Sáng 18-5, sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Cảnh báo chất độc từ đồ dùng văn phòng”, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi vì sao hộp cắm viết, cục chặn giấy bằng nhựa chứa chất độc hại như chì, asen, Cd… lại vô tư bày bán trong nhà sách, cửa tiệm… Phóng viên đi tìm câu trả lời.
Khá nhiều hộp cắm viết, cục chặn giấy trưng bày trên kệ nhà sách Nhân Văn (7 Quang Trung, phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng chẳng có nhãn mác. Phóng viên (PV) mua một hộp cắm viết với giá 39.000 đồng có hình dáng lạ mắt. Bên trong là một chú voi cách điệu ôm hai trái tim đang đứng trên dòng nước sóng sánh rất đẹp.
Hệ thống nhà sách Nhân Văn đã yêu cầu tiêu hủy
Bà Trần Thị Thu Nguyệt, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần Thương mại-Dịch vụ văn hóa Nhân Văn, cho biết sau khi đọc báo mới biết chất lỏng bên trong hộp cắm viết, cục chặn giấy độc hại, gây chết một bé trai ở Nghệ An. “Công ty Nhân Văn có 12 nhà sách. Sáng nay (18-5), công ty yêu cầu tất cả nhà sách thuộc hệ thống rút hết hộp cắm viết, cục chặn giấy xuống kệ để tiêu hủy” - bà Nguyệt nói.
PV hỏi: “Nếu công ty đã yêu cầu các nhà sách thuộc hệ thống thu hồi toàn bộ hộp cắm viết, cục chặn giấy thì tại sao nhà sách Nhân Văn trên đường Quang Trung vẫn còn bán. Bằng chứng là tôi mới mua một hộp đựng viết vào lúc 10 giờ 40?”. Bà Nguyệt trả lời: “Chắc nhà sách đó chưa kịp thu hồi”.
Bà Nguyệt cho biết các hộp cắm viết, cục chặn giấy mua ở các sạp bán hàng lưu niệm quanh chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM). Chúng tôi hỏi vì sao tất cả hộp cắm viết, cục chặn giấy đều không nhãn hàng hóa, không nguồn gốc lại được Công ty Nhân Văn mua về? Bà Nguyệt nói: “Tôi nghĩ thực phẩm mới cần nguồn gốc. Còn hộp cắm viết, cục chặn giấy là hàng lưu niệm nên không cần biết rõ nguồn gốc”.
Cục chặn giấy có hình dáng hộp đựng tăm được PV mua ở nhà sách Tô Ký. |
“Có sự cố, gặp chủ nhà sách giải quyết”
Tại nhà sách Tô Ký (219 Tô Ký, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM), PV ghi nhận hộp cắm viết, cục chặn giấy bày bán khá nhiều. Tất cả không có nhãn hàng hóa. PV mua một cục chặn giấy hình tròn, tựa như hộp đựng tăm với giá 36.000 đồng. “Giá thực tế là 40.000 đồng. Tuy nhiên, đang có đợt giảm giá nên bớt mỗi cái 4.000 đồng” - bà Nguyễn Thị Linh, phụ trách bộ phận bán hàng nhà sách Tô Ký, nói.
Bà Linh cho biết thỉnh thoảng có người đến nhà sách chào hàng hộp cắm viết, cục chặn giấy với giá mỗi cái 30.000 đồng. Thấy đẹp nên nhà sách mua rồi bán lại. “Do kiểu dáng đẹp nên đa phần học sinh lớp 8, lớp 9 mua để chặn giấy và tặng nhau. Tôi cũng chẳng biết chất lỏng bên trong cục chặn giấy chứa chất độc” - bà Linh cho biết thêm.
PV xin số điện thoại người bán hộp cắm viết, cục chặn giấy cho nhà sách Tô Ký. Tuy nhiên, bà Linh cho rằng do “mua đứt bán đoạn” nên không lưu số điện thoại. “Khi gặp lại người bán, tôi sẽ báo họ biết chất lỏng rất độc hại. Đồng thời yêu cầu họ dán nhãn hàng hóa lên hộp cắm viết, cục chặn giấy. Nếu họ không làm thì tôi không mua nữa” - bà Linh nói.
PV đặt câu hỏi: “Chất lỏng trong cục chặn giấy tôi mua rất độc hại nhưng lại chẳng có thông tin nơi sản xuất. Nếu sử dụng có sự cố thì tôi phản ảnh đến ai?”. Ông Nguyễn Văn Dũng, quản lý nhà sách Tô Ký, trả lời: “Có sự cố thì mang cục chặn giấy và hóa đơn bán hàng tới gặp bà chủ”. PV đề nghị gặp bà chủ tiệm sách Tô Ký để trao đổi thêm, ông Dũng đáp: “Thông thường buổi tối bà chủ mới có mặt”.
Mua bao nhiêu cũng có
Tại các sạp bán hàng lưu niệm nằm cạnh chợ Kim Biên, sản phẩm dạng hộp cắm viết, cục chặn giấy bằng nhựa, trong có chất lỏng sóng sánh bán đầy.
Trong vai thầy giáo tìm mua 500 cục chặn giấy làm quà thưởng cho học sinh nhân dịp kết thúc năm học, PV đến sạp C10-A12-A13 Vạn Phú (38 Vạn Tượng, phường 13, quận 5) gặp bà chủ tên Loan. “Hàng này của Trung Quốc, tôi bán lâu lắm rồi. Để tôi liên hệ xem khi nào có” - bà Loan nói.
Sau khi liên hệ qua điện thoại, bà Loan cho biết trong vòng 1-2 ngày sẽ cung cấp đủ 500 cục chặn giấy với giá mỗi cái 23.000 đồng.
Ông PHẠM HỮU CÁT, Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam:
Cục đã yêu cầu chúng tôi vào cuộc ngay Trước đây, chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra và xử lý các mặt hàng như ly thủy tinh, đồ chơi có phơi nhiễm các chất độc hại nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi nghe thông tin về dạng đồ dùng văn phòng chứa chất lỏng độc hại. Theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Bảo vệ người tiêu dùng, tất cả sản phẩm hàng hóa đem ra kinh doanh phải công bố tiêu chuẩn chất lượng, người bán hàng phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa đã bán. Nếu có vi phạm về chất lượng, nhất là ảnh hưởng đến yếu tố an toàn, sức khỏe con người và môi trường thì sẽ bị xử lý và chế tài theo quy định pháp luật. Chúng tôi đã báo cáo thông tin này lên Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ngay sau khi nghe báo cáo, Cục đã chỉ đạo chúng tôi cho người đi mua mẫu khảo sát ngay và tiến hành các biện pháp tiếp theo. “Lần đầu tiên tôi nghe thông tin này” Đây là lần đầu tiên chúng tôi nghe thông tin về đồ dùng văn phòng có chứa hóa chất độc hại. Chúng tôi sẽ kết hợp với cơ quan chức năng xử lý theo quy định đồng thời kết hợp với cơ quan truyền thông đưa tin cảnh báo người tiêu dùng. Nếu đây là những mặt hàng nhập lậu, không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc hoặc có yếu tố độc hại theo kết luận của cơ quan chức năng thì chúng tôi sẽ tiến hành tịch thu, tiêu hủy theo quy định. Còn trường hợp mặt hàng có hóa đơn, chứng từ rõ ràng nhưng phát hiện ra có yếu tố độc hại và đã được bày bán trên thị trường thì bắt buộc công ty sản xuất hoặc nhập khẩu mặt hàng này phải thu hồi hết. Ông PHAN HOÀN KIẾM, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM |
(Theo PL TP.HCM)