Từ những hoài nghi, phản đối thậm chí đòi huỷ bỏ, sau 10 năm, thứ hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã trở thành mục tiêu sống còn của chính các vị sếp lớn ở địa phương, thậm chí, bộ chỉ số này còn "xuất khẩu" đi 11 quốc gia.

Không chỉ là phong độ mà phải là đẳng cấp

Đầu năm 2015, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức một cuộc toạ đàm gấp về cải thiện môi trường kinh doanh. Đây cũng là thời chuyên gia của VCCI và USAID điều tra xong việc chấm điểm của DN đối với năng lực điều hành năm 2014 của chính quyền tỉnh. Kết quả bảng xếp hạng này sẽ được công bố sáng nay, 16/4.

"Các nhà đầu tư nhìn vào chỉ số PCI để đảm bảo niềm tin đầu tư. Đây thực sự là công cụ đo năng lực quản lý điều hành cấp tỉnh thông qua cảm nhận của khối DN tư nhân” ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.

{keywords}
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp kiểm tra tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh.

"Thương hiệu Quảng Ninh phải gắn với PCI”, ông Thành nói.

"Vừa qua, nhiều chỉ số chưa hài lòng như tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, những việc đó có thể làm được tại sao lại không làm được? Nếu tới đây, chỉ số PCI năm 2014 công bố lên mà không cải thiện được thì sẽ phải chỉ rõ trách nhiệm từng nơi một", ông Thành khẳng định.

Năm 2012, tỉnh Quảng Ninh xếp thứ 20 trong bảng xếp hạng PCI nhưng năm 2013, đã bứt phá lên vị trí thứ 4.

Phải nói rằng, chưa khi nào không khí cải cách để thăng hạng PCI lại sục sôi như vừa qua. Đến mức, câu nói "Phong độ chỉ nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi" thường hay được bình luận sau các trận thắng- thua của môn thể thao vua bóng đá, cũng được các lãnh đạo địa phương "vận" vào mình.

Hồi tháng 4/2014, sau khi từ vị trí thứ 12 vọt lên dẫn dầu PCI toàn quốc, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, ông Trần Thọ khiêm tốn nói: “Mình mới là phong độ thôi, chưa phải đẳng cấp vì trồi lên tụt xuống giữa nhóm 1 và nhóm 2 chứ không đứng yên... Cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân càng yêu cầu cao nên thực phải lớn hơn danh mới được”.

Tuyên Quang, một tỉnh miền núi nghèo, bị đội sổ PCI năm 2013 cũng rất bức bối, sốt ruột làm cải cách. Một chương trình đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp mang tên "Cà phê doanh nhân" được tổ chức hàng tháng với nhiều chủ đề từ nông nghiệp, nông thôn cho đến công tác xúc tiến thương mại đầu tư.

Uỷ ban nhân dân tỉnh này đã đặt mục tiêu là phải vượt điểm trung bình và rõ ràng, nếu đạt được, thứ hạng PCI 2014 chắc chắn không thể là đội sổ.

Khắc phục "lỗi phần mềm"

Trước thềm công bố PCI 2014, Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc hồi tưởng: "Cách đây 10 năm, khi lần đầu tiên PCI được công bố, chúng tôi đã gặp phải không ít những phản ứng dữ dội từ các tỉnh. Những năm đầu, họ nói rằng, VCCI lấy tư cách gì mà đòi chấm điểm các tỉnh và cho rằng, tôi quá mạo hiểm".

"Mạo hiểm là bởi, chúng tôi xếp hạng không chỉ xếp các địa phương, mà có các Uỷ viên Trung ương Đảng. PCI còn là xếp hạng 2 uỷ viên Bộ Chính trị, tức là lãnh đạo Tp Hà Nội và Tp HCM. Một số lãnh đạo tỉnh còn đề nghị không công bố PCI, có tỉnh đề nghị không tham gia PCI", ông Lộc chia sẻ.

{keywords}

Doanh nghiệp được lợi nhờ các tỉnh cải thiện PCI

"Tuy nhiên, Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó đã nói đại ý, các cơ quan chính quyền cần quen với các nhận định, góp ý của nhân dân, mới tiến bộ được và ủng hộ PCI", ông Lộc kể lại.

Cho đến nay, gần như 63 tỉnh thành trên cả nước đã có Nghị quyết và chương trình hành động nâng cao thứ hạng trong PCI. Không chỉ vậy, bộ chỉ số này vừa qua đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức lấy làm thước đo trong yêu cầu của Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh.

Từ một bộ chỉ số xếp hạng chỉ mang tính tham khảo, giờ đây, PCI made in Vietnam thậm chí còn xuất khẩu đi 11 quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Srilanka, Bangladesh, Salvador, Kosovo... và danh sách này đang dài thêm.

Ông Lộc cho biết thêm, cả nước có 63 tỉnh thành nhưng doanh nghiệp chỉ phát triển tập trung ở 11 tỉnh thành, chiếm 60% sự gia tăng của DN tư nhân và chiếm 70% tổng đầu tư và doanh thu của khu vực tư nhân.

"Trong một môi trường thể chế như nhau, tại sao chỉ có 11 tỉnh đột phá như vậy mà các tỉnh khác lại không? Qua quan sát, sự phát triển DN có nhiều yếu tố, phần cứng là điều kiện về cơ sở hạ tầng, tự nhiên, địa lý, nhân lực và phần mềm, chính là sự điều hành của các chính quyền tỉnh. Rõ ràng, phần cứng đó cần có thời gian mới cải thiện được, nhưng phần mềm thì có thể cải thiện nhanh", ông Lộc bình luận.

Chẳng hạn, xung quanh Hà Nội, trước đây, tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên phát triển rất mạnh như Hà Tây (cũ), chỉ cách Hà Nội 30 km lại không thu hút được đầu tư, không phát triển DN. Xung quanh Tp HCM, Bình Dương, Đồng Nai thu hút nhiều vốn đầu tư, còn Bình Phước, Long An cũng gần tp HCM thì lại không, mặc dù, điều kiện tự nhiên là giống nhau.

Bởi vậy, PCI chính là cách tốt nhất để chỉ ra "lỗi" phần mềm trong từng tỉnh thành để từ đó, có cách thức cải thiện, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn.

Trên thực tế, sau mỗi lần công bố kết quả PCI công bố, nhiều tỉnh thành đã nỗ lực cải thiện và nhận được không ít điểm cộng từ các doanh nghiệp.

Ngày 16/4, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cùng tổ chức USAID sẽ công bố kết quả bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014. Cùng với kết quả thứ hạng năm 2015, báo cáo PCI lần này sẽ công bố các đánh giá của doanh nghiệp về cơ hội và thách thức từ Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và những kết quả về thực trạng quan hệ lao động tại các doanh nghiệp.

Phạm Huyền