhau, một quán ăn nằm trong ngõ cho thu nhập tiền triệu mỗi ngày, làm thay đổi cả quan niệm “kinh doanh mặt tiền”. Điều lạ là, ăn uống có phần vất vả nhưng thực khách chẳng kêu ca phàn nàn mà người bán thì ung dung thu tiền.

Chui vào ngõ tìm của lạ

Con ngõ nhỏ phố Ấu Triệu chỉ rộng chưa đầy 2 mét, càng đi sâu vào trong ngõ càng hẹp dần, mỗi nhà chỉ vài mét vuông. Nếu như ở quê, người ta sẽ bảo nhau rằng cái ngõ đó chẳng làm gì được. Nhưng Hà Nội lại khác. Phố cổ nhà đất đắt xắt ra miếng nên chỉ cần vài mét vuông, với tài xoay xở, chủ nhà có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Chính vì thế, từ nhiều năm nay, món nem chua nướng ngõ Ấu Triệu, cạnh Nhà thờ Lớn, đã trở nên quen thuộc với giới trẻ Hà Thành.

Tối nào cũng vậy, giới trẻ từ sinh viên, người đi làm, Hà Nội có, Sài Gòn có, cả Tây cũng có, chen nhau. Mỗi bàn chỉ 3 chiếc ghế, hai cái để ngồi đối diện nhau và một cái để làm bàn. Ở đây, muốn ăn thì phải chấp nhận ngồi sát nhau, đến duỗi chân cũng chẳng được. Có khi cái thú vị lại ở chỗ đó, nên không thấy ai lên tiếng phàn nàn. Người này vừa đứng lên thì người kia đã xí chỗ.

{keywords}
Tại quán nem nướng trên phố Ấu Triệu, đồ ăn được đặt trên ghế

{keywords}
Thực khách ngồi chen chúc trong ngõ để được thưởng thức món ăn dân dã này (ảnh xzone)

Điều mà cửa hàng này làm được chính là tạo ra một thói quen cho khách hàng. Ai muốn ăn nem ở đây cũng thế. Món nem nướng ngõ này thì có đặc trưng riêng, chẳng bao giờ bị cạnh tranh bởi những khu phố khác.

Do mặt bằng kinh doanh chỉ vài mét vuông, quán bày chưa đầy 20 hàng ghế. Để gọi món, nhân viên sẽ báo với nhà bếp bằng micro. Ở đầu bên kia, người nghe được tự động làm rồi chuyển xuống quán bằng ròng rọc. Nếu tính về hiệu quả kinh doanh thì cửa hàng “bé như mắt muỗi” này hơn đứt khối anh mặt tiền. Tính sơ sơ, mỗi chiếc nem nướng giá 5.000 đồng, hoa quả 15.000 đồng/đĩa, trà chanh 10.000 đồng/cốc,... mỗi tối phải tới tiền triệu. Gần chục nhân viên phục vụ từ chiều tới tận khuya vẫn còn khách.

Hay ngõ 49A phố Trần Quốc Toản có quán vịt nướng lúc nào cũng nhộn nhịp khách vào ra. Nhiều buổi trưa, quán còn không đủ hàng để bán bởi đồ ăn ở đây ngon mà giá cả lại phải chăng.

Quán bánh rán trên đường Lạc Long Quân, dù vị trí không được thuận lợi, nhưng lại đắt khách đến nỗi nhiều người phải xếp số chờ đợi. Cũng vì thế mà quán nổi tiếng với cái tên “bánh rán xếp số” và lối bán hàng theo kiểu thời bao cấp rất đặc trưng.

Một quán café khá lạ nằm sâu trong một con ngõ của phố Lý Thường Kiệt. Khách tới đây phải gửi xe ở ngoài rồi đi qua một hàng ăn, sau đó đi vào trong sân tìm lối cầu thang lên quán. Chỉ việc mô tả đường đi đã thấy bất tiện, thế mà quán vẫn kín chỗ ngồi. Người uống thích thú bởi không gian lạ và yên tĩnh.

Café trong số nhà 11 Hàng Gai cũng rất hút khách, nhất là người nước ngoài bởi được ngồi nhâm nhi trong ngôi nhà Hà Nội cổ kính, rêu phong, hay được ngắm trọn không gian Hồ Gươm từ tầng 2...

{keywords}
Từ quán cà phê trên phố Hàng Gai, khách được ngắm toàn cảnh Hồ Gươm

Người Hà Nội có một sổ tay riêng về các quán ăn như vậy. Bún ốc, bánh đúc ở một ngõ phố Lê Ngọc Hân, quán bánh rán nằm trong một con ngõ nhỏ trên đường Lạc Long Quân, hay quán Vịt ở ngõ Đình Đông, Bạch Mai,...

Điểm chung dễ nhận thấy ở những quán ăn, cửa hàng trong ngõ này là món ngon và giá bình dân. Còn đối với thực khách, cái thú riêng của họ là được ngồi túm tụm, xì xụp ăn uống trong ngõ nhỏ phố cố gợi nhớ nét hoài niệm, xưa cũ mà thân thuộc.

Chị em văn phòng ở khu vực đài truyền hình Việt Nam chắc ai cũng biết tới một cửa hàng thời trang trong ngõ, gần nhà đài. Cửa hàng chưa đầy 50m2 nhưng lúc nào cũng tấp nập, nhất là vào buổi trưa, người mua xếp hàng chờ thử đồ. Chủ nhà chẳng cần phải thiết kế cửa hàng hay bày mẫu, quần áo cứ thế treo vào móc, có khi xếp trong bao tải, vậy mà vẫn nườm nượp người mua.

Trong giới yêu sách, người ta vẫn nhắc nhau về “phố sách” Đinh Lễ với hàng chục cửa hàng sách chen chúc trong một con ngõ chật chội. Điều đặc biệt, những cửa hàng này đều ở trên tầng hai, người mua phải đi qua những khu nhà ẩm thấp, hôi hám, lên cầu thang rồi mới vào được. Ở đây có hàng nghìn ấn phẩm nhưng giá cả rất phải chăng. Ngoài ra, chủ cửa hàng ở đây còn bán buôn với những đơn hàng lớn đi các tỉnh.

Sống tốt nhờ bán hàng qua mạng

Có thể nói, bán hàng trong ngõ vẫn chỉ sống nhờ marketing truyền miệng, hữu xạ tự nhiên hương là chủ yếu và người mua phải tự tìm tới. Hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ, việc ngồi trong ngõ kinh doanh nhàn nhã hơn nhiều. Ngành thời trang và điện tử có lẽ đi đầu trong ứng dụng công nghệ này.

{keywords}

Ở Đinh Lễ, trên tầng hai khu tập thể có hiệu sách với hàng nghìn ấn phẩm giá cả rất phải chăng

Chủ một cửa hàng chuyên về cặp túi xách trong ngõ phố Tây Sơn chia sẻ, cả cửa hàng chỉ có 3 nhân viên, không cần biển hiệu hay trưng bày cầu kỳ song lại có một website quảng bá và bán hàng hiệu quả. Các nhân viên thay nhau trực web và điện thoại để nhận đơn hàng và tư vấn, chăm sóc khách hàng. Người mua có thể tới trực tiếp hoặc ngồi nhà nhận hàng.

“Nhiều người tới lần đầu ngỡ ngàng vì cửa hàng quá nhỏ, vậy mà mỗi tháng chúng tôi cũng bán được hàng trăm sản phẩm từ Hà Nội tới Sài Gòn, rồi cả từ Tây Bắc”, chủ cửa hàng tiết lộ.

Theo anh này, bí quyết để kinh doanh trong ngõ thành công là phải tiết kiệm chi phí để có giá thành rẻ, nhưng chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Công nghệ bán hàng trên facebook cần được tận dụng. Thay vì thuê nhân viên giao nhận có thể nhờ xe ôm đầu ngõ làm mối quen, còn chuyển đi xa thì thuê công ty vận chuyển.

Còn chị Nga, chủ một shop thời trang trong ngõ phố Kim Mã, cho hay: “Khách hàng của tôi phần lớn là khách VIP, bán qua điện thoại, email, đơn đặt hàng lên đến tiền triệu, thế nên tiêu chí hàng đầu là chất lượng phải đảm bảo và hàng phải ‘độc’. Nếu mình phục vụ chu đáo sẽ để lại ấn tượng tốt, khách sẽ quay trở lại và quan trọng là họ sẽ giới thiệu thêm nhiều bạn bè đến. Vì thế, dù là cửa hàng trong ngõ cũng không phải là điểm bất lợi”.

Theo các chuyên gia công nghệ, việc phát triển ngành thương mại điện tử - trong đó có kinh doanh trên mạng xã hội, điện thoại di động - đã xoá bỏ quan niệm “cửa hàng mặt phố”. So với đầu tư về mặt bằng, việc áp dụng công nghệ rẻ hơn và có lợi thế lâu dài. Chủ cửa hàng nào nắm bắt công nghệ tốt sẽ thành công trong kinh doanh.

Nói về kinh doanh trong ngõ, có người cho rằng đó là “làm chơi ăn thật”. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Có gần 5 năm kinh doanh trong những ngõ ngách của Hà Nội, anh Trung - chủ một shop thời trang - chia sẻ: “Do hạn chế về vị trí, hàng quán trong ngõ phải tạo được phong cách riêng hơn hẳn đối thủ ở mặt tiền thì mới có thể thành công. Vì thế, kinh doanh trong ngõ, ngoài sản phẩm phải độc và lạ, phải có hướng đi riêng”.

Duy Anh