- Việc cấm nhập máy móc cũ với những tiêu chí chưa thực tế "sẽ sinh ra những hoạch hoẹ, thêm 1 cái phong bì là xong hết".
Cuối năm ngoái, hiệu lực thi hành Thông tư 20 về nhập khẩu máy móc cũ đã phải trì hoãn. Tuy nhiên, với dự thảo mới, giới doanh nghiệp tiếp tục phản bác mạnh mẽ, thậm chí, đòi huỷ bỏ ban hành.
10 năm sử dụng: Thiếu thực tiễn
Dự thảo mới Thông tư về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền đã qua sử dụng vừa được Bộ KHCN công bố có vẻ đã thoáng hơn so với Thông tư 20 trước đây.
Cụ thể, tiêu chí độ tuổi của máy móc, thiết bị cũ nhập vào Việt Nam được nâng lên gấp đôi từ 5 năm lên 10 năm sử dụng.
Riêng tiêu chí về chất lượng vẫn giữ nguyên, với các loại máy móc cũ phải đạt 80% còn lại so với ban đầu. Với dây chuyền công nghệ cũ, chỉ cần đạt tiêu chí về chất lượng 80% trở lên mà không cần niên hạn. Với các loại phụ tùng, linh kiện thay thế, doanh nghiệp chỉ được nhập đồ cũ nếu trong nước chưa sản xuất được và chất lượng phải còn 70% trở lên so với ban đầu.
Mặc dù điều kiện nhập khẩu đã nới lỏng như vậy, nhưng dự thảo trên vẫn bị đại đa số các doanh nghiệp phản ứng dữ dội.
Ở ngành in, chỉ sau 5-7 năm, các cơ sở in đều đã muốn thanh lý loại thiết bị, sắp chữ, dàn trang, ghi bản điện tử hoặc máy in kỹ thuật số.. |
"Con số niên hạn 10 năm là quá cứng nhắc, thiếu thực tiễn", ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam nói.
Chia sẻ tại cuộc họp lấy ý kiến doanh nghiệp mới đây, ông Dòng phân tích, những loại máy móc, thiết bị liên quan đến công nghệ thông tin, điện tử, kỹ thuật số thì niên hạn 10 năm là quá lạc hậu, trong khi những loại máy móc, thiết bị vận hành chủ yếu về cơ, do các nước có trình độ cao chế tạo (G7) thì 10 năm tuổi lại là ngắn.
Chẳng hạn như ở ngành in, chỉ sau 5-7 năm, các cơ sở in đều đã muốn thanh lý loại thiết bị, sắp chữ, dàn trang, ghi bản điện tử hoặc máy in kỹ thuật số..., thậm chí, bán cũng chẳng mấy ai mua.
Nhưng nếu là những loại máy in của Đức, Nhật, Mỹ, Ý như in offset, in ống đồng, in Flexo hoặc những máy gia công thành phẩm, thì 20 năm hoặc hơn nữa vẫn dùng tốt. Bởi thế, Việt Nam có muốn tìm mua những loại máy cao cấp này với niên hạn 10 năm sử dụng cũng rất khó, bởi thị trường có rất ít, trừ trường hợp, công ty in phá sản thì mới đem máy ra bán thanh lý.
"Gần đây, còn có doanh nghiệp Singapore đã sang Việt Nam săn lùng những máy in Typo được sản xuất bởi hãng Heidelberg của Đức từ những năm 70 của thế kỷ trước để về sử dụng làm máy bế hộp mà theo họ chất lượng và hiệu quả còn rất cao", ông Dòng kể.
Chủ tịch Hiệp hội in còn cho biết thêm, nếu là máy in do Trung Quốc sản xuất thì dù mới 100% hay mới sử dụng một vài năm, cũng không mấy doanh nghiệp in Việt Nam muốn mua,vì chất lượng kém xa các máy do các nước EU hoặc G7 sản xuất trước đó vài chục năm.
Một nghiên cứu công ty CP máy công cụ và thiết bị T.A.T cho thấy, máy công cụ Trung Quốc mới 100% nếu dùng trong điều kiện bình thường thì chỉ dùng trong 2-5 năm, của Hàn Quốc thì dùng được 5-7 năm nhưng nếu là G7 thì phải dùng được 35-40 năm.
T.A.T cho biết, trong ngành máy công cụ, số máy có niên hạn sử dụng 10 năm rất ít, chỉ chiếm có 1% tỷ lệ giao dịch trên thị trường. Nếu áp dụng điều kiện trên, 99% máy công cụ cũ sẽ không vào được Việt Nam. Do vậy, nếu vẫn ban hành Thông tư, T.A.T đề nghị, Bộ KHCN cần nâng độ tuổi đối với máy công cụ là 20 năm.
Ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy Việt Nam cho biết, ngành giấy nhập 6 thiết bị máy móc và dây chuyền thì trong đó, 5 cái đã sử dụng trên 50 năm, có dây chuyền còn sản xuất từ năm 1945. Đến nay, số máy móc này vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế, kinh doanh có lãi, đảm bảo các tiêu chí an toàn môi trường.
Dễ phát sinh tiêu cực
Không chỉ tiêu chí về niên hạn, tiêu chí còn 70-80% chất lượng cũng được nhiều công ty mổ xẻ với kết luận là bất khả thi.
Việc cấm nhập máy móc cũ với những tiêu chí chưa thực tế "sẽ sinh ra những hoạch hoẹ, thêm 1 cái phong bì là xong hết". |
Trong một văn bản gửi bộ KHCN tháng 8 năm ngoái, T.A.T cho hay, máy công cụ nhập về, đóng trong container nên tại cảng, không thể đóng điện, vận hành máy để kiểm tra được. Nếu kiểm tra chất lượng thì chỉ mang tính chất đối phó.
Thậm chí, công ty này còn biết đã liên hệ với một công ty giám định có uy tín hàng đầu của Nhật Bản là SGC Japan, có trụ sở ở Yokohama để yêu cầu họ giám định chất lượng theo tỷ lệ phần trăm nhưng họ đã từ chối và khẳng định, họ không thể làm được việc như vậy, chỉ có các công ty sản xuất ra các máy móc thiết bị đó mới có thể thẩm định được.
Công ty này đề nghị, Bộ KHCN sẽ phải soạn thảo thêm một bộ tiêu chuẩn chung quốc gia về chất lượng máy móc, thiết bị theo thông lệ quốc tế thì mới đánh giá khoa học chất lượng máy móc nhập khẩu được.
Theo công ty này, nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Đức, Nhật, EU, Singapore, Thái Lan... đều không giới hạn việc nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng như cách mà Bộ KHCN đang làm hiện nay.
Trước đó, T.A.T đã cùng với hơn 300 doanh nghiệp cơ khí ký văn bản chung đề nghị Bộ KHCN không cần thiết ban hành Thông tư về vấn đề này.
Ông Bảo cũng đồng tình, bởi cứ thêm thủ tục, môi trường kinh doanh khó thở hơn.
Chia sẻ tại cuộc họp ở VCCI, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bày tỏ, Thái Lan không quy định cấm nhập thiết bị máy móc cũ như Việt Nam và với cơ chế đó, Thái Lan có thành bãi rác công nghệ không, hay trình độ khoc học công nghệ của họ vẫn là tốt nhất châu Á? Giờ, công nghiệp hỗ trợ của họ đã bỏ cách xa Việt Nam lâu lắm rồi.
Ông cũng cho rằng, Bộ KHCK cần xem lại cần phải ban hành thông tư này không? Với tiêu chí 70%-80% chất lượng, sẽ sinh ra những hoạch hoẹ từ công chức, thêm 1 cái phong bì là xong hết.
Phạm Huyền