Ngày 10-3, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 1.167 đô la Mỹ/ounce, tương đương 29,89 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC đang được bán ra ở mức 35,31 triệu đồng/lượng. Như vậy, sau gần ba năm Nghị định 24 về quản lý vàng có hiệu lực giá vàng trong nước vẫn cao hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới.

Năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã dừng hoàn toàn việc đấu thầu vàng và cũng không cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng nhưng theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) nhu cầu vàng tại Việt Nam vẫn ở mức 69,1 tấn. Những mâu thuẫn trên làm xuất hiện nhiều câu hỏi khó về thị trường vàng.

Cầu vàng Việt Nam

Từ năm 2003, GFMS (Gold Fields Mineral Services - một bộ phận của Reuters), một công ty nghiên cứu thị trường vàng và các kim loại quý trên toàn cầu, bắt đầu thống kê lượng vàng tiêu thụ ở Việt Nam. Theo số liệu thống kê này, Việt Nam là một trong 14 quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới dù GDP của Việt Nam đang đứng thứ 60 trên thế giới.

Theo giải thích của WGC, tổng cầu vàng bao gồm cầu tiêu thụ vàng miếng (vàng cho đầu tư), vàng trang sức và vàng làm nguyên liệu trong sản xuất công nghiệp. Cầu vàng trang sức là vàng sử dụng sản xuất trang sức trừ đi số lượng xuất khẩu và thay đổi hàng tồn kho, không bao gồm đồ trang sức cũ mua đi bán lại. Tương tự như vậy nhu cầu vàng đầu tư là lượng vàng miếng được bán ròng hàng năm, không bao gồm vàng miếng được mua đi bán lại.

{keywords}

Năm 2014, Việt Nam tiêu thụ 69,1 tấn vàng

Theo thống kê của GFMS, lượng vàng tiêu thụ Việt Nam năm 2014 là 69,1 tấn, trong khi NHNN hoàn toàn không nhập khẩu hoặc cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng. Vậy lượng vàng này từ đâu ra? Do số liệu của GFMS không chính xác hay một phần trong số đó là vàng nhập lậu?

Trong một bài trả lời trên Reuters, GFMS cho biết là thống kê cầu vàng Việt Nam được tính toán bằng cách khảo sát doanh nghiệp và ước lượng khối lượng vàng nhập khẩu về bằng con đường chính thức và không chính thức. Có một số quan điểm cho rằng những số liệu của WGC không hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là số liệu tham khảo tốt nhất và được chấp nhận một cách rộng rãi.

Theo số liệu WGC năm 2003, tổng lượng tiêu thụ vàng trong nước là 45,6 tấn, con số này tăng dần và lên tới 115,8 tấn vào năm 2008. Năm 2014, lượng vàng tiêu thụ (demand) ở Việt Nam đạt 69,1 tấn, giảm 29% so với năm 2013. Trong đó vàng trang sức 12,7 tấn, tăng 4%; vàng miếng 56,4 tấn giảm 33%. Như vậy, theo số liệu thống kê này, nhu cầu vàng miếng của Việt Nam năm 2014, thấp nhất từ năm 2007 đến nay, còn vàng trang sức cao nhất trong ba năm gần đây nhưng thấp hơn nhiều so với những năm trước đó.

Cung vàng Việt Nam đến từ đâu?

Nguồn cung vàng trên thế giới đến từ hai nguồn là khai khoáng và vàng tái chế. Theo thống kê của GFMS, nguồn tái chế thường chiếm tỷ lệ khoảng 25-30% tổng lượng cung. Đối với một quốc gia, nguồn cung này đến từ nhập khẩu, khai khoáng trong nước và tái chế. Chẳng hạn, Ấn Độ một quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, cung vàng hơn 90% là nhập khẩu, 10% còn lại đến từ là vàng tái chế và khai khoáng trong nước.

Đối với Việt Nam nguồn cung vàng khai khoáng hàng năm không đáng kể, còn vàng tái chế chắc chắn cũng sẽ không nhiều. Như vậy, nguồn vàng tiêu thụ trong nước một phần lớn phải đến từ việc nhập khẩu. Lúc chưa có Nghị định 24 (khi chưa có quy định NHNN độc quyền nhập khẩu vàng miếng), tức trước ngày 25-5-2012, hàng năm NHNN cấp hạn ngạch cho một số công ty kinh doanh vàng, ngân hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, thông thường những con số cấp phép này thấp hơn rất nhiều so với con số thống kê về cầu vàng trong nước. Từ năm 2014 đến nay, NHNN đã ngừng nhập khẩu, đấu thầu vàng miếng và cũng đã dừng cấp phép việc nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất thủ công, mỹ nghệ.

{keywords}

Trong những năm gần đây lượng vàng mà NHNN nhập khẩu về hay cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu không được công bố rõ ràng. Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố chi tiết các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam trong những năm qua không hề có vàng. Do vậy, rất khó để biết được những năm qua đã có bao nhiêu vàng được nhập khẩu về Việt Nam thông qua con đường chính thức và phi chính thức.

Những câu hỏi khó

Mới đây, một quan chức NHNN thừa nhận có vàng lậu nhập về Việt Nam nhưng “quy mô nhỏ”. Còn trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2012, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết trước đây mỗi năm có 20-30 tấn vàng lậu nhập vào Việt Nam nhưng sau khi có Nghị định 24 thì việc nhập lậu vàng đã được ngăn chặn.

Trong khi đó, theo GFMS, lượng vàng tiêu thụ ở Việt Nam năm 2014 là 69,1 tấn. Giả sử con số này chính xác thì lượng vàng này từ đâu khi mà NHNN không nhập nhập khẩu hoặc cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng? Câu trả lời chỉ có thể là con số ước lượng của GFMS không chính xác hoặc là một phần trong số nguồn cung đó đến từ vàng nhập lậu. Một câu hỏi khác không ít người thắc mắc là nguồn cung vàng của SJC từ đâu khi hàng ngày doanh nghiệp này vẫn bán ra thị trường hàng chục ngàn lượng vàng?

Giá vàng trong nước thời gian qua luôn cao hơn giá vàng thế giới khá nhiều. Vàng miếng SJC thường cao hơn thế giới 4-5 triệu đồng/lượng, còn vàng trang sức thường chênh lệch 1-2 triệu đồng/lượng, có thời điểm 2-3 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Đây là một khoảng chênh lệch cực kỳ hấp dẫn cho việc buôn vàng qua biên giới.

Nhiều người cho rằng Nghị định 24 và các giải pháp của NHNN trong thời gian qua đã chặn đứng được tình trạng đầu cơ và những cơn sốt vàng góp phần làm ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, một số ý kiến không đồng tình, vì thực tế này không hoàn toàn xuất phát từ chính sách. Theo số liệu của WGC, trong năm 2014 cầu về vàng trang sức của Việt Nam năm qua vẫn tăng 4%, trong khi đó Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ vàng trang sức lớn nhất thế giới lại giảm 33%. Cầu vàng đầu tư Việt Nam giảm 33%, thấp hơn nhiều so với hai quốc gia tiêu thụ vàng lớn là Ấn Độ và Trung Quốc giảm 50%.

Vàng cũng không phải là nhân tố chính ảnh hưởng đến tỷ giá bởi lượng ngoại tệ nhập khẩu vàng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam (khoảng 2,9 tỉ đô la Mỹ, bằng 1,96% kim ngạch nhập khẩu năm 2014)

Như vậy, rõ ràng sự sụt giảm của cầu vàng, sự ổn định của thị trường vàng trong thời gian qua có thể chủ yếu xuất phát từ các yếu tố kinh tế vĩ mô và biến động giá vàng thế giới chứ không hoàn toàn xuất phát từ chính sách.

Tóm lại, chính sách “đóng cửa biên giới” vàng hiện nay của NHNN đã làm cho giá vàng trong nước cao hơn thế giới rất nhiều. Những doanh nghiệp chế tác vàng mỹ nghệ chắc chắn cũng bị ảnh hưởng lớn. Sức “hấp dẫn” của vàng đối với người dân Việt Nam cũng không thể đột ngột dừng lại nên điều này ảnh hưởng đến nhu cầu mua bán vàng chính đáng của họ. Những hiệu quả của Nghị định 24 đối với vĩ mô cũng không rõ ràng. Trong khi đó chính sách này lại đang “khuyến khích” nhập lậu vàng.

(Theo TBKTSG)