Bộ Tài chính yêu cầu giá sữa cần giảm giá tương ứng với khi loại chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá thành. Dù nguyên liệu giảm, dù "bị" cấm quảng cáo thì giá vẫn không lùi bước.

Sữa mới, giá mới

Bộ Tài chính vừa công bố giá trần 9 mặt hàng sữa của hãng Friesland Campina áp dụng từ 1/4 và giá trần 1 mặt hàng sữa của Nestle áp dụng từ 20/3. Tuy nhiên, "soi" kỹ 10 sản phẩm này thì thấy, các sản phẩm này có giá cao hơn so với các dòng sữa hiện nay. Và đây dường như là một quy luật của các hãng sữa khi ra các sản phẩm mới giá đều cao hơn. 

{keywords}
Mỗi lần thay tên, đổi nhãn sữa lại tăng giá.

Với công ty Nestle, sữa S-26 Gold hộp 400g có giá bán buôn mới là 208.725 đồng/hộp, trong khi, trong 18 sản phẩm sữa trước đây khi đăng ký, tất cả các sản phẩm hộp 400g với các nhãn hiệu NAN, Lactogen đều có giá bán buôn dưới 200.000 đồng. Trong đó, thấp nhất là Lactoghen 1 Complete Tin VN chỉ có 85.688 đồng/hộp và cao nhất là Pre Nan B NW026-1 S VN có giá 199.884 đồng/hộp.

Một số nguồn tin từ cửa hàng bán lẻ sữa tại Hà Nội còn tiết lộ, sữa Abbott cũng rục rịch tăng tới 8% giá. Các mặt hàng như Similac đang bán ra ở nhiều cửa hàng lẻ chỉ là hàng tồn cũ.

Trong khi đó, nhãn sữa Enfa Grow của Mead Johnson sau khi "tách" tuổi hộp sữa 1-3 tuổi thành 2 loại, sữa trên 2 tuổi và dưới 2 tuổi thì hộp cho trẻ từ 1-2 tuổi, giá vẫn không thay đổi. Loại sữa này có tên mới là Enfa New 3 với giá vẫn khoảng gần 430.000 đồng. 

Liệu có giảm giá từ 15/4?

Cuối tuần trước, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã ra văn bản nhắc nhở, đôn thúc các đơn vị sở Tài chính địa phương phải tăng cường kiểm tra giá sữa.

Đặc biệt, đối với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 2 tuổi, các Sở Tài chính phải yêu cầu các doanh nghiệp loại chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá và giảm giá tương ứng với mức chi phí quảng cáo đã loại trừ, đồng thời kê khai giá lại trước ngày 15/4 tới.

Yêu cầu này được đưa ra bởi kể từ 1/3, Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 6/11/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo có hiệu lực đã có hiệu lực, với điều khoản “Nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, thức ăn bổ sung cho trẻ em dưới 06 tuổi..."

{keywords}
Mọi biện pháp gần như bất lực với giá sữa.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải rà soát, tiết giảm các khoản chi phí nói chung để kịp thời giảm giá bán sữa.

Đây không phải là lần đầu tiên, Bộ Tài chính có những văn bản nhắc nhở, đôn thúc, với mục đích yêu cầu doanh nghiệp giảm giá sữa như vậy. Tuy nhiên, hiệu năng quản lý Nhà nước ở các chỉ đạo này rất thấp.

Thậm chí, cuối tháng 11/2014, cùng với việc kiểm soát giá cước vận tải, Bộ Tài chính cũng đã công bố lập đoàn kiểm tra để đi kiểm tra giá sữa tại các doanh nghiệp trước thông tin giá nguyên liệu giảm.

Cũng tại thời điểm này, Bộ Công Thương cho biết, giá sữa trong nước đứng cao trong khi trên thị trường thế giới, giá sữa nguyên liệu nhập khẩu giảm mạnh. Tháng 10/2014, giá sữa bột gầy tại thị trường Châu Âu giảm 3,3% so với tháng trước đó. Nếu so với cùng kỳ 2013, giá sữa bột gầy châu Úc giảm khoảng 550-1.075 USD/tấn, ở Tây Âu khoảng 725-1.025 USD/tấn. Giá sữa bột nguyên kem ở châu Úc giảm khoảng 150-925 USD/tấn và ở Tây Âu giảm khoảng 550-900 USD/tấn.

Thế nhưng đến nay, đã qua quý I của năm 2015, trong khi Bộ Tài chính đã nhiều lần công bố thành tích của chiến dịch kiểm tra giá cước vận tải thì kết quả của cuộc kiểm tra giá sữa vẫn không được đả động tới.

Chia sẻ với VietnamNet, lãnh đạo Bộ Tài chính xác nhận, sau khi đăng ký giá trần, với hơn 500 mặt hàng sữa đã áp giá trần, đến nay không có doanh nghiệp sữa nào giảm giá. Các hãng ra sản phẩm mới có giá đều đắt hơn nhiều với lý do công thức mới, bổ sung vi chất mới.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng chia sẻ, qua báo cáo của các doanh nghiệp sữa, giá sữa nguyên liệu lại đang có xu hướng tăng lên từ tháng 2. Chưa kể, giá nguyên liệu sữa chỉ chiếm 1/3 trong cơ cấu chí phí sản xuất sữa, nên không quyết định toàn bộ giá thành sữa.

Liên quan đến chi phí quảng cáo trong giá thành, vị này cho biết, có doanh nghiệp có sản phẩm phân bổ chi phí này vào giá, có sản phẩm lại khônng phân bổ. Do đó, Bộ cũng đang yêu cầu doanh nghiệp báo cáo chi tiết rà soát chi phí hiện nay trong sản phẩm sữa.

Thông tin mới nhất là có 5 doanh nghiệp sữa ở Hà Nội báo cáo là họ không tính chi phí quảng cáo vào giá thành sữa. Điều này cũng kéo theo, doanh nghiệp này sẽ không phải giảm giá.

Phạm Huyền