- Mùa vải này cả nước sẽ thu hoạch khoảng 200 ngàn tấn, hai thị trường mới mở Úc, Mỹ mới xuất được 5 tấn.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh, những tấn vải thiều xuất khẩu sang Mỹ, Úc mới chỉ là bước đi đầu tiên. Chúng ta chưa thể kỳ vọng có ngay kết quả xuất khẩu vải thiều lớn vào 2 thị trường khó tính này. Năm 2015, tiêu thụ quả vải của Việt Nam vẫn phải trông chờ vào thị trường nội địa và Trung Quốc.

Tính tới thời điểm này, đã có khoảng 2 tấn vải thiều Lục Ngạn được thu mua sang Mỹ, 3 tấn vải được đưa sang Úc và trước nữa, vải đã đi Pháp. Vietnam Airline đã giảm 20% giá cước vận chuyển để hỗ trợ vải thiều Việt Nam đi Pháp.

Ông Tuấn Anh cho biết, thông thường với các thị trường chặt chẽ, khó tính, một quy trình để làm thủ tục, đưa một mặt hàng mới, đặc biệt là rau quả thâm nhập thành công vào thị trường này sẽ mất 5- 8 năm, hoặc lâu hơn. Riêng quả vải, để được chấp thuận sang Úc, chúng ta mất 4 năm trước đó.

{keywords} 

"Vì vậy, chúng ta không thể hi vọng trong 1-2 năm tới có kim ngạch xuất khẩu lớn của quả vải vào Mỹ, Úc cũng như EU những năm tới", ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo ông phân tích, trước đó, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu vài trăm tấn vải, mang tính thí điểm. Nhưng khi được nước bạn chấp thuận chính thức, doanh nghiệp của ta đã trực tiêp vào cuộc, làm việc với vùng canh tác, đảm bảo tiêu chuẩn của nước bạn.

Riêng năm 2015, ông Trần Tuấn Anh khẳng định, quả vải đi các thị trường Mỹ, Úc sẽ không có đột biến. Việc tiêu thụ vải trên dưới 200.000 tấn của cả nước hiện nay sẽ vẫn phải trông chờ vào thị trường nội địa và xuất khẩu Trung Quốc. Trong đó, 60% là tiêu thụ nội địa và 40% là Trung Quốc. Các năm tới, mức tiêu thụ này sẽ có xê dịch chút ít dưới tác động trên.

Đầu mùa, có nơi quả vải bị "hét" tới 90.000 đồng/kg, nhưng hiện, tại Hà Nội, vải thiều có giá trung bình chỉ còn 25.000 đồng/kg do đang vào chính vụ.

Phạm Huyền