Không chỉ bức xúc về thực trạng chung của truyền hình trả tiền (PayTV) hiện nay như chất lượng hình ảnh thấp, các nhà cung cấp dịch vụ chỉ đầu tư vào số lượng kênh mà hầu hết là người xem ít quan tâm thì điều khán giả bực nhất là tình trạng quảng cáo.

Bực vì... quảng cáo

Khán giả Nguyễn Mạnh Hiệp ở Hà Nội cho rằng: “Truyền hình trả tiền có quá nhiều quảng cáo trên các kênh giải trí. Nhất là những kênh của Việt Nam. Tại sao nhà đài lại bắt chúng tôi trả tiền xem quảng cáo?”. Cụ thể hơn, khán giả Trần Lợi (TPHCM) chia sẻ với Lao Động: “Hiện tại nhà tôi đang sử dụng truyền hình cáp của SCTV, mỗi tháng đóng 95.000 đồng. Ngoài 2 kênh SCTV5 và SCTV10 dành riêng cho quảng cáo, các kênh còn lại của SCTV cứ xem chương trình được khoảng 30 phút lại được SCTV "khuyến mãi" 20 phút quảng cáo. Những sản phẩm quảng cáo, theo như mình đi hỏi những người xung quanh và những người thân, thì 10 người mua sản phẩm hết 10 người đều nói các sản phẩm nếu chỉ đáp ứng được 30% như trên quảng cáo... Giống như đánh lừa người tiêu dùng vậy.

Trở lại với truyền hình trả tiền, những tưởng khi trả tiền để xem truyền hình thì số tiền đó sẽ phần nào thay thế được phí quảng cáo giúp duy trì các chương trình xem liền mạch hơn, nào ngờ các kênh dành riêng cho nhà đài quảng cáo còn nhiều hơn mấy lần các đài địa phương. Chỉ cần bộ antena thu sóng là có thể bắt được. Đây có phải là truyền hình trả tiền? Mong nhận được câu trả lời từ Bộ TTTT”.

{keywords}

Bảng cước dịch vụ truyền hình trả tiền.

Đây chỉ một phần trong nhiều ý kiến bày tỏ sự không hài lòng về truyền hình trả tiền hiện nay. Trên thực tế, theo Luật Quảng cáo có hiệu lực thi hành từ 1.1.2013: “Thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh - chương trình chuyên quảng cáo” và “Mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 5 phút. Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 5 phút” - điều 22 Luật Quảng cáo. Tuy nhiên, không ít đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền vẫn cho phép quảng cáo vượt thời lượng ở các kênh, đặc biệt trong những khung giờ có người xem cao.

Trả thêm tiền để xem quảng cáo?

Với trên 40 nhà cung cấp và 7,5 triệu thuê bao hiện nay, truyền hình trả tiền đang là mảnh đất màu mỡ với những khoản thu lên tới gần 10.000 tỉ đồng mỗi năm. Trong đó, riêng tiền thuê bao đã khoảng 6.000 tỉ đồng và doanh thu từ quảng cáo ước tính 150 triệu USD/năm (số liệu doanh thu quảng cáo của truyền hình trả tiền năm 2013 là 125 triệu USD). Theo ước đoán, doanh số quảng cáo truyền hình trả tiền sẽ tăng từ 20 - 30% mỗi năm.

Mặc dù thời gian gần đây, Bộ TTTT tăng cường công tác kiểm tra, nhưng số vụ các nhà đài bị xử phạt vì quảng cáo quá thời lượng, ngắt chương trình quá 5 lần còn ít.

{keywords}

Vấn đề người xem hiện nay đang quan tâm chính là việc Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đang trình Bộ TTTT về việc cho phép nâng giá sàn, đặc biệt một số gói cước cao hơn khá nhiều so với mức cước mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền hiện đang áp dụng. Theo đề xuất này, đơn giá dịch vụ được chia ra làm nhiều mức cước. Một trong những lý giải từ phía PayTV Việt Nam là nhằm tránh việc các doanh nghiệp đua nhau bán phá giá nhằm cạnh tranh giành giật thuê bao.

Ông Lê Đình Cường - PCT kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam - cho rằng: “Người sử dụng dịch vụ cũng nên hiểu việc đề xuất nâng giá sàn không đồng nghĩa với việc thuê bao sẽ đồng loạt tăng giá, chúng tôi làm điều này là để đảm bảo quyền lợi chung cho các đơn vị làm truyền hình trả tiền”.

Ông Cường cũng cho rằng, chức năng của Hiệp hội Truyền hình trả tiền VN cũng là bảo vệ người tiêu dùng song “chất lượng và vấn đề quảng cáo trên truyền hình trả tiền là những vấn đề khác, nó thuộc về những nhà sản xuất”. “Theo tôi, hiện tại Bộ TTTT cũng có những quy định và việc xử phạt khá nặng với đơn vị nào vượt quá thời lượng cho phép là 5%. Tất nhiên, đơn vị nào vi phạm sẽ chịu trách nhiệm với thanh tra bộ”- ông Cường nói.

Cuộc chiến truyền hình trả tiền trong việc giành giật thuê bao hiện nay khá sôi động, song câu chuyện “mất tiền để xem quảng cáo” vẫn là nỗi ám ảnh và bức xúc với người xem, bởi lẽ ngoài việc nâng giá sàn, hoặc điều chỉnh giá cước, các đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền cũng cần phải có cam kết để người xem không bị bội thực quảng cáo và được hưởng xứng đáng với đồng tiền đã bỏ ra.

Mức sàn PayTV Việt Nam đề xuất BCH Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam dự kiến xây dựng đơn giá cho các gói truyền hình Analog như sau:

Với gói kênh chương trình cơ bản gồm 65-72 kênh, trong đó có 20 kênh thiết yếu theo chỉ đạo của Bộ TTTT, 50 kênh trả tiền sẽ có giá sàn 90.000-93.000 đồng/thuê bao/tháng.

Gói kênh chương trình 40-50 kênh cơ bản (gồm 20 kênh thiết yếu, 20-30 kênh trả tiền), có một kênh phim truyện nước ngoài, một số kênh thể thao như bóng đá, tennis,... có giá sàn là 60.000-65.000 đồng/thuêbao/tháng.

Các gói kênh số HD hoặc SD (tính gói HD) trên mạng Analog có 110-120 kênh và cộng thêm 40-50 kênh, do đơn vị cung cấp dịch vụ khai thác bản quyền hoặc sản xuất có nội dung giải trí, KH-CN, thông tin dành cho người có nhu cầu cao - 180.000-220.000 đồng/thuê bao/tháng,...

Gói cơ bản 80-100 kênh - bao gồm 20 kênh thiết yếu, còn lại kênh trả tiền: 85.000-90.000 đồng/thuê bao/tháng...

(Theo Lao động)