Một nhân vật có biệt danh “Đại ca” Tong, kẻ bị tình nghi là ông trùm đường dây buôn người Rohingya, đã tự nộp mình cho cảnh sát Thái Lan hôm 18-5 nhưng tuyên bố chỉ khai sự thật trước tòa.

Bộ Ngoại giao Mỹ từng lưu ý chính phủ Thái Lan: Một số nhân vật trong quân đội và chính quyền địa phương dính líu đến các đường dây buôn người và đưa người trái phép xuyên quốc gia. Đối tượng chủ yếu của những đường dây này là người Rohingya và Bangladesh.

Thảm họa nhân đạo

Bangkok trước đây phủ nhận mọi cáo buộc của các tổ chức nhân quyền và các nhà quan sát quốc tế cho rằng nhiều viên chức Thái Lan, kể cả quân đội và cảnh sát, đã nhắm mắt làm ngơ trước tệ nạn buôn người trên đất mình. Thậm chí, một số người còn đứng ra bảo kê hoặc trực tiếp điều hành các đường dây tội phạm. Họ đã gây ra bao thảm cảnh trên đất Thái Lan và trên biển đối với người Rohingya và Bangladesh.

{keywords}

“Đại ca” Tong (áo trắng) (Nguồn: CHIANGRAITIMES)

Thế nhưng, mọi sự đã thay đổi theo chiều hướng tích cực từ đầu tháng 5 vừa qua. Cả chục mồ cạn chôn vùi vội vã thi thể dân nhập cư lậu người Rohingya và Bangladesh đã được phát hiện. Trước đó, chính quyền địa phương cũng thông báo phát hiện nhiều trại giam bí mật trong rừng và trên các đảo hẻo lánh, tất cả đều ở miền Nam Thái Lan, giáp ranh với Malaysia.

Trước tình hình nêu trên, chính phủ Thái Lan đã mở chiến dịch chống buôn người và đưa người trái phép xuyên biên giới. Đối tượng bị điều tra bao gồm cả quân đội, cảnh sát, cơ quan nhà nước lẫn ngoài xã hội.

“Bứt dây động rừng”, các tổ chức buôn người “chém vè”, lặn sâu. Chúng tháo chạy khỏi các trại giam bí mật khiến hàng trăm tù nhân người Rohingya và Bangladesh lâm vào cảnh đói khát. Trên biển thì xảy ra thảm họa nhân đạo: Hơn 2.000 “thuyền nhân” bị bỏ rơi trong vùng lãnh hải Malaysia và Indonesia trên những con tàu gỗ đã cạn nhiên liệu, thực phẩm.

Đến nay, hơn 80 trát lệnh bắt giữ đã được phê chuẩn. Trong số này có Pajjuban Angchotephan, một doanh nhân và chính khách tên tuổi với biệt danh là Ko (đại ca) Tong. Nhân vật thứ hai là trung tướng Manus Kongpan. Cả hai đều chọn cách tự thú để đối phó với pháp luật. “Đại ca” Tong tự thú ngày 18-5 sau một tuần biết mình đang bị truy nã qua báo chí, còn trung tướng Manus tự thú ngày 3-6. Cả 2 trường hợp đều được truyền thông trong nước và quốc tế quan tâm đặc biệt vì đây là lần đầu tiên, các ông trùm đường dây buôn người và đưa người trái phép xuyên biên giới của Thái Lan lộ mặt, đương đầu với pháp luật.

Trung tướng Prawut Thavornsiri, người phát ngôn Cảnh sát Thái Lan, cho biết Ko Tong chính thức nộp mình ở Bangkok sáng 18-5. Ko Tong được chở từ tỉnh Satun, quê hương y, đến sân bay Don Mueang từ sáng sớm. Tại đây, theo thông lệ, y xuất hiện trong một cuộc họp báo ngắn của cảnh sát. Nhân dịp này, trước ống kính truyền hình, tướng Somyot Poompanmoung, Chỉ huy trưởng Cảnh sát Thái Lan, bác bỏ tin đồn cảnh sát đã bí mật thương lượng với Ko Tong trước khi y đầu thú.

Trước đó, Ko Tong tung tin đã liên hệ với trung tướng Chakthip Chaijinda, phó chỉ huy trưởng cảnh sát, để dàn xếp cuộc tự thú. “Đại ca” yêu cầu được đóng tiền tại ngoại nhưng bất thành; đồng thời, cũng có tin nhiều viên chức cảnh sát cao cấp đề nghị hợp sức với chính quyền Malaysia truy bắt Ko Tong sau khi có tin đồn y bỏ xứ Satun chạy qua nước này ẩn náu tại khu nghỉ dưỡng Langkawi nổi tiếng. Cảnh sát Thái cho biết đã nhận được trát lệnh bắt giữ Thassanee, vợ của Ko Tong và trung úy cảnh sát Narathorn Samphan dính líu đến đường dây buôn người.

Truyền thông Thái Lan, dẫn nguồn tin giấu tên, cho biết Ko Tong phủ nhận mọi cáo buộc và chỉ chịu khai sự thật trước tòa án. Nếu xét thấy có tội, Ko Tong có thể bị kết án từ 4-15 năm tù và bị phạt 1 triệu baht (643,65 triệu đồng).

Chính khách có máu mặt

Tỉnh Satun ở miền Nam Thái Lan, nổi tiếng là trạm trung chuyển của bọn buôn người qua Malaysia và Indonesia theo đường bộ lẫn đường biển. Ko Tong là một chính khách được nhiều người biết tiếng. Theo ông Dejrat Simsiri, Tỉnh trưởng Satun, Ko Tong từng lãnh đạo một đảng chính trị, có nhiều mối quan hệ với chính quyền địa phương và một số nhà lãnh đạo trong chính phủ. Nhờ vậy mà “đại ca” trốn tránh pháp luật được lâu như vậy.

Theo ông Samsiri, Ko Tong từng được bầu vào cơ quan chính quyền tỉnh và giữ chức chủ tịch cách đây 10 năm nhưng sau đó thất cử nên không làm nữa. Trong thời gian tại chức, y quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương huyện Padang Besar, nơi gần đây phát hiện các mồ chôn di dân Rohingya và Bangladesh. Ko Tong có nhiều đất đai ở Rat Yai, một hòn đảo nhỏ gần Malaysia. Người dân Satun cho rằng đảo này là “căn cứ địa” của Ko Tong. “Bất cứ tàu thuyền nào đi gần đảo đều bị những người lạ mặt đi tàu cao tốc xua đuổi” - một người giấu tên cho biết.

Thiếu tướng Paveen Pongsirin, phó tư lệnh vùng, cho hay Ko Tong dùng đảo Yat Rai để điều hành đường dây buôn người ở Satun. Cảnh sát vẫn đang tiếp tục điều tra chuyên án này với nhiều chứng cứ chống lại Ko Tong. 18 người liên quan đến vụ này đã bị bắt. Tướng Paveen xác nhận Ko Tong là một người rất giàu. Cảnh sát đã tịch thu tài sản của y trị giá hàng chục triệu baht.

Vua một cõi

Buôn người và đưa người trái phép xuyên biên giới ở Đông Nam Á có lợi nhuận rất lớn. Chuyên gia Matthew Smith ở công ty tư vấn Fortify Rights cho biết: “Hầu hết các tay buôn người ở Myanmar và Malaysia khẳng định rằng các ông trùm Thái làm vua một cõi”. Riêng năm 2012, ngành kinh doanh tội ác này ước tính đạt 250 triệu USD. Số tiền này khiến nhiều người Thái trở nên giàu có, tiền mặt dồi dào dùng để bôi trơn những nơi cần thiết.

Đóng góp vào doanh thu “khủng” nêu trên là những người Rohingya ở bang Rakhine - Myanmar. Những người không quốc tịch, không có tổ quốc này đưa tiền cho bọn buôn người để lên thuyền xuôi về phía Nam với hy vọng tìm một nơi ở mới thân thiện hơn. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết trong 3 tháng (từ tháng 1 đến tháng 3-2015), khoảng 25.000 người Rohingya và Bangladesh nghèo khổ đã vượt biển qua vịnh Bengal. Trong đó, vài ngàn di dân đã bị bọn buôn người bỏ rơi trên biển sau khi chính quyền Thái Lan mở chiến dịch trấn áp các tổ chức buôn người.


(Theo NLĐ)