Tiếp tục đẩy mạnh hướng đầu tư vào nông nghiệp, Hoàng Anh Gia Lai sẽ phối hợp với công ty Nutifoot và UBND tỉnh Hà Nam trong năm 2015 để xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa theo công nghệ Isarel. Động thái này là bước đi tiếp theo trong chiến lược đầu tư sâu vào ngành chế biến sữa trên đất Bắc và kế hoạch kinh doanh toàn cầu của ông chủ Đoàn Nguyên Đức.
Bầu Đức vươn ra Bắc, đầu tư vào bò sữa
Chưa thỏa mãn với những gì đang có, mới đây, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã tiết lộ kế hoạch vươn ra đất Bắc để nuôi bò sữa.
Trao đổi với báo chí, ông Võ Trường Sơn, quyền Tổng Giám đốc Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết, hiện Tập đoàn này đã có tổng đàn bò hơn 40.000 con. Dự kiến đến cuối 2015 sẽ có hơn 100.000 con.
Ông cũng nói thêm, do chăn nuôi bò sữa đòi hỏi kĩ thuật chăm sóc khắt khe hơn nên phát triển phải thận trọng, theo lộ trình, vì vậy đến cuối năm số lượng bò sữa chỉ chiếm khoảng 15.000 con trong tổng đàn.
Tuy nhiên, ông Võ Trường Sơn cũng hoàn toàn lạc quan khi cho rằng mục tiêu 8.000 con bò của tỉnh Hà Nam là khiêm tốn, con số đạt được có thể lên tới 20.000 con.
Kết hợp với tỉnh Hà Nam, HAGL sẽ tham gia vào dự án hỗ trợ người nông dân chăn nuôi bò sữa nhằm phát triển hoạt động chăn nuôi bền vững, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới cho người nông dân.
“Với những thế mạnh của mình, chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ cho Hà Nam trong việc xây dựng trang trại mẫu để hỗ trợ các hộ nông dân chăn nuôi bò sữa tiếp cận và áp dụng các quy trình công nghệ tiên tiến về trồng cỏ, chăn nuôi, vắt sữa, tồn trữ, bảo quản và vận chuyển sữa nhằm tạo ra nguồn sữa nguyên liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng” – ông Võ Trường Sơn cho biết.
Ngoài ra, HAGL cũng sẽ hợp tác với các hộ nông dân cùng nhập khẩu bò giống để có bò sữa chất lượng tốt nhất và giá cả hợp lý nhất.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên ông chủ Đoàn Nguyên Đức của HAGL có quyết định táo bạo như vậy. Với “bầu” Đức, lịch sử của HAGL đang bước sang những trang mới, là kinh doanh theo phong cách toàn cầu. Cách đầu tư cũng thay đổi theo chiều hướng áp dụng các quy chuẩn quốc tế để hòa nhập với tình hình chung.
Những hướng đi táo bạo trong quá khứ…
Mang trong mình nhiều tham vọng, người đàn ông tài năng Đoàn Nguyên Đức nhiều lần khiến dư luận sửng sốt vì những quyết định táo bạo không giống bất cứ ai của mình.
Năm 2008, ông Đoàn Nguyên Đức bỏ qua cơn sốt của thị trường bất động sản, nhảy sang Lào trồng hơn 15 vạn héc-ta cao su. Quyết định đó khiến nhiều người nghi ngờ về tính hiệu quả của nó, nhưng sau đó, vườn cao su đầy tiềm năng đã đem về cho ông bầu này không ít lợi nhuận.
Đến năm 2012, bầu Đức lại chơi “ngông” khi đầu tư vào mía đường. Một quyết định không ai hiểu được trong bối cảnh ngành đường trong nước còn đang tồn kho, nhà máy thừa công suất còn nông dân không biết bán mía cho ai.
Vậy nhưng bầu Đức lại khá thành công với việc trồng mía, sản xuất đường ở Lào và ngành này đóng góp đến 34% doanh thu của Tập đoàn HAGL.
Tiếp đến, ông Đoàn Nguyên Đức tiếp tục lấn sâu hơn vào lĩnh vực nông nghiệp khi quyết tâm đã trồng hơn 5.000 ha ngô, 236 nghìn con bò sữa và bò thịt tại Lào. Những quyết định có phần “trái khoáy” của bầu Đức nhưng lại cho kết quả rất khả quan.
Năm 2014, theo báo cáo tài chính của HAGL, doanh thu từ bán đường đã góp mạnh nhất vào tổng doanh thu của tập đoàn này với hơn 1.040 tỷ đồng, tăng hơn 24% so với năm 2013. Riêng doanh thu từ bán bắp của tập đoàn này cũng đạt khoảng 204 tỷ đồng.
Không chỉ táo bạo, tiên phong trong đầu tư, bầu Đức còn là người quyết đoán khi bán hơn 50% dự án phức hợp Myanmar Center tại Myanmar - một trong những dự án từng được bầu Đức kỳ vọng rất nhiều.
Và mục đích của cuộc chuyển nhượng này là để có thêm tiền đề đầu tư vào nhiều ngành nghề khác của Tập đoàn, chẳng hạn dự án chăn nuôi nuôi bò.
Giới thiệu sản phẩm thịt bò tơ Australia đầu tiên của mình tại thị trường Việt sau 7 tháng hợp tác với Công ty Vissan, bầu Đức mạnh dạn tuyên bố: nuôi bò sẽ là mảng kinh doanh “siêu lợi nhuận” hơn cả bất động sản thời cực thịnh và đây sẽ tiếp tục là lĩnh vực đầu tư chủ chốt của HAGL trong năm tới.
Thời kỳ đỉnh cao, với việc đầu tư đa dạng trong mọi lĩnh vực đã giúp tài sản của bầu Đức gia tăng đến hơn 15.000 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, bầu Đức có tổng cộng 48.800 ha cao su và cọ dầu tại Việt Nam, Campuchia và Lào. Riêng tại Attapeu,(Lào) diện tích cao su lên đến 25.000ha. Ngoài cao su, ở Lào, bầu Đức còn đem 100 triệu USD xây dựng cụm công nghiệp mía đường Attapeu.
HAGL đã trồng được 9.000 ha mía, đồng thời xây dựng xong nhà máy sản xuất mía đường với công suất 7.000 tấn mía/ngày và nhà máy nhiệt điện chạy bằng bã mía với công suất 30MW… và rất nhiều các công trình bất động sản, đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tại nhiều quốc gia trên thế giới.
(Theo Một thế giới)