- Mỗi lần chuyển hướng, Singapore tiếp tục phát triển và vững vàng trên top đầu thế giới. Và mỗi lần như thế dấu ấn của ông Lý Quang Diệu và bây giờ là người con trai Lý Hiển Long càng đậm nét.
Từ một vùng đất dầu mỏ, Singapore chuyển mạnh qua cảng biển - xuất nhập khẩu rồi hướng đến một trung tâm thương mại toàn cầu. Hiện nay, Singapore đã là một trung tâm tài chính và đang mở hướng phát triển một điểm dịch vụ xanh toàn cầu. Mỗi lần chuyển hướng, Singapore tiếp tục phát triển và vững vàng trên top đầu thế giới. Và mỗi lần như thế dấu ấn của ông Lý Quang Diệu và bây giờ là người con trai Lý Hiển Long càng đậm nét. Quá trình dẫn dắt đất nước từ thế giới thứ 3 thành một đất nước hiện đại, ổn định và giàu có của cố thủ tướng Singapore là bài học mà nhà lãnh đạo nào cũng phải ngưỡng mộ.
Sạch sẽ và minh bạch
Theo xếp hạng của tạp chí Forbes, tính đến giữa năm 2014, Singapore có 26 tỷ phú USD với vị trí đứng đầu là ông trùm bất động sản Robert & Philip Ng. Năm vị trí tiếp theo thuộc về Kwek Leng Beng, Gia đình Khoo, Wee Cho Yaw và anh em nhà Kwee với tài sản dao động từ 6 - 7,8 tỷ USD.
Tính tới cuối 2014, người dân Singapore có thu nhập bình quân đầu người tính theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP) cao thứ nhì thế giới, ở mức gần 79.000 USD/người (chỉ xếp sau Qatar). Dự trữ ngoại hối vượt lên trên ngưỡng 250 tỷ USD, bằng khoảng 70% so với của nước Nga rộng lớn nhiều tài nguyên.
Đây có lẽ là bằng chứng thực tế sống động về sự phát triển vượt bậc về kinh tế trong vòng vài chục năm của một quốc đảo non trẻ có diện tích chưa đầy 600 km2 (mỗi chiều hơn 20km), với khoảng 3,3 triệu dân bản địa và 2 triệu người nước ngoài.
Ông Lý Quang Diệu, người dẫn dắt Singapore phát triển |
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những con số. Nói đến Singapore giờ đây là nói đến một đất nước sạch sẽ, trật tự, kỷ cương, minh bạch, ít tham nhũng và có nền giáo dục, y tế, giao thông hàng đầu trên thế giới.
Trong lần trả lời tại phiên điều trần trước chính phủ Anh, ông trùm tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch cho rằng: "Singapore là xã hội trong sạch nhất mà bạn có thể tìm thấy được".
"Chúng ta nên nhìn vào xã hội cởi mở và sạch sẽ nhất thế giới này. Hãy nhìn vào Singapore nơi mỗi bộ trưởng nhận lương ít nhất 1 triệu USD/năm và thủ tướng còn cao hơn nữa". Tỷ phú 80 tuổi Rupert Murdoch đánh giá cao về tính minh bạch, khả năng chống tham nhũng và thu hút nhân tài hiệu quả của Singapore.
So với khu cảng chài nghèo nhỏ bé của dân nhập cư xưa kia, Singapore giờ đây thực sự là thiên đường trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại, đầu tư, tài chính, cho đến giáo dục và một môi trường xanh sạch đẹp. Nơi mà, mỗi người trẻ em sinh ra đã được tặng hàng chục nghìn đô-la Mỹ và được hưởng hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới.
Sau các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giờ đây Singapore đang trở thành một trung tâm tài chính ngân hàng hàng đầu trên thế giới, thách thức trực tiếp với các đế chế khác như Thụy Sĩ, Anh...
Hành trình lột xác của Singapore từ một nước "thế giới thứ ba" lên "thế giới thứ nhất" thịnh vượng nhất nhì thế giới như hiện nay là thành công không có nhiều sự tranh cãi. Đó là nhờ vào tầm nhìn và sự quyết đoán của ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng đầu tiên của Singapore và là người nắm giữ cương vị này trong 31 năm (1959-1990), trước khi chuyển giao cho ông Goh Chok Tong và hiện nay là con trai ông Lý Quang Diệu - Lý Hiển Long.
Chiến lươc gia vĩ đại
Tờ USAToday của Mỹ hôm 23/3 cho rằng ông Lý Quang Diệu là cha đẻ của Singapore và là người dẫn dắt Singapore phát triển trở thành một quốc gia hiện đại, ổn định và giàu có hàng đầu thế giới.
Tờ báo này trích dẫn nhận định của Tổng thống Mỹ Obama cho rằng: "ông Lý Quang Diệu là nhân vật phi thường trong lịch sử" và "một trong những nhà chiến lược vĩ đại về các vấn đề châu Á".
Dấu ấn của ông Lý Quang Diệu và bây giờ là người con trai Lý Hiển Long càng đậm nét. |
Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định: "Ngài Lý Quang Diệu là một nhân vật huyền thoại ở châu Á". Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ca ngợi ông Lý Quang Diệu là "người đã xây dựng nền móng cho sự thịnh vượng của đất nước Singapore ngày nay". Thủ tướng Australia Tony Abbott tiếc thương cho sự ra đi của "một người khổng lồ trong khu vực"...
Theo USAToday, Singapore - một đất nước thừa hưởng di sản Anh - đã trở thành một trung tâm vận tải biển toàn cầu nhờ vào vị trí chiến lược của Eo biển và cảng biển Singapore. Nhưng dưới "triều đại" của ông Lý Quang Diệu, chính phủ Singapore thực sự nổi tiếng với nhiều chính sách hà khắc để hướng tới một sự phát triển ổn định và độc lập. Những chính sách mà nhiều người ban đầu phản đối nhưng sau đó đã thấy đúng và quay lại cổ vũ.
Luật lệ hà khắc đã giúp Singapore trở thành một thành phố sạch sẽ, hiện đại và giàu có. Với thuế thấp, trường học tốt, môi trường ít tội phạm và các luật đầu tư thân thiện, Singapore đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các DN phương Tây, bao gồm cả các nước châu Âu, để phát triển kinh doanh ở ĐNÁ và Đông Á.
Cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush cho rằng ông Lý Quang Diệu đã nâng chất lượng cuộc sống của người dân Singapore mà không nuông chiều văn hóa tham nhũng. Và đây là cơ sở mà ông kỳ vọng một tương lai tươi sáng của đất nước này.
Là một người có tầm nhìn chiến lược và thực dụng, ông Lý Quang Diệu dường như không bỏ qua bất cứ một cơ hội nào để phát triển quốc đảo Singapore. Trong thời kỳ đầu lập quốc, Singapore đã tập trung vào làm kinh tế trong bối cảnh chiến tranh, bất ổn, bạo động ở khắp nơi trong khu vực.
Chỉ trong vòng vài chục năm, ông Lý Quang Diệu đã liên tục chuyển hướng từ kinh doanh xăng dầu, nhiên liệu sang tập trung vào giao thương buôn bán các loại hàng hóa, biến Singapore trở thành trung tâm thương mại của thế giới.
Trong vài năm gần đây, dưới sự cố vấn của ông Lý Quang Diệu và sự dẫn dắt của ông Lý Hiển Long, Singapore đang nổi lên như một trung tâm tài chính và một trung tâm du lịch hấp dẫn với môi trường xanh sạch đẹp.
Dù Singapore gặp rất nhiều vấn đề trong quá trình phát triển như: đất nước nhỏ hẹp, dân số ít và có xu hướng già cỗi, tài nguyên có hạn, nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất nhập khẩu... nhưng dưới sự dẫn dắt và định hướng của ông Lý Quang Diệu, Singapore vẫn đang không ngừng lớn mạnh một cách độc lập.
Singapore dưới kỷ nguyên "Lý Quang Diệu" khá độc lập, phát triển dựa vào định hướng tốt của các nhà lãnh đạo, dựa vào nội lực của đất nước, trọng dụng người tài và sự trong sạch, minh bạch của các cơ quan công quyền.
V. Minh