Tình trạng ế ẩm của thị trường bất động sản (BĐS) trong hai tháng qua đã khiến các văn phòng nhà đất lớn nằm tại các chợ bất động sản lớn Hà Nội rơi vào tình trạng “chợ chiều”, trong đó nhiều điểm buộc phải đóng cửa vì không kham nổi gánh nặng chi phí.

Là công ty được xem là hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh dự án, môi giới sản phẩm nhà, đất thế nhưng mới đây lãnh đạo công ty C phải thành thật thú thật hiện đã tinh giảm hơn 30% nhân sự, đồng thời đóng cửa 5/12 đại lý giao dịch.

Tương tự, công ty môi giới bất động sản Đại Phát (Ngô Thị Nhậm – Hà Đông) cũng vừa mới đóng cửa từ vài tuần nay do tình trạng không có khách mua.

“Chúng tôi không đóng cửa mới lạ vì có ai đến mua bán nhà đất gì đâu mà có tiền phí. Trong bối cảnh này, ngồi chơi không cũng là một giải pháp tiết kiệm chi phí quản lý để tránh cho công ty lỗ nặng nếu cứ tiếp tục hoạt động ”, anh Hải Đăng - giám đốc công ty Đại Phát cho biết.

Không khí buồn tẻ cũng bao trùm các chợ đất nằm trên dọc đường Lê Văn Lương, Bắc quốc lộ 32, đường Lê Trọng Tấn. Theo ghi nhận phóng viên, trên dọc tuyến đường Lê Trọng Tấn kéo dài có hơn 30 văn phòng nhà đất nhưng có đến 1/4 số điểm đóng cửa, không hoạt động. Hay trên tuyến đường 32, chỉ khoảng 1km có đến hơn 100 văn phòng nhà đất nhưng số cửa hàng mở cửa chỉ chiếm 1/3.

Cũng trong tình cảnh gần như “bỏ nghề”, anh Nguyễn Văn Cương, chủ một văn phòng nhà đất ở Khuất Duy Tiến cho biết, “Phải chuyển sang nghề khác chứ trông vào nhà đất thì... toi. Bởi, người bán thì nhiều nhưng không có khách mua. Người có tiền cũng không dám mua vì giá cả bất ổn định, giá vàng lên xuống thất thường nên các bên không mua bán được với nhau. Nếu trước đây, xung quanh khu vực này san sát các văn phòng môi giới nhà đất, thì hiện giờ chỉ còn 2 văn phòng là thực sự vẫn hoạt động đều đặn”.

Những ngày này, tại các điểm giao dịch bất động sản, các nhân viên thường ngồi chơi, tán gẫu, xem tivi, hoặc chơi một trò giải trí tại chỗ. Chị Trúc Anh – giám đốc sàn Lộc Điền cho biết, tình trạng ế ẩm đã kéo dài 2 tháng nay, không thể vì ít việc mà ngừng hợp đồng công việc với nhân viên, nhưng nếu vẫn duy trì trong khi không có giao dịch mua bán thì không biết lấy tiền đâu ra để trả lương cho nhân viên.

(Theo VnMedia)