Mùa xuân này, cùng với sự chuyển mình, phát triển của cả đất nước, lãnh đạo và cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Cục Cảnh sát kinh tế - Tổng cục Cảnh sát cũng có những niềm vui riêng. Đó là năm thứ 3 liên tiếp được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Đó là niềm vui khi điều tra thành công vụ Công ty Tư vấn Giao thông vận tải Nhật Bản (JTC) dùng 80 triệu Yên hối lộ quan chức ngành Đường sắt Việt Nam, góp phần để Chính phủ Nhật Bản nối lại duy nhất với Việt Nam việc xem xét các dự án ODA mới…
1. Những ngày cuối tháng 4/2014, dư luận cả nước xôn xao về việc báo chí Nhật Bản đưa thông tin Công ty JTC hối lộ các quan chức ngành Đường sắt của Việt Nam, Indonesia, Uzebekistan. Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an, Cơ quan CSĐT (Cục Cảnh sát kinh tế)- Bộ Công an đã khẩn trương vào cuộc. Theo các điều tra viên cho biết, khi tiếp cận vụ việc, các anh đã gặp rất nhiều khó khăn: sự việc nhận tiền đã xảy ra từ lâu (tháng 9/2009); các đối tượng tại Công ty JTC đã về nước; tài liệu chứng cứ ban đầu về vụ việc đưa nhận hối lộ mới dừng lại mức độ thông tin trên báo chí. Hơn nữa, những cơ quan liên quan thuộc 2 quốc gia khác nhau, ngôn ngữ khác nhau nên việc xác minh rất khó khăn.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế đang triển khai công việc tại đơn vị. |
Trong khi đó, thời hạn mà phía Nhật yêu cầu chúng ta phải trả lời chỉ trong một tuần, trước ngày 7/5/2014 để kịp báo cáo trong phiên họp chất vấn của Quốc hội Nhật Bản. Nếu không giải quyết tốt vụ án và kịp thời trong khoảng thời gian 7 ngày như nội dung nêu tại công hàm thì phía Nhật sẽ cắt chương trình ODA đối với Việt Nam. Đây là vấn đề áp lực lớn đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nói chung và chính các điều tra viên được giao nhiệm vụ thụ lý nói riêng. Yêu cầu chính trị đặt ra phải xử lý nhanh chóng, kịp thời để phía Nhật thấy được sự tích cực của Chính phủ Việt Nam đối với tội phạm tham nhũng. Trong khi đó, người dân cả nước, các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên theo dõi, đưa thông tin về vụ việc…
7 ngày, thời gian quá ngắn cho một vụ án phức tạp và nhiều khó khăn. Thế nhưng, với tinh thần đấu tranh quyết liệt, khẩn trương, sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, đặc biệt là lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (nay là Tổng cục Cảnh sát), chỉ trong 36 giờ, cơ quan điều tra đã làm rõ 3 đối tượng: Phạm Hải Bằng - Phó Giám đốc RPMU; Phạm Quang Duy - Phó Giám đốc RPMU và Nguyễn Nam Thái - Trưởng Phòng thực hiện Dự án 3 Ban RPMU đã nhiều lần nhận tổng số tiền khoảng 11 tỷ đồng của JTC.
Mở rộng điều tra, sau đó, Cục Cảnh sát kinh tế đã khởi tố, bắt tạm giam đối với 3 đối tượng nữa, gồm: Trần Quốc Đông, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam; Trần Văn Lục - nguyên Giám đốc RPMU và Nguyễn Văn Hiếu- Giám đốc RPMU về hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Để phục vụ cho việc tái kết nối ODA, trong các ngày 16/5, 20/5, 24/6/2014, Cục Cảnh sát kinh tế phối hợp chặt chẽ với các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Ngoại giao làm việc với Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Cơ quan JICA.
Nội dung các buổi làm việc vừa trao đổi thông tin điều tra, vừa khẳng định thái độ kiên quyết của Chính phủ Việt Nam đối với những sai phạm xảy ra tại RPMU và những cam kết của các cơ quan chức năng Việt Nam về việc phòng trừ tiêu cực trong sử dụng vốn ODA tại Việt Nam.
Và hồi 8h (giờ Việt Nam) ngày 18/7/2014, tin vui đã đến. Bộ Ngoại giao Nhật Bản ra thông cáo báo chí với nội dung: Trên cơ sở những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc xử lý vụ Công ty JTC đưa hối lộ cho cán bộ của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cũng như việc tăng cường biện pháp phòng, chống tham nhũng trong các dự án ODA Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản quyết định nối lại việc xem xét các dự án ODA mới dành cho Việt Nam, ngoại trừ các dự án liên quan đến chủ đầu tư là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Trong lần này, Chính phủ Nhật Bản chỉ nối lại ODA mới cho Việt Nam, còn Indonesia, Uzebekistan thì vẫn chưa thể. “Khi nghe thông tin, từ lãnh đạo Cục đến cá nhân điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án như tôi đều cảm thấy xúc động, vỡ òa niềm vui. Bởi những nỗ lực của chúng tôi đã được đền đáp, chúng tôi đã góp một phần công sức của mình trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, góp phần nối lại bờ vui cho đất nước”- Đại úy Hà Đức Sỹ, điều tra viên vụ án nhớ lại.
2. Năm 2014, Cục Cảnh sát kinh tế thụ lý, điều tra 55 vụ với 237 bị can. Trong đó, phát hiện, khởi tố mới 26 vụ với 79 bị can (tăng 7 vụ so với năm 2013); điều tra mở rộng, khởi tố mới 20 bị can (vụ án năm 2013). Một lần nữa, Cục Cảnh sát kinh tế lại ghi dấu ấn, khẳng định được vai trò và năng lực của mình khi tiếp tục phát hiện và điều tra những “đại án” liên quan đến ngành Ngân hàng. Đó là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà Chính phủ, Quốc hội, Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính TW, lãnh đạo Bộ Công an và dư luận quan tâm, đánh giá cao.
Vụ án Nguyễn Thị Bích Lương, nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Nam Hà Nội, vi phạm các quy định cho vay của các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại 3.900 tỷ đồng vẫn đang tiếp tục được các điều tra viên thụ lý, điều tra mở rộng. Đây là vụ án được đánh giá là rất khó, các đối tượng đã tìm mọi cách hợp thức hóa tài liệu chứng cứ, một số đối tượng bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra. Sau khi tiếp nhận vụ án trên, với kinh nghiệm và nghiệp vụ sắc sảo trong lĩnh vực điều tra án kinh tế, các trinh sát, điều tra viên của Cục Cảnh sát kinh tế đã bắt giữ được Nguyễn Thị Bích Lương, đối tượng chính của vụ án đang có dấu hiệu bỏ trốn ra nước ngoài.
Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam hàng chục bị can… Gây sự chú ý đặc biệt của dư luận là 2 vụ bắt giữ các “ông lớn” của Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng OceanBank. Bằng các tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan CSĐT đã làm rõ Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OceanBank; Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng cố ý làm trái, vi phạm các quy định về cho vay gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh việc tiến hành các biện pháp tố tụng, Cục Cảnh sát kinh tế đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị các phương án đảm bảo hoạt động của Ngân hàng được ổn định, không gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân gửi tiền. Việc kiên quyết điều tra các vụ án tại ngân hàng nói trên đã góp phần kịp thời ngăn chặn hậu quả thiệt hại về kinh tế - xã hội, làm ổn định, lành mạnh thị trường tài chính - tiền tệ. Qua công tác điều tra các vụ án liên quan đến ngân hàng, cơ quan CSĐT đang từng bước chứng minh việc sở hữu chéo, hành vi thâu tóm, lũng đoạn ngân hàng, phục vụ cho lợi ích nhóm…
Qua công tác phòng ngừa, điều tra tội phạm, Cục Cảnh sát kinh tế đã phát hiện được những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế để kịp thời tham mưu cho Tổng cục, Bộ kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, bịt kín những sơ hở, không để tội phạm lợi dụng hoạt động như: qui định chặt chẽ về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp; kiến nghị tạm ngừng hoạt động tạm nhập - tái xuất xăng dầu qua đường biển…
3. Ghi nhận những chiến công, đóng góp của tập thể CBCS Cục Cảnh sát kinh tế, năm 2014, có 97 lượt tập thể, cá nhân của đơn vị được các cấp lãnh đạo tặng Bằng khen, Giấy khen. Nội bộ đơn vị đoàn kết, thống nhất, không có CBCS vi phạm phải xử lý kỷ luật. Tuy chỉ gói gọn như vậy, nhưng để đạt được điều đó ở một đơn vị thường xuyên phải tiếp xúc với các lĩnh vực “nhạy cảm”, luôn có sự cám dỗ về vật chất như Cục Cảnh sát kinh tế, quả thật không hề đơn giản.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế cho biết, lãnh đạo đơn vị đã xác định được những thử thách của “đạn bọc đường” đối với các cán bộ của họ, vì vậy, Đảng ủy, lãnh đạo Cục đã xây dựng những quy chế, quy trình làm việc hết sức chặt chẽ. Mỗi cán bộ chiến sỹ khi làm việc phải tuân thủ nghiêm ngặt việc báo cáo các cấp lãnh đạo. “Trong quá trình công tác, nếu phải làm việc với doanh nghiệp, tối thiểu phải có từ 2 cán bộ trở nên. Cán bộ khi gặp gỡ các đối tượng trong vụ án phải có kế hoạch, đề xuất, nghiêm cấm chuyện gặp gỡ, trao đổi riêng…” -Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh cho biết. Nhưng theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Lãnh đạo đơn vị luôn làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Và trước hết, lãnh đạo các cấp trong đơn vị phải là “đầu tàu gương mẫu”, có tâm và có tầm trong công việc. Tất cả các hoạt động phải minh bạch: công tác cán bộ, hậu cần, kinh phí nghiệp vụ, phân công con người làm nhiệm vụ…
Năm 2014, Cục Cảnh sát kinh tế có 97 lượt tập thể, cá nhân được các cấp lãnh đạo tặng Bằng khen, Giấy khen. Nội bộ đơn vị đoàn kết, thống nhất, không có CBCS vi phạm phải xử lý kỷ luật. Để đạt được điều đó ở một đơn vị thường xuyên phải tiếp xúc với các lĩnh vực nhạy cảm, luôn có sự cám dỗ về vật chất như Cục Cảnh sát kinh tế, quả thật không hề đơn giản.
Theo CAND