- Với hơn 500 tỷ đồng phải điều chỉnh, vụ chuyển giá của Metro có quy mô lớn thứ 3 trong số các vụ đã bị phanh phui trước dư luận, đồng thời là phi vụ đầu tiên được Tổng Cục thuế chính thức công bố. Lối chơi hai mặt của những ông lớn FDI là nỗi đau không hề nhỏ.

Ồn ào nghi vấn rồi cho qua

Không phải bây giờ, từ năm 2009, hàng chục thương hiệu FDI nổi tiếng ở Việt Nam trong cả sản xuất và bán lẻ đã được nhắc đến với dấu hỏi lớn, khai lỗ triên miên sao còn mở rộng quy mô, tăng trưởng doanh thu ấn tượng?

Metro nằm danh sách này, rồi cả BigC của nhà đầu tư Pháp, Unilever, Colacola, Pepsicola, Adidas... cũng không đứng ngoài. Tuy nhiên, những cái tên như vậy chỉ được truyền miệng chứ không được nêu công khai trong các bản tin chính thức về FDI khai lỗ.

Năm 2012, một vài Cục thuế các địa phương bắt đầu "tố" lên dư luận, chỉ đích danh tên tuổi các ông lớn có dấu hiệu chuyển giá. Từ đó, những khoản lỗ 10 năm của Cocacola, của Adidas... mới bắt đầu bị phơi bày. Nhưng đến nay, đã sang năm 2015, sự thật đằng sau những khoản lỗ khủng ấy là gì vẫn chưa được cơ quan thanh tra xác nhận.

Cũng thời điểm này, chỉ có duy nhất Cục Thuế Lâm Đồng quyết định tiết lộ danh tính 17 các công ty chè Đài Loan chuyển giá, nhưng quy mô nhỏ, chỉ vài tỷ đồng.

Đến năm 2013, cuộc chiến chống chuyển giá bước sang trang mới. Có tới 122 doanh nghiệp đã bị phát hiện chuyển giá với tổng số thuế bị truy thu lên tới 200 tỷ đồng. Và trong số này, gần 100 tỷ truy thu thuế đó là thuộc về Keangnam Vina - ông chủ Hàn Quốc sở hữu toà nhà 72 tầng nổi tiếng ở Hà Nội. Giá trị điều chỉnh ở vụ việc này là con số khổng lồ, tới 1.220 tỷ đồng.

{keywords}

Với hơn 500 tỷ đồng phải điều chỉnh, vụ chuyển giá của Metro có quy mô lớn thứ 3 trong số các vụ đã bị phanh phui trước dư luận

Nối gót ông lớn xứ Hàn là đại gia dệt may của Malaysia, Hualon Coroation ở Đồng Nai, tập đoàn số 1 thế giới trong lĩnh vực sản xuất sợi cũng bị đưa ra ánh sáng theo cách thức lộ mật như trên. Tổng giá trị bị điều chỉnh lên tới 70 triệu USD và số thuế bị truy thu là 78 tỷ đồng.

Cho nên, ở vụ Metro, chỉ sau đúng 2 tháng thực hiện, kết quả thanh tra ban hành ngày xong, bỗng nhiên được phát sóng ngay tối cùng ngày 20/4. Đến 21/4, Tổng cục Thuế rục rịch chuẩn bị họp báo nhưng đến giờ chót, vì lý do nào đó, kế hoạch bị huỷ. Bản thông báo về hành vi chuyển giá của Metro mới được phát đi cho hàng loạt báo chí đăng tải.

Có điều gì lạ ở đây?

Cũng phải nói thêm rằng, động thái rốt ráo trên chỉ thể hiện sau khi Metro chuẩn bị rời Việt Nam để bán con cho ông tỷ phú người Thái, sau 12 năm khai lỗ hơn 1.657 tỷ đồng và chẳng nộp đồng xu thuế thu nhập doanh nghiệp nào. Trên thực tế, trong 9 năm 2003-2011, cơ quan thuế cũng đã thanh tra 4 lần ở công ty này với kết quả giảm lỗ 500,4 tỷ đồng tính đến 31/12/2011.

Có vẻ như, đã đến lúc, giá trị của sự minh bạch, của sự sòng phẳng trong cuộc chơi với các Tập đoàn nước ngoài bắt đầu được thừa nhận? Nhiều năm qua, ngành thuế lầm lũi làm thanh tra chuyển giá, nhưng các kết quả này đa phần bị đắp chiếu với lý do.

Danh sách dài chưa lộ diện

{keywords}

"Chuyển giá của Metro là câu chuyện thể hiện tính hai mặt của các nhà đầu tư FDI".

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội chia sẻ: "Thực ra, chuyển giá của Metro là câu chuyện thể hiện tính hai mặt của các nhà đầu tư FDI. Cần phải hiểu rằng, doanh nghiệp đến Việt Nam làm ăn thì mục tiêu đầu tiên của họ là lợi nhuận. Vì thế, họ sẽ tìm mọi cách để tối đa hoá lợi nhuận của mình, giảm thiểu chi phí...Đó là việc bình thường".

Trong khi đó, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư lại thường không lấy làm vui mỗi khi có các đối tác ngoại bị nghi ngại chuyển giá. Trong một cuộc toạ đàm về chủ đề này tháng 10 năm ngoái, khi được hỏi suy nghĩ của ông về nghi án 12 năm khai lỗ của Metro, ông liên tục nhấn mạnh, đừng chụp mũ FDI khi chưa đủ chứng cứ. Rằng, đây là chuyện của cả thế giới, hiện tượng này nếu có chỉ là cá biệt, là con sâu làm rầu nồi canh. Thậm chí ngay cả khi nghi vấn thì cũng không cần công bố rộng rãi vì sẽ ảnh hưởng môi trường đầu tư, các nước đều vậy, ông Hoàng nói.

Tuy nhiên, trao đổi với VietNamNet, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương nói "Tại sao lại không nên công bố? Ta không nghi kỵ ai cả mà khi có hiện tượng bất thường, ta phải nêu vấn đề".

"Chúng ta đã ưu đãi FDI rất nhiều từ đất đai, giảm thuế, đến khi họ lậu thuế, ta lại không dám nói thì không hiểu đó là tư duy kiểu gì. Đó là một thái độ lạ lùng. Ta phải sòng phằng, sai thì nói, đúng thì khen.Ví dụ, Samsung làm tốt thì ta khen. Ông nào làm bậy thì phải nói", TS Doanh thẳng thắn.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng việc ngành thuế chủ động công bố kết quả thanh tra chuyển giá Metro là một bước tiến bộ. Nó có thể mở đầu các kết quả thanh tra khác sẽ được công bố, với các phát hiện mới mà lâu nay giới chuyên gia kinh tế đã nhiều lần đặt dấu hỏi.

"Tôi hi vọng thanh tra thuế nên mở rộng hợp tác quốc tế, bổ sung thêm các kỹ năng quản lý thuế, làm sao để môi trường ở Việt Nam có sự công bằng. Cần tránh biến đất nước chúng ta thành mảnh đất màu mỡ, để DN FDI làm ăn không chính đáng, chỉ có trục lợi ở Việt Nam mà không nộp thuế cho chúng ta", TS Doanh nói.

Dù vậy, cho đến nay, thỉnh thoảng Bộ Tài chính công bố về chuyển giá, nhưng chỉ là vài con số khô khan như số thuế truy thu, số tiền giảm lỗ, chứ tuyệt nhiên, không có danh tính nào được nhắc đến.

Sẽ thanh tra 20% doanh nghiệp FDI khai lỗ năm 2015

Tính đến hết tháng 8/2014, ngành thuế đã rà soát 39.637 doanh nghiệp, phát hiện 1.938 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá. Kết quả, ngành thuế đã truy thu 1.317,9 tỷ đồng, giảm lỗ 4.129,8 tỷ đồng, giảm khấu trừ hoàn thuế 82,8 tỷ đồng.

Năm 2015, ngành thuế sẽ tập trung vào 15 - 20% doanh nghiệp kê khai lỗ và có dấu hiệu chuyển giá trong tổng số các doanh nghiệp kiểm tra.

Phạm Huyền