“Sốt” đấu giá cổ phần Công ty TM - DV Tràng Thi
Tọa lạc trên con đường đẹp nhất Hà Nội, ở tuyến phố từ Hồ Hoàn Kiếm ra các Quận Ba Đình, Cầu Giấy,… , khu đất thuộc quyền sử dụng của Công ty TM - DV Tràng Thi ở số 12 - 14 Tràng Thi có diện tích lên tới gần 2.100 m2.
Đây là diện tích đất thuê trả tiền hàng năm, được coi là mảnh đất vàng vì ở vị trí trung tâm của Thủ đô. Ngoài diện tích đất này, Công ty còn đang nắm trong tay quyền khai thác, sử dụng hàng loạt mảnh đất ở nhiều địa điểm khác, trong đó có nhiều diện tích thuộc khu vực phố cổ Hà Nội. Theo thông tin được Công ty công bố, TM - DV Tràng Thi có tới 42 địa điểm kinh doanh ở khắp các quận nội, ngoại thành Hà Nội.
Công ty TM - DV Tràng Thi nắm trong tay khu đất vàng ở vị trí trung tâm Thủ đô |
Vì lẽ này, không khó hiểu vì sao cổ phiếu của TM - DV Tràng Thi trở nên đắt khách. Với chỉ 3,11 triệu cổ phiếu được chào bán ở mức giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phiếu, Công ty đã thu hút tới 40 NĐT, bao gồm 9 NĐT tổ chức và 31 NĐT cá nhân đăng ký đấu giá, với tổng khối lượng đăng ký lên tới gần 42,6 triệu cổ phiếu.
Phải chờ đến ngày 22/6/2015, phiên đấu giá cổ phần hóa mới được thực hiện, nhưng với số lượng đăng ký áp đảo số lượng chào bán như vậy, có thể dự báo khả năng một cuộc chạy đua về giá.
Đủ chiêu săn đất vàng
Câu chuyện tại Công ty TM – DV Tràng Thi không phải là trường hợp cá biệt. Ngày 8/6, theo kết quả đấu giá cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Giày Thượng Đình, cổ phiếu của Công ty được bán ra với mức giá lên tới 48.177 đồng/cổ phiếu và chỉ có 3 nhà đầu tư đấu giá thành công.
Điều này khiến công chúng không khỏi ngạc nhiên, nhưng với những người quan tâm đến Giày Thượng Đình, câu chuyện này không quá bất ngờ. Tình trạng tung người đi khảo sát khả năng của các đối thủ tại những đầu đại lý đấu giá để chạy đua đấu giá cổ phần là khá phổ biến trong các tình huống này.
Chấp nhận trả giá cao, thậm chí rất cao để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ như mong amuốn là điều đã xảy ra tại nhiều doanh nghiệp sở hữu những lợi thế vàng, đặc biệt là quỹ đất. Nhưng, với các phương án đấu giá cổ phần hóa hiện tại, trong đó tỷ lệ chào bán chứng khoán ra công chúng chỉ ở mức xấp xỉ 20% vốn điều lệ tại doanh nghiệp được cổ phần hóa, thì cuộc chạy đua giá trong đấu giá cổ phần là chưa đủ.
Đón đầu ở vai trò đối tác chiến lược tham gia vào doanh nghiệp thông qua hình thức phát hành mới hoặc chào bán riêng lẻ là cách mà các ông lớn đã và đang làm để đảm bảo hoàn thành mục tiêu thâu tóm doanh nghiệp có đất vàng của mình.
Chia sẻ với ĐTCK, lãnh đạo một đơn vị có nhiều hoạt động thâu tóm doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn gần đây cho biết, công ty này đã lập ra một bộ phận chuyên tiếp cận lãnh đạo các địa phương ở nhiều nơi, với mục đích tìm hiểu và để nhận giới thiệu các doanh nghiệp có vị thế kinh doanh tốt, nhất là quỹ đất đẹp, giá rẻ. Với chiêu này, chỉ trong vòng vài năm, Công ty đã có trong tay hàng loạt doanh nghiệp có quỹ đất lớn. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng cho hay, công cuộc thâu tóm doanh nghiệp quỹ đất lớn, nhất là quỹ đất ở vị trí “vàng” không hề đơn giản.
Theo đó, trong nhiều trường hợp, xuất hiện một vài đối thủ ngang cơ dẫn đến chi phí đẩy lên cao do cạnh tranh gay gắt giữa các đối thủ. Vị này cho biết, trong một trường hợp mua lại phần thoái vốn Nhà nước, để đảm bảo khả năng kiểm soát, Công ty đã kết hợp đàm phán với các cổ đông hiện hữu và mua thoái vốn Nhà nước.
Đồng thời, trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư còn phải bạo chi, Chẳng hạn, tại một thương vụ nọ, khi đã có được thỏa thuận với một số cổ đông lớn thì phát sinh đối thủ cạnh tranh mới, dẫn đến chi phí thâu tóm mà DN phải bỏ ra tăng thêm gần 100 tỷ đồng trên tổng số tiền dự chi ban đầu là xấp xỉ 250 tỷ đồng.
(Theo ĐTCK)