Cần rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế từng vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính.

Ngày 20/3 tới, Ban Kinh tế Trung ương sẽ phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Tỉnh uỷ Hà Giang tổ chức Hội thảo "Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc, Tây Bắc". Đây là Hội thảo đầu tiên về liên kết vùng kinh tế được tổ chức ở một tỉnh miền núi phía Bắc. Nhân dịp này, ông Lê Vĩnh Tân, UVTW Đảng, Phó trưởng Ban KTTW chia sẻ:

Vấn đề liên kết vùng kinh tế đã được khẳng định trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Trung ương từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đến nay. Chúng ta có 06 vùng kinh tế - xã hội và 04 vùng kinh tế trọng điểm. Trên cơ sở chủ trương của Đảng, Bộ Chính trị đã có các nghị quyết, kết luận về phát triển vùng và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng kinh tế.

Trong thời gian qua, các vùng đang dần chú trọng phát triển các lĩnh vực kinh tế trên cơ sở lợi thế so sánh là thế mạnh của mình; tập trung vào hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, thu hút đầu tư... Từ đó, cuộc sống của người dân trong các vùng ngày càng được cải thiện. Các vùng đều có sự tăng trưởng tuy tốc độ có khác nhau. Các chỉ tiêu về tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người có chiều hướng tăng nhanh. Đặc biệt, các vùng kinh tế trọng điểm đã chứng tỏ vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Mặc dù vậy, thực tế trong những năm qua vấn đề phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng còn hạn chế trong tư duy phát triển nền kinh tế thị trường ở các cấp chính quyền nói chung. Một số địa phương có chủ động tìm cách để có thể tổ chức, phối hợp thực hiện các ý tưởng liên kết. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, kết quả sự liên kết phát triển chưa như mong muốn.

Qua kết quả các cuộc hội thảo, toạ đàm do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức đã cho thấy nguyên nhân của hạn chế trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng về phát triển vùng như: Thiếu thể chế, chính sách liên kết vùng, chưa có tổ chức điều phối vùng đủ mạnh, chưa tạo được sự đồng thuận cao giữa các địa phương trong vùng, cũng như sự liên kết các vùng với nhau...

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các địa phương trong việc thi hành chính sách thu hút và phân bổ đầu tư còn nổi lên vấn đề như: "Mạnh ai nấy chạy", giữa các tỉnh tạo ra một tình trạng cạnh tranh, chạy đua thu hút đầu tư, thi nhau "trải thảm đỏ" mời gọi các nhà đầu tư vào địa phương mình, nhiều hình thức ưu đãi được áp dụng (giảm thuế, giảm giá thuê đất, thậm chí cả giảm các điều kiện về môi trường...) khiến lợi ích tổng thể giảm ở cấp độ quốc gia cũng như trong từng vùng, ngay ở trong các tỉnh. Một vấn đề khác là chưa tạo sự đồng bộ thống nhất giữa quy hoạch vùng với quy hoạch các ngành và quy hoạch tổng thể các địa phương dựa trên cơ sở lợi thế so sánh từng vùng.

Ngoài ra, cơ sở khoa học cho lập quy hoạch vùng cũng như địa phương tạo các liên kết vùng là hệ thống cơ sở dữ liệu vùng cũng chưa được xây dựng. Điều này là một cản trở lớn trong công tác đánh giá, giám sát, dự báo và lập quy hoạch, kế hoạch theo vùng và có những dự báo tốt cho điều hành vĩ mô.

PV: Vậy nguyên nhân của thực trạng liên kết vùng kinh tế ở nước ta còn thiếu và yếu là gì, thưa Ông?

Ông Lê Vĩnh Tân: Như tôi đã nói, những nguyên nhân dẫn đến hạn chế liên kết vùng trước hết là do chúng ta còn thiếu khung khổ thể chế quản trị cho vùng. Mặc dù trước đây Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định thành lập Tổ chức điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm, quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương, các địa phương đối với các vùng kinh tế trọng điểm, tuy nhiên các quy chế này tác dụng đến phối hợp liên kết vùng còn hạn chế.

Thư hai là phân cấp, phân quyền giữa Trung ương, vùng và các địa phương trong các lĩnh vực ngân sách, đầu tư, liên kết đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội để các địa phương trong vùng chủ động liên kết với nhau. Trong thời gian qua, phân cấp cho các địa phương khá mạnh nhưng thiếu thể chế liên kết với nhau.

Thứ ba là cần nghiên cứu thay đổi hoặc đổi mới cách tính bộ tiêu chí đánh giá kinh tế - xã hội ở địa phương cho phù hợp tình hình liên kết kinh tế vùng, tránh tình trạng chạy theo thành tích mà không tính đến yếu tố hiệu quả chung cho toàn vùng và cả quốc gia.

PV: Để khắc phục những hạn chế trong thời gian qua, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế vùng theo hướng bền vững, trong thời gian tới, theo Ông, chúng ta cần phải làm gì?

{keywords}

Ông Lê Vĩnh Tân, UVTW Đảng, Phó trưởng Ban KTTW

Ông Lê Vĩnh Tân: Trong quá trình thực hiện chủ trương tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện căn bản thể chế kinh tế vùng, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất: Cần rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế từng vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Trên cơ sở các quy hoạch và kế hoạch được phê duyệt, tập trung các nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Cần tạo lập cơ chế, chính sách để thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hình thành và phát triển kinh tế vùng, ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực thuộc thế mạnh của vùng.

Thứ hai: Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Gắn tổ chức sản xuất với chuỗi giá trị liên kết vùng, liên kết với các chuỗi giá trị quốc tế, nhất là đối với những sản phẩm chủ lực, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Tạo lập thể chế kinh tế ưu đãi cho các vùng kinh tế trọng điểm để các vùng này thật sự trở thành đầu tàu, động lực lan tỏa vùng ngoại vi và cả nước. Tích cực hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ, kỹ thuật canh tác, tiêu chuẩn, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thứ ba: Hoàn thiện thể chế phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, rất cần có tổ chức chủ trì điều phối cho toàn vùng, vừa bảo đảm tập trung thống nhất của nền kinh tế, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương. Đổi mới hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương, chú trọng nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng. Quy định cụ thể và thực thi cơ chế điều phối vùng kinh tế - xã hội. Chú trọng công tác bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tuyến biên giới, nội địa, vùng biển đảo.

Thứ tư: Ở mỗi vùng cần có những mô hình thí điểm trên phạm vi nhỏ để kiểm chứng thực tế hiệu quả vận hành của các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cũng như hướng dẫn của từng bộ, ngành Trung ương. Từ đó, có thể đánh giá, rút kinh nghiệm và điều chỉnh các chủ trương một cách linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế và đạt hiệu quả tối ưu trước khi triển khai thực hiện phạm vi toàn vùng.

Thứ năm: Trên cơ sở các nghị quyết, kết luận của Trung ương, quy hoạch được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương trong từng vùng cần phải chủ động xây dựng các đề án quy hoạch các tiểu vùng liên kết để hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn có cùng chung về chiến lược, quy hoạch, kêu gọi đầu tư, hệ thống quản lí chất lượng, phát triển các chuỗi giá trị quy mô lớn cạnh tranh quốc tế.

PV: Trở lại vấn đề Hội thảo tại tỉnh Hà Giang, với tư cách là cơ quan đồng chủ trì, xin Ông cho biết mục đích của cuộc Hội thảo lần này?

Ông Lê Vĩnh Tân: Đây là Hội thảo do Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh uỷ Hà Giang đồng tổ chức, với sự bảo trợ của Ngân hàng Nhà nước. Mục đích Hội thảo này là xác định lại tiềm lực, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang nói riêng và vùng trung du và miền núi phía Bắc nói chung, làm cơ sở để Hà Giang và các tỉnh trong vùng chuẩn vị văn kiện đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Trên cơ sở kết quả Hội thảo, Tỉnh uỷ Hà Giang sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp, cơ chế thực hiện liên kết, điều phối giữa các địa phương trong vùng và với các vùng khác đã được giao nhiệm vụ tại Quyết định số 1064/QĐ-TTg ngày 8/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng. Tôi tin tưởng rằng, sau Hội thảo này, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ có những quyết định để hỗ trợ, đầu tư vào tỉnh Hà Giang và các tỉnh trong vùng, có những chương trình, dự án hợp tác triển khai thực hiện nhằm phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, bền vững hơn.

Xin cảm ơn ông!

Duy Nhất