Ngày nay, các bà mẹ đều hiểu tầm quan trọng của sữa mẹ đối với con trẻ. Đó cũng là một phần lý do khiến “thị trường” mua bán sữa mẹ tự phát trên mạng ngày càng hoạt động rầm rộ. Liệu đây có phải là nguồn dinh dưỡng thích hợp cho trẻ?

Trên Tạp chí y khoa Anh, các nhà khoa học mới đây đã cảnh báo, việc mua sữa mẹ trên mạng cho con bú đôi khi có thể rước bệnh cho trẻ sơ sinh. Cần có những xét nghiệm, kiểm tra gắt gao đối với một số bệnh nguy hiểm, như viêm gan siêu vi B, siêu vi C, HIV, giang mai… Nhiều kết quả nghiên cứu trước đó chỉ ra rằng, sữa mẹ được mua bán trên các trang mạng thường là môi trường cho nhiều loại vi khuẩn sinh sôi vì thiếu quá trình diệt khuẩn cần thiết, cũng như không đảm bảo được quy trình đóng gói, vận chuyển đúng cách.

{keywords}

Các bà mẹ được khuyến khích cho con bú trực tiếp

Trong số 101 mẫu sữa mẹ ngẫu nhiên bán trên mạng được xét nghiệm, chỉ chín mẫu không có vi khuẩn. Ngoài ra, một xét nghiệm khác với 102 mẫu sữa cho kết quả, 75% số sữa được đựng trong những túi, chai không thể giữ được độ lạnh cần thiết, thậm chí đã nhiễm một số loại vi khuẩn hoặc hóa chất.

Desiree Espinoza (người Anh) vừa sinh con được hai tháng. Cô có nguồn sữa dồi dào đủ để nuôi ba đứa trẻ cùng lúc. Thế là cô tận dụng sữa dư của mình, rao bán trên trang Only the Breast. Ngay lập tức có người tìm đến mua với giá 2-4 USD cho mỗi 30ml sữa. Desiree Espinoza tính nhẩm, nếu tiếp tục duy trì mỗi ngày bán khoảng 1 lít sữa dư thì mỗi năm, cô có thể kiếm được 20.000 USD.

Hiện có Human Milk 4 Human Babies và Eats on Feets là hai tổ chức kết nối với hàng ngàn bà mẹ tình nguyện cho sữa. Nếu việc rao bán các loại dịch, máu, mô, thận, gan, các bộ phận cơ thể khác bị kiểm soát chặt chẽ thì việc mua bán sữa khá thoải mái. Một số trang mạng mua bán sữa hoặc tổ chức tập trung những người tình nguyện cho sữa chỉ ý thức rằng họ đang làm công việc phục vụ cộng đồng hơn là kinh doanh. Việc xét nghiệm nguồn sữa, đối với họ là khá hiếm hoi.

{keywords}

Sữa mẹ được bảo quản đúng cách bằng những túi, bình trữ sữa chuyên dụng - Ảnh: indianapublismedia.org


Cũng có một số tổ chức hoạt động như ngân hàng sữa, thu gom sữa mẹ từ nhiều nguồn, sau đó xử lý diệt khuẩn rồi bán đến các bệnh viện. Nguồn sữa này được chuyển đến những đứa bé thiếu sữa mẹ với giá ở Mỹ là 4 USD/30ml.

Ở Trung Quốc, mỗi tháng, chi phí sữa công thức “ngốn” khoảng 300 USD/bé, trong lúc chi phí mua sữa mẹ “trôi nổi” lên đến 750 USD. Phần lớn hoạt động mua bán diễn ra trên các trang mạng xã hội như facebook hoặc các diễn đàn. Ngân hàng sữa sạch đầu tiên ở Trung Quốc được đặt ở Trung tâm y tế Bà mẹ và trẻ em Quảng Châu. Tất cả sữa được trao tặng đều qua quá trình kiểm tra kỹ lưỡng và được đông lạnh tức thời. Tuy nhiên, mô hình này khá mới mẻ và chưa được phổ biến. Wangyan Liu, bác sĩ ở Bắc Kinh nói rằng, sữa mẹ rất tốt cho trẻ nhưng sữa mẹ bị nhiễm khuẩn thì vô cùng độc hại. Ông tha thiết mong chính quyền ban hành luật mua bán sữa mẹ để đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cho trẻ sơ sinh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, trẻ nên bú sữa mẹ ít nhất trong sáu tháng đầu đời để có được khả năng phát triển tối ưu. Thế nhưng, hiểu chưa đúng hoặc chưa đủ thông tin trên có thể dẫn đến tình huống ngoài ý muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Do đó, các chuyên gia cho rằng, những tình nguyện viên phổ biến kiến thức về sữa mẹ cũng nên trình bày rõ tác hại của nguồn sữa chưa qua xét nghiệm, diệt khuẩn hoặc bảo quản trong điều kiện kém.

Các bà mẹ ở Việt Nam cũng trao đổi sữa

Không công khai mua bán sữa mẹ trên mạng như nhiều nước khác, ở Việt Nam, hoạt động này mang hình thức chia sẻ giữa các bà mẹ. Các bà mẹ thường gửi một khoản “bồi dưỡng” người mẹ mình xin sữa, hoặc xin sữa từ người thân quen. Một số bà mẹ chủ động mua túi trữ sữa. Một số khác thì đơn giản là đem theo chai nhựa đã qua sử dụng để đựng sữa, rồi đông lạnh để dùng dần hoặc cho bà mẹ khác. Thực tế, dù có vệ sinh kỹ nhưng những chai này vẫn không đáp ứng điều kiện bảo quản. Hơn nữa, nếu không duy trì nhiệt độ đủ để làm lạnh sữa thì dù có cất trữ bằng bao bì chuyên dùng, sữa vẫn có thể nhiễm khuẩn.

(Theo Guardian, SCMP, CNN/ PNO)