Hơn nửa thế kỷ qua, ba thế hệ của một gia đình nông dân ở Nghệ An đã giữ gìn nguyên vẹn khu vườn cho cò, vạc và nhiều loài chim khác trú ngụ. Để làm được điều đó, hàng ngày vợ chồng, con cái chủ vườn dù có bận thế nào cũng thay nhau túc trực để bảo vệ vườn chim của mình.

Với họ, đó là tài sản vô giá không thể nào đánh mất được, cũng vì vậy mà gia đình nghèo này sẵn sàng từ chối số tiền bạc tỉ để giữ vườn chim.

Ba đời bảo vệ chim trời

Khu vườn rộng hơn 2 ha, nằm trong khu dân cư khá đông đúc ở xóm 10, xã Lý Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) là của gia đình anh Vũ Văn Ngân (SN 1975). Mỗi sáng sớm hay chiều về, đàn cò trắng hàng ngàn con bay rợp trời, tiếng kêu, tiếng vỗ cánh huyên náo cả một vùng. Chứng kiến đàn chim đó, nhiều người nhầm tưởng là chim nuôi của nhà ai, tuy nhiên đó hoàn toàn là vườn chim tự nhiên. Nói về những loại chim trong khu vườn, anh Ngân cho hay, cò ở trong vườn nhà anh đã ba đời nay. Anh từng nghe ông nội kể lại, cò bắt đầu xuất hiện ở vườn từ năm 1950. Lúc đầu chỉ 1 - 2 đàn cỡ vài chục con tìm đến nhưng càng về sau, chim, cò kéo về ở càng nhiều hơn. “Chim trong vườn rất đa dạng, ngoài cò cói còn có hàng chục loài khác như sếu, vạc, vàng anh, sáo... Chim về đây ở từ thời ông nội tôi, đến đời bố tôi thì chúng có đến hàng chục ngàn con. Mấy năm gần đây, người ta săn bắn dữ quá nên đàn chim cũng bị ảnh hưởng, hiện còn khoảng gần 6.000 con thường xuyên về ở và làm tổ sinh sản”, anh Ngân cho biết.

{keywords}

Suốt nhiều năm qua, anh Ngân luôn cẩn thận chăm sóc vườn cò của gia đình.

Theo những bậc cao niên trong làng thì ông nội và cha anh Ngân là những người hết lòng bảo vệ đàn chim. Vào những năm giáp hạt đói kém, họ thà ăn rau, ăn sắn trừ bữa chứ nhất quyết không bắt cò đem bán để mua gạo dù rất nhiều người tìm đến gạ mua. Cha truyền con nối, bây giờ đến đời anh Ngân cũng hết lòng vì đàn chim. Chính vì thế mà vườn chim tồn tại đến ngày hôm nay. Cũng từ khi đảm nhận việc trông coi vườn chim, mỗi năm vợ chồng anh Ngân lại trồng thêm nhiều tre, bạch đàn và các loại cây khác để có chỗ cho chim trú ngụ, làm tổ sinh sản. Anh hồ hởi chia sẻ, loài chim, cò khôn lắm, bay về mà không có nơi trú ngụ, làm tổ là chúng kêu suốt đêm. Những tiếng kêu của chúng đã thúc giục gia đình tôi cố gắng trồng thêm cây, quan tâm đến chúng nhiều hơn.

Hơn nửa thế kỷ qua, khu vườn của gia đình anh Ngân là “mái nhà xanh” để các loài chim làm tổ đẻ trứng. Đứng ở vị trí cao để quan sát khu vườn mới thấy rõ sự quy ước, phân chia ranh giới rõ ràng giữa các loài chim. Cò trắng, cò nâu thường chọn các cây tre làm tổ; chim cu gáy, chào mào, chim sẻ, chìa vôi... lại chọn những cây cao, có lá to để xây tổ ấm. Đứng dưới những bóng cây xanh có thể nhìn thấy được những chú chim non mới chào đời được chim bố, chim mẹ mớm mồi tạo nên một khung cảnh thiên nhiên sinh động, ngập tràn sức sống. Còn loài chim sáo sậu thường chọn những ngọn cây cao, hoặc những chỗ kín đáo để trú ngụ vào ban đêm, sáng sớm hôm sau lại từng đoàn vỗ cánh bay đi kiếm ăn. Đặc biệt những đêm hè trăng thanh, gió mát, vào thời điểm canh ba, cả vùng rộn rộn rã tiếng chim gọi nhau đi kiếm ăn trước lúc mặt trời mọc. Bắt đầu vào thời điểm cuối tháng 8 (âm lịch) cho đến tháng 2, tháng 3 năm sau, ngoài các loài chim nói trên còn có thêm nhiều loài chim khác như chèo bẻo, chim én, vàng anh từ phương Bắc kéo nhau từng đàn về khu vườn này trú ẩn tránh rét. Qua nhiều năm gắn bó với đàn chim, anh Ngân hiểu như lòng bàn tay tính cách, cũng như cách sinh hoạt của các loài chim. Không những vậy, căn cứ vào tiếng kêu của nó, anh có thể dự đoán được tình hình thời tiết ngày hôm sau.

“Bán đi là có lỗi với tổ tiên”

Anh Ngân kể: Từ khi ông nội mất, vườn chim của gia đình anh bị đe dọa nghiêm trọng. Không những người dân sống gần đó mà những tay săn chim ở nơi khác cũng kéo về bắn, làm chim bay loạn xạ. “Thậm chí có lần, họ còn rình mò đến tận đêm khuya, đợi gia đình tôi đi ngủ để vào bắt chim. Hồi nhỏ, nhìn họ bắn chim chết, tui khóc dữ lắm. Năm 10 tuổi, tôi dẫn theo đứa em, nhặt từng rổ đá ra vườn trực không cho họ bắn chim nữa”, anh Ngân chia sẻ. Đến khi lớn lên và lấy vợ sinh con cũng thế, anh Ngân vẫn kiên quyết bảo vệ bầy chim. Anh lấy nhiều tấm ván dùng sơn viết lên dòng chữ “Cấm săn bắn chim” cắm xung quanh vườn. Không những thế, người đàn ông này còn đi từng nhà có trẻ con khuyên các cháu và nói với phụ huynh nhắc nhở con em họ không dùng súng cao su bắn chim. Thậm chí, anh đến cả trường học để nhờ nhà trường tuyên truyền về việc bảo vệ đàn chim là bảo vệ môi trường.

{keywords}

Một góc trời rợp chim trên khu vườn nhà anh Ngân.

Để có được một vườn chim tự nhiên phong phú như ngày hôm nay là cả một quá trình vô cùng vất vả đối với gia đình anh Ngân. Thậm chí tình làng nghĩa xóm cũng bị ảnh hưởng khi anh kiên quyết nghiêm cấm việc săn bắt chim. Các thành viên trong gia đình cũng phải cắt cử nhau ở nhà để canh chừng bởi thường xuyên có người lạ vào vườn nhòm ngó, rình bắt và bẫy chim, có kẻ còn đưa cả súng hơi, súng thể thao vào đây để săn bắn. “Nhiều hôm có việc không thể đừng cả nhà đều đi vắng, họ liền kéo đến vườn săn bắt. Nghe tin, tôi gấp tốc chạy về nhà thì họ đã bắt chim và bỏ đi rồi. Vậy nên để bảo vệ tuyệt đối cho đàn chim, nhiều hôm vợ chồng tôi phải gác công việc riêng của mình lại, thay nhau ở nhà canh chừng. Loài chim mỗi khi bị phá tổ hoặc nghe tiếng súng sẽ tan đàn và không dám bay về cư trú”, anh Ngân cho biết.

Cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng bạc màu nên thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Đã đôi lần, vợ chồng anh Ngân định vác dao ra chặt một số loại cây lâu năm bán đi kiếm ít tiền lúc túng thiếu, nhưng nhìn đàn chim, họ lại không nỡ làm như vậy. Một công việc cũng hết sức vất vả mà vợ chồng anh Ngân âm thầm làm bấy lâu nay đó là hàng tuần phải làm vệ sinh khu vườn một lần, bởi chim về nhiều, lượng phân thải ra cũng rất lớn. Có dày công như vậy mới đảm bảo được công tác vệ sinh môi trường, tạo không khí trong lành để thu hút các loài chim về đây nhiều hơn. Ngước nhìn lên bầu trời với hàng ngàn con chim đang bay rợp trời, anh Ngân nói: “Đàn chim, cò chỉ có thể an toàn khi ở trong khu vườn của gia đình tôi, còn lúc bay đi kiếm ăn hoặc di cư tránh rét rất dễ bị săn bắt. Mấy năm gần đây, chim có giá, thương lái đi tận các vùng quê để thu mua bán lại cho các nhà hàng làm món ăn đặc sản càng khiến cho lượng người đổ xô đi đánh bắt chim càng nhiều. Với đà này, tôi sợ rằng sẽ có ngày các loài chim tự nhiên dần bị tiêu diệt”. Nghe chồng nói vậy, chị Nguyễn Thị Ánh (vợ anh Ngân) cũng buồn rầu cho biết: “Người ta dùng lưới, giăng bẫy khắp nơi, cứ rình đàn chim bay ra khỏi vườn nhà tôi là hò nhau vây bắt. Trong vườn nhà thì mình cấm người ta được, lúc chim ra ngoài bị họ bắt thì đành chịu. Nhiều lúc thấy họ bắt một lúc cả trăm con cò rồi vặt trụi lông, tôi ứa nước mắt nhưng cũng không làm được gì cả”.

Gia đình anh Ngân không khá giả gì. Để nuôi 2 con ăn học, ngoài làm ruộng, anh mở thêm tiệm sửa xe máy để kiếm thêm thu nhập. Dù vậy, vợ chồng anh không lúc nào xao nhãng việc chăm sóc vườn chim. “Thu nhập từ vườn chim không có, nhiều người khuyên nên phá vườn trồng các loại cây giá trị khác nhưng tôi không chịu. Đất có lành thì chim mới đậu, nhà mình có duyên thì chim mới đến trú ngụ, làm tổ. Với lại, nếu tôi bán đi sẽ có lỗi với tổ tiên, con cháu sau này”, anh Ngân tâm sự. Công việc mà gia đình anh Ngân làm không những bảo vệ môi trường mà còn là tấm gương giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng nhân ái và tình yêu thiên nhiên; làm đẹp thêm cảnh quan vùng đất quê lúa nổi tiếng. Mảnh đất lành và tấm lòng của họ đã trở thành mái ấm cho các loài chim, tạo nên vườn chim sinh thái duy nhất ở xứ Nghệ.

(Theo GiadinhNet)