- Mua bánh mỳ, nước uống, mua sắm đồ cá nhân,... trong cửa hàng tiện lợi tại chân tòa nhà đang là một xu hướng tiêu dùng mới. Cửa hàng tiện lợi sạch đẹp, vị trí thuận thiện ngày càng hút khách, nhưng vào đó khách hàng thường chịu cái giá đắt hơn 5-10%, thậm chí đến 30%.

Tiện vì nhanh

Mở mắt ra đã gần tới giờ đi làm, chị Lưu Thị Hải (một nhân viên văn phòng làm ở quận 1, TPHCM) chỉ kịp vệ sinh cá nhân và đưa hai đứa trẻ đi học. Cũng giống như thường lệ, chị vội vào cửa hàng tiện lợi ở dưới chân tòa nhà chung cư mua ba túi bánh mỳ kẹp thịt và mấy hộp sữa cho vào ba lô cho con và cho mình. 

Từ khi có cửa hàng kinh doanh kiểu này đã cứu cánh cho nhiều lần trễ giờ của gia đình chị. So với phải xếp hàng chờ đợi mua ở tiệm bán bánh mỳ ven đường, việc vào cửa hàng tiện lợi đã rút ngắn thời gian rất nhiều. Chị Hải chỉ bước vào lựa chọn nhanh và đi. 

{keywords}
Cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh ở nhiều nước trong khu vực

Tại TP.HCM, các cửa hàng tiện lợi đã không còn xa lạ, chính bởi những ưu điểm là nhanh chóng, tiện dụng mà những cửa hàng này rất được lòng người tiêu dùng. Theo khảo sát của một công ty nghiên cứu thị trường, 4 nhóm người mua hàng chủ yếu của cửa hàng mua sắm tiện lợi này bao gồm sinh viên, người mới đi làm, phụ nữ công sở và nội trợ. Trong đó, nhu cầu của sinh viên chủ yếu là mua đồ ăn, nước uống là kiếm chỗ tụ tập nghỉ ngơi cho mát. Còn phụ nữ công sở chủ yếu mua đồ ăn cho con và hoa rau thịt vào buổi tối.

Đối với nam nhân viên văn phòng họ lựa chọn các cửa hàng này vì thói quen mua nhanh, đặc biệt là khi mua một số đồ cá nhân “nhạy cảm”, họ không phải lo lắng như mua ở các cửa hàng tạp hóa gần nhà hay vào siêu thị phải xếp hàng dài chờ đợi.

Thực tế, cách đây khoảng 10 năm, hệ thống cửa hàng tiện lợi, chuỗi siêu thị mini đã xuất hiện tại TPHCM hay Hà Nội với các tên tuổi có thể kể tới như G7Mart, FamilyMart, Circle K,… 5 năm trở lại đây, các thương hiệu lớn trong ngành bán lẻ đều mở thêm các cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ. 

Hiện, TP.HCM có 500 cửa hàng tiện lợi, trong đó, 60% số cửa hàng này thuộc về doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, nếu nói về mô hình cửa hàng thực phẩm quy mô nhỏ thuộc hệ thống các siêu thị lớn thì chỉ có: Co.op Food, Satrafoods, New Chợ và Vissan. Ngoài ra, còn có các cửa hàng chuyên doanh về chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp và các cửa hàng tiện lợi.

Sắp tới, cùng với việc mở cửa thị trường bán lẻ, bên cạnh các doanh nghiệp trong nước thì nhiều nhà bán lẻ lớn ở nước ngoài cũng sẽ đổ bộ vào thị trường bằng việc mở rộng hình thức bán lẻ này.

Không lợi

Tiết kiệm thời gian, không phải chờ đợi thanh toán quá lâu là những ưu điểm mà người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Một trong những rào cản khiến cho chuỗi cửa hàng này trong mắt người tiêu dùng không lợi đó chính là về giá cả. Tại một số nước, chênh lệch giá giữa cửa hàng tiện lợi và các siêu thị, đại siêu thị thường ở mức 10% thậm chí 30% nhưng tại Việt Nam con số này đang trong khoảng 6-10%.

{keywords}
Người tiêu dùng vẫn chưa quen

Bà Nguyễn Thị Lam (quận Thanh Xuân, HN) cho hay, khi mua một một sữa hay mớ rau ở cửa hàng tiện lợi dưới chân tòa nhà chung cư bà đang ở có mức giá thường đắt hơn 1-2 nghìn đồng, chính vì thế một vài lần mua hàng bà đã không quay trở lại. Để tiết kiệm chi tiêu hàng ngày, bà vẫn thường xuyên đi qua đường để mua hàng ở chợ dân sinh đối diện.

Như trường hợp của hệ thống chuỗi cửa hàng G7 của Trung Nguyên đã từng mở cách đây vài năm, nguyên nhân chính là tiện nhưng mà giá đắt hơn so với ngoài chợ hay siêu thị. Trong khi đó, tâm lý người tiêu dùng chưa được chuẩn bị khi tiếp cận hình thức kinh doanh bán lẻ mới mẻ này.

Không riêng gì về giá, các cửa hàng tạp hóa vẫn có thế manh riêng. Đơn cử như trường hợp của chị Nga (quận Hà Đông, HN). Chị luôn cảm thấy mua hàng ở tạp hóa dễ chịu hơn. Mặc dù số lượng sản phẩm ít hơn so với siêu thị hay không hiện đại như cửa hàng tiện lợi nhưng cửa hàng tạp hóa ngay nhà chị vẫn hút khách do giá thấp hơn và điều mày ít các hệ thống bán lẻ hiện đại có được là sự nhiệt tình của bà chủ cửa hàng tạp hóa. 

“Người bán hàng ở đây họ biết được tôi đang cần gì. Ví dụ như mua dầu gội đầu sữa tắm, tôi chỉ cần bảo như mọi khi là chị ấy đã sắp đủ đồ tôi cần nên không có tôi, các con vẫn có thể mua đúng sản phẩm nhà đang dùng”, chị cho hay.

Theo chị Nga, ngoài việc biết rõ nhu cầu của khách hàng, chủ tiệm tạp hóa còn rất nhiệt tình giao hàng tận nơi dù chỉ mua một vài mớ rau, cọng hành. “Nhà mình lắm lúc đi vắng, chỉ mỗi mình ở nhà trông con nhỏ, chẳng còn cách nào khác đi chợ là gọi điện nhờ ngay người bán hàng tạp hóa mang lên. Ngay cả lúc nửa đêm, cần mua hộp sữa cho con, tôi vẫn có thể gọi cửa”, chị nói.

Việc người tiêu dùng vẫn còn thói quen mua sắm ở các tiệm tạp hóa này không thể dễ dàng thay đổi trong vài năm. Bởi theo họ, mua ở cửa hàng tạp hóa luôn có cảm giác thân thiện, thậm chí mua chịu trả tiền sau rất dễ dàng.

Đại diện một doanh nghiệp thừa nhận, việc giá thuê mặt bằng cao đã khiến chi phí các chuỗi bán lẻ luôn lớn. Các hệ thống này chỉ phục vụ một lượng khách hàng nhỏ ở một chung cư, khu đô thị hay tòa nhà. Một vấn đề lớn hơn ảnh hưởng đến mức độ thành công là quy mô của chuỗi. Vì phải có độ bao phủ lớn, DN mới có tiếng nói đủ mạnh để đàm phán giá tốt nhất với bên cung ứng hàng hóa. Bên cạnh đó, các mặt hàng cũng phải phong phú và đảm bảo tươi sống mới  được người tiêu dùng lựa chọn.

Mặc dù vậy, ngành bán lẻ trong nước vẫn đang kỳ vọng nhiều vào tương lai của cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, các trào lưu và thói quen tiêu dùng sẽ thay đổi, song kiểu kinh doanh truyền thống như tạp hóa vẫn có lối đi riêng.

Duy Anh