Kem Bạch Đằng
Đứng đầu danh sách hàng quán danh tiếng hơn 40 năm ở Sài Gòn phải kể đến tiệm kem Bạch Đằng nổi tiếng. Nằm ngay giao lộ Lê Lợi và Pasteur từ thập niên 1970, kem Bạch Đằng được người Sài Gòn chọn như một địa điểm để họp mặt gia đình, đoàn tụ bạn bè... Có những người con Sài Gòn xa xứ khi vừa xuống sân bay hồi hương đã hẹn gia đình ra thẳng quán kem Bạch Đằng, ngồi bên hè phố, giữa cái nóng Sài Gòn và thưởng thức một ly kem mát lạnh, ngọt tận trong tim như hương vị của đất Sài Gòn yêu dấu. Sài Gòn 40 năm sau giải phóng với biết bao đổi thay, quán kem Bạch Đằng vẫn ở ngay vị trí cũ, giao giữa đường Lê Lợi và Pasteur, một vị trí đẹp của thành phố. Quán được xây dựng khang trang và là một địa điểm đẹp để ngắm phố phường Sài Gòn. Kem Bạch Đằng vẫn giữ nguyên 6 vị kem cũ, từ đó biến tấu ra nhiều loại kem khác nhau và lúc nào cũng đông khách. |
Bánh mì Hòa Mã 60 năm
Tiệm bánh mì Hòa Mã nằm trên đường Cao Thắng, Q.3 được nhiều người khẳng định là tiệm đầu tiên bán bánh mì Sài Gòn. Đó là quán bánh mì của vợ chồng ông Lê Minh Ngọc và bà Nguyễn Thị Tịnh. Trước đó, bà Tịnh làm việc ở hãng thịt nguội chuyên cung cấp sản phảm cho các nhà hàng Pháp ở Hà Nội. Năm 1954, khi di cư vào Nam, ông bà có ý tượng thành lập một hiệu bán bánh mì thịt nguội cho người Sài Gòn, thế là năm 1958, cửa hàng bánh mì Hòa Mã ra đời.
Sau 60 năm, quán vẫn nằm ở một góc vỉa hè đường Cao Thắng, bảng hiệu cũ kỹ đã nhuốm màu thời gian. Chỗ ngồi của khách được xếp dọc theo con hẻm nhỏ và luôn đông đúc mỗi sáng sớm. Bà chủ hơn 80 tuổi giờ đã ốm yếu nhường lại việc buôn bán cho những người con. Ngoài bánh mì kẹp thịt, tiệm Hòa Mã giờ đây biến tấu thêm món bánh mì chảo thập cẩm – là món đặc trưng và nổi tiếng nhất ở đây hiện nay. Phần ăn được chiên trong chiếc chảo nhỏ, bên trong chứa đủ thứ nguyên liệu hấp dẫn như trứng gà ốp la, patê, xúc xích, thịt nguội, chả lụa... Một phần bánh mì Hòa Mã không chỉ để ăn sáng mà có thể dùng thay như một bữa chính. Thực khách của quán có rất nhiều những người lớn tuổi, gắn bó với quán từ mấy chục năm qua. Bánh mì Hòa Mã cũng nằm trong danh sách 25 món ăn phải thử khi đến Sài Gòn của Mark Wiens, một blogger người Mỹ nổi tiếng mạng xã hội.
|
Phở Hòa – Quán phở có mặt trong các cẩm năng du lịch nước ngoài
Phở Hòa, được hình thành từ những thập niên 60-70 của thế kỷ trước, cho đến nay là hơn 40 năm cũng là một hàng quán danh tiếng ở Sài Gòn. Đây là quán phở được người nước ngoài biết đến nhiều nhất thông qua các cẩm nang du lịch. Phở Hòa Pasteur còn đặc biệt bởi nằm trên con đường hơn 50 năm trước vốn nổi tiếng ở Sài Gòn bởi tập trung nhiều xe phở ngon.
Tô phở Hòa rất to, nhiều thịt, có không gian để bỏ thêm rau thơm, giá nhìn rất ngon mắt. Nước dùng trong và vừa ngọt, không quá béo. Đặc biệt ở trên bàn ăn còn thêm dĩa bánh quẩy để dùng thêm với phở, như cách ăn phở của người miền Bắc. Nổi tiếng hơn 40 năm, giá một tô phở Hòa không hề rẻ nhưng quán vẫn đông thực khách từ sáng sớm đến chiều tối. |
Giò chả Phú Hương – thương hiệu nổi tiếng một thời của Sài Gòn
Giò chả Phú Hương là một thương hiệu nổi tiếng của Sài Gòn trước năm 1975.
Đến nay, thương hiệu cũ vẫn còn nhưng chia năm xẻ bảy, một căn nhà còn trưng biển hiệu Giò Chả Phú Hương, lại thấy nhiều tủ kính bày trên hè đường, phía trước cửa tiệm, một trong những tủ kính ấy ghi chữ lớn đậm: “Giò chả Phú Hương danh tiếng lâu năm”. |
Tiệm hủ tiếu hồ Đỗ Khôn gần nửa thế kỷ
Nói đến ẩm thực Sài Gòn không thể không nhắc đến món hủ tiếu. Có nhiều thể loại hủ tiếu: hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu sa tế, hủ tiếu gõ và hủ tiếu hồ - một món ăn đặc trưng của người Hoa ở Sài Gòn.Có khoảng 3-4 tiệm hủ tiếu hồ ở Sài Gòn, nhưng giữ được hương vị truyền thống trong suốt hơn nửa thế kỷ có lẽ chỉ có tiệm hủ tiếu hồ Đỗ Khôn có tuổi đời gần 50 năm nằm khiêm tốn trên con đường Đinh Hòa (Q.8). Đặc trưng của món hủ tiếu hồ là đồ lòng phá lấu (được làm từ ruột heo dồn nếp với tôm khô, đậu phộng), hủ tiếu hồ và nước dùng có pha thêm chút bột năng vào cho sền sệt, đặc quánh tựa như hồ. Sau năm 1975, gu ăn uống của người Sài Gòn thay đổi, nước dùng sền sệt, kẹo kẹo không còn được ưa chuộng, ông Đỗ Khiêm, con trai út của Đỗ Khôn, đã biến tấu làm nước lèo trong, không pha thêm bột năng, món phá lấu cũng thay ruột heo dồn nếp bằng lòng heo luộc chín.
Ông Đỗ Khiêm, sinh năm 1965, đã theo phụ cha bán hủ tiếu, ông là người có khiếu nhất trong những người con của ông chủ quán Đỗ Khôn, lĩnh hội tất cả những bí kíp tinh hoa làm món hủ tiếu hồ từ cha. Tiệm hủ tiếu hồ của ông Đỗ Khiêm đến nay vẫn là điểm ăn sáng quen thuộc của rất nhiều người Hoa ở Sài Gòn |
Quán chè người Hoa 70 năm
Cũng là một hàng quán của người Hoa, quán chè Châu Giang, hay còn gọi là Chè “Nhà đèn” có mặt ở Sài Gòn đã hơn 70 năm. Nằm lọt thỏm trong khu thương xá Đồng Khánh (Quận 5), nơi ngập tràn những cửa hiệu quần áo sầm uất, quán chè không bảng hiệu vẫn cứ lặng lẽ tồn tại như thách thức với những đổi thay của cuộc sống. Quản lý quán chè hiện nay là chị Lý Thanh Hà, thế hệ thứ 4 của người khai sinh quán chè Châu Giang, là bà Phùng Hạnh Phan người gốc Quảng Đông (Trung Quốc). Bà Phan gầy dựng quán chè từ những năm 1930 với món chè đậu xanh nấu theo cách của người Hoa. Bà Phan già yếu rồi qua đời, người con gái nuôi tiếp tục công việc theo bí quyết nấu chè mẹ truyền lại. Cứ thế, những thế hệ tiếp nối được sinh ra, trưởng thành từ xe chè nhỏ, và tiếp nối công việc truyền thống của gia đình. Chị Lý Thanh Hà đã thay mẹ phụ trách quán chè Châu Giang hơn 10 năm nay. Từ những món cơ bản, chị Hà tìm hiểu thêm nhiều công thức mới để làm phong phú thực đơn quán chè “Nhà đèn”.
Thực đơn quán có hơn 20 món đặc trưng chè của người Hoa. Từ những món quen thuộc như: sâm bổ lượng, chè mè đen, chè trôi nước... đến các món lạ như quy linh cao, chè hạnh nhân, chè bạch quả hay hột gà trà... Đặc sắc nhất có thể kể đến là món chè bột củ năng nấu với hột gà (trứng gà sống), chỉ có ở quán chè 70 năm này. “Đối với một số món đặc trưng, khi khách gọi, tôi phải hỏi xem họ đã ăn bao giờ chưa. Nếu chưa, tôi sẽ giới thiệu một món khác thay thế, vì phải là khách quen hoặc đã từng ăn, biết cách ăn thì mới thấy ngon được”, chị Hà cho biết. Nhiều thực khách là giới trẻ đã tìm đến quán chè nhà đèn mỗi khi chiều về và đôi khi còn ăn tù tì 2 chén chè cùng lúc. |
(Theo Trí Thức Trẻ)