Sản phẩm hư hại, thiết bị cháy, lỗi, chi phí, tiêu hao cao... vì mất điện, nháy điện, gây tổn thất lớn cho nhiều doanh nghiệp.

Không muốn làm to chuyện

Cũng theo bà Nguyễn Thị Phượng, dù là khách hàng nhưng Công ty TNHH Hitachi Cable Việt Nam chưa từng một lần phàn nàn về giá điện tăng hay giảm, do bên nào quyết định hay ngồi đàm phán về giá điện, cũng chưa từng trả chậm tiền điện một ngày nào, bởi nếu trả chậm công ty sẽ bị cắt điện hoặc bị phạt lãi chậm trả.

"Một tháng chúng tôi có đến 2 lần thanh toán cho các nhà cung cấp nhưng riêng ngành điện lúc nào cũng phải thanh toán một lệnh riêng. Điều đó đã làm tăng thủ tục hành chính của công ty rồi, vậy nhưng trong hợp đồng mua bán điện này chúng tôi cảm thấy Nhà nước chưa có một chính sách nào hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư. Điện vẫn là độc quyền nên không làm thay đổi được cảm giác của nhà đầu tư để tạo môi trường hấp dẫn ở Việt Nam.

{keywords}

Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiệt hại lớn do sự cố mất điện đột ngột

Khi người Nhật sang Việt Nam đầu tư, nếu có lỗi với khách hàng, họ sẽ đến giải trình, ghi rõ biên bản rằng chúng tôi định hướng thế này, thế kia, lý do vì sao, nhưng ở đây khách hàng cảm thấy không được tôn trọng và không hiểu vì sao lại như thế. Chúng tôi chỉ biết phiên dịch lại những lời giải thích của điện lực mà lần nào cũng giải thích lý do như vậy, liệu có người nước ngoài nào nghe không?".

Đề cập đến khả năng khởi kiện ngành điện, đại diện Công ty TNHH Hitachi Cable Việt Nam khẳng định: "Chúng tôi không muốn làm to chuyện. Chúng tôi chỉ biết gửi công văn hỏi các cơ quan chức năng và ngành điện nhưng chưa thấy trả lời, còn kiện hay không là cả câu chuyện dài.

Điều doanh nghiệp muốn đầu tiên là phản hồi và giúp đỡ của các cơ quan chức năng để hai bên cùng có lợi chứ không phải suốt ngày lôi ra kiện cáo nhau mất thời gian. Chúng tôi cũng chỉ mong muốn có điện để ổn định sản xuất và giữ tỷ lệ hao hụt theo đúng cam kết với các cơ quan chức năng".

Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty CP Trúc Thôn trăn trở về giá cả và chất lượng điện: "Giữa tháng 3/2015 giá điện tăng ảnh hưởng tương đối lớn đến giá thành sản phẩm trong khi để cạnh tranh với doanh nghiệp khác, giá sản phẩm không những không tăng mà còn phải giảm, còn chất lượng, mẫu mã phải luôn tăng. Tuy nhiên, riêng ngành điện và một số ngành mang tính độc quyền của doanh nghiệp nhà nước lại làm điều ngược lại: giá tăng lên, chất lượng thay đổi không đáng kể.

Điều các doanh nghiệp chúng tôi quan tâm là giá cả. Nếu các yếu tố sản xuất không thể giảm thì phải tăng, nhưng cũng cần nghiên cứu cái gì giảm được là phải giảm. Doanh nghiệp nào cũng khó khăn, kể cả ngành điện, nhưng quan trọng nhất là giải pháp để khắc phục khó khăn, phải xem khó khăn đó mang tính khách quan hay chủ quan nhiều.

Một yếu tố khác là chất lượng điện. Công ty điện lực thường lấy lý do sự cố bất khả kháng nhưng họ làm nghề đó thì phải biết sự cố là do đâu, từ đó có biện pháp khắc phục. Một năm sự cố vài lần hoặc tháng một hai lần còn được, chứ một năm mấy chục lần thì ai chịu nổi?".

Ông Đặng Văn Việt cũng cho rằng khi bị cắt điện, họ chỉ có thể gửi công văn, đề nghị ngành điện có giải pháp thực sự hữu hiệu nhằm chấm dứt tình trạng trên, đảm bảo chất lượng điện cho sản xuất. Còn khả năng kiện "ông điện" được vị lãnh đạo doanh nghiệp này loại bỏ: "Điện thì chỉ có một doanh nghiệp cung cấp, hợp đồng thì ký theo ý của họ, chỉ mang tính một chiều, không cẩn thận có khi còn mất nhiều hơn".

(Theo Đất Việt)