- Bộ KH-ĐT vừa kiến nghị Chính phủ bãi bỏ 3.299 các loại điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền, nhất là ở các Bộ: Tài chính, Công Thương và Y tế.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) cho hay, theo Luật Đầu tư và Luật doanh nghiệp mới, có 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong đó, 198 ngành nghề yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh hay giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, thông qua các văn bản, quyết định chấp thuận, xác nhận; 69 loại ngành nghề cần có chứng chỉ hoặc thẻ hành nghề và 31 ngành nghề yêu cầu về vốn pháp định, tiền kỹ quỹ.
Tương ứng với số ngành nghề trên, có tới 6.475 điều kiện kinh doanh thuộc các cấp độ khác nhau, trong đó, 3.299 điều kiện kinh doanh đang được quy định tại 170 thông tư và quyết định của các Bộ. Việc ban hành như vậy là trái thẩm quyền, bởi theo Luật Đầu tư 2014, chỉ 3 cơ quan (Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ) mới có quyền ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh.
Do vậy, Bộ KH-ĐT khẳng định, 3.299 điều kiện kinh doanh trên sẽ đương nhiên bị bãi bỏ và hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2015, ngày Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực.
Thống kê của Bộ KH-ĐT cho thấy, trong số 16 bộ, Bộ Tài chính đứng đầu khi có 497 điều kiện kinh doanh ban hành trái thẩm quyền theo Luật Đầu tư, sẽ phải bãi bỏ.
Đứng thứ hai là Bộ Công Thương khi sở hữu tới 488 điều kiện kinh doanh ở các thông tư của mình. Xếp thứ ba là Bộ Y tế cũng “đẻ” tới 466 loại giấy phép con.
Đứng thứ 4 là Bộ GTVT với 319 điều kiện kinh doanh trái luật, Ngân hàng Nhà nước có 288 điều kiện kinh doanh,... Còn lại, 4 Bộ có hơn 100 giấy phép con phải bãi bỏ từ 1/7 tới.
Trước đó, tháng 4, Thủ tướng cũng đã có văn bản chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương phải chủ động rà soát các điều kiện kinh doanh đã được ban hành trong lĩnh vực của mình, đồng thời, yêu cầu không được ban hành các điều kiện kinh doanh trái luật. Đây là bước đi quan trọng để hoàn thành mục tiêu nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm tới.
Song, đánh giá của Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, vẫn nhiều bộ ngành, địa phương chưa tích cực chủ động rà soát giấy phép con và cũng chưa tích cực triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ.
Hiện, chỉ có 11 bộ và 11 địa phương đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết này.
Phạm Huyền