Thời gian gần đây, rất nhiều bà nội trợ phản ánh tình trạng cân "điêu", cân thiếu của các tiểu thương tại các chợ.
 
TIN BÀI KHÁC

Chuyện cân "điêu", cân thiếu đã là trò xưa cũ. Trong thời giá cả tăng cao, hàng hóa đắt đỏ như hiện nay, để đối phó, ngày càng có nhiều người bán hàng áp dụng thủ thuật "ăn bớt" này nhằm có nhiều lời lãi hơn. Căn bệnh cũ ngày càng trầm trọng khiến người tiêu dùng bức xúc.
 
Mua 1 cân được... 7 lạng
 
Thời gian gần đây, rất nhiều bà nội trợ phản ánh tình trạng cân "điêu", cân thiếu của các tiểu thương tại các chợ. Khảo sát qua các chợ lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, nạn cân "điêu" đang có xu hướng phổ biến ở nhiều nơi.
 
Sáng 21-5, chúng tôi có mặt tại chợ Hà Đông chứng kiến cảnh chị Thu Trang (phường Quang Trung, Hà Đông) còn chưa hết cơn nóng giận vì vừa bị cân "điêu", lại còn bị người bán hàng văng lời chửi mắng. Chuyện là chị Trang mua con cá trắm, chủ hàng đưa lên cân và "phán" 1,5kg. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm lâu năm, chị thấy nghi ngờ nên yêu cầu người bán đặt cân lại lần nữa, kết quả vẫn đủ. Không thỏa mãn, chị Trang mang con cá đến cân lại tại đại lý bán hoa quả chị quen thì con cá này chỉ nặng có 1,2kg, hụt mất 3 lạng so với cân của hàng cá. Quay lại tìm người bán cá "hỏi cho ra nhẽ", không những chị không đòi được phần thiếu mà còn bị người bán hàng chửi mắng thô tục...
 
Giống chị Trang, bà Nguyễn Thị Huyền, trú tại Triều Khúc, Thanh Trì kể rằng: "Mấy hôm trước tôi mua cá của chị này cũng bị cân thiếu, quay lại đòi thì thành một trận cãi lộn giữa chợ. Chúng tôi chỉ cần không thiếu nhiều quá thì bỏ qua cho nhanh chứ quay lại cũng không đòi được, mất thời gian còn rước bực vào mình". Kể tội hàng cá xong, bà Huyền ngao ngán: "Giờ cái gì cũng lên 4 - 5 giá, có thứ lên gần chục giá, cân "điêu" như thế người đi chợ hàng ngày như chúng tôi không nóng tính sao được? Tính ra mỗi ngày đi chợ bị ăn bớt đến vài chục nghìn đồng chứ chẳng chơi!".
 
Việc cân thiếu không còn là chuyện hi hữu tại các chợ cóc, nhỏ lẻ (Ảnh minh họa)

Đến chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), tình trạng người tiêu dùng bị cân thiếu cũng diễn ra "như cơm bữa". Theo kinh nghiệm của nhiều người đi chợ Ngã Tư Sở "không nên mặc cả bởi sẽ được cân hàng với mức giá phù hợp giá mặc cả". Chị Kiều Oanh trú ở phố Nguyễn Ngọc Nại kể: "Mấy hôm trước tôi hỏi mua 2kg xoài xanh ở cổng chợ Ngã Tư Sở. Người bán xoài ra giá 19.000 đồng/kg, tôi liều trả giá 11.000 đồng/kg, không ngờ họ cũng bán. Về nhà cân lại mới biết 2kg xoài của tôi chỉ còn 1,6kg".
 
Bị móc túi trắng trợn, ấm ức mà không biết kêu ai, nhiều người cãi nhau tay đôi với người bán hàng. Thậm chí, đã từng có những vụ xô xát, đánh nhau giữa chợ, nhất là các chợ nhỏ, chợ cóc chỉ vì bị cân thiếu.
 
Còn chị Lê Thùy Dung đi chợ làng Yên Xá (Thanh Trì) mua mấy con cá rô phi. Lúc hỏi thì người bán hàng ra giá chung chung 50.000 đồng/kg loại nhỏ, 55.000 đồng/kg loại to. Chọn 2 con, cân được 0,83 kg, thành tiền 47.000 đồng, chị thắc mắc sao bảo giá 50 lại tính giá 55, người bán hàng trả lời, "giá 50 là loại dưới 4 lạng, 2 con này ai bán với giá đó!". Đã vậy, người bán hàng còn cân thiếu. "Tôi mang 2 con cá đi cân lại ở hàng rau gần đó, 0,83kg cá chỉ còn chưa đến 0,78kg", chị Dung bùi ngùi từ việc cân "điêu" của chủ hàng.
 
"Tiếp tay" cho gian lận
 
Hôm 20-5, tôi đến nhà bạn ở phố Chính Kinh (Thanh Xuân) chơi. Đến cổng chợ Thượng Đình tôi mua 2kg cam sành hết 50.000 đồng nhưng nhấc lên biết ngay không đủ. Vậy mà không làm gì được, trong chợ thì không có cân đối chứng nên cũng đành chịu!". - Chị Hoa ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
"
Người mua thường ngậm ngùi cho qua khi biết mình trở thành nạn nhân của cân "điêu". Thậm chí, họ còn coi đó như chuyện thường ngày ở huyện. Chị Trần Thị Lan Anh (Thụy Khuê, Ba Đình) khi được hỏi đã lắc đầu: "Cân "điêu" chợ nào chả có! Họ có rất nhiều cách để chỉnh cân, làm cho mình khi ở đó nhìn thấy không thiếu một hoa nhưng về nhà cân lại thì mới biết bị hớ. Đặc biệt là những người bán rong, cân "điêu" lắm!".
 
Để chống lại tình trạng gian lận thương mại, Nhà nước đã có quy định về cân đo hàng hóa cho người tiêu dùng và việc đặt cân đối chứng tại chợ để người tiêu dùng cân kiểm tra lại hàng hóa nếu thấy nghi ngờ. Tuy nhiên, khảo sát các chợ như chợ Ngô Sĩ Liên (Đống Đa), chợ Xanh, chợ Bưởi, (Hà Đông), chợ Gia Quất (Long Biên)... hầu hết đều không thấy có cân đối chứng. Thậm chí, khi hỏi về cân đối chứng thì cả người mua lẫn người bán đều tỏ vẻ ngạc nhiên, lắc đầu không biết(?!). Đại diện Ban quản lý các chợ được khảo sát cũng đều thừa nhận, dù tình trạng này là có, song "hầu như không thấy người đi chợ nào phản ánh về việc cân "điêu", ăn bớt của các tiểu thương". Thực tế, cũng có một số chợ lớn đặt cân đối chứng và kèm theo đó là những quy định về việc cân đo hàng hóa cho người tiêu dùng.
 
Tuy nhiên, theo một cán bộ Ban Quản lý chợ Khương Đình (Thanh Xuân): "Chỉ ít người dân biết và sử dụng, đa số người tiêu dùng chưa quan tâm, thậm chí nhiều người còn chưa biết đến sự tồn tại của chiếc cân này". Còn không ít người dân lại dửng dưng cho rằng, "hơi đâu lại còn đem đến cân đối chứng, nếu biết bị cân điêu thì từ sau chừa hàng đấy ra là được".
 
Có lẽ, sự bàng quan trước quyền lợi của chính mình của người tiêu dùng và sự thờ ơ, thiếu kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng đang là "đất sống" cho nạn cân "điêu" - hành vi gian lận, vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh của người bán hàng!
 
 (Theo Giadinh.net.vn)