Khóa học về những kỹ năng cần thiết như giặt là đồ hiệu hay lau chùi tác phẩm nghệ thuật giúp các quản gia đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của gia chủ giàu có.

Jill Wilpon sẽ không bao giờ quên cuộc điện thoại mà cô nhận được hồi đầu năm nay. “Thôi xong, thế là hỏng rồi”, giọng nói bên kia đầu dây nghẹn ngào.

“Chiếc áo Balenciaga của tôi đã bị ném chung vào đống quần áo khác. Người giúp việc chẳng biết cách giặt nó bằng tay”.

Đó là lý do Wilpon, giám đốc công ty chuyên cung cấp người giúp việc Chorz, quyết định thành lập dự án “Housekeeper Bootcamp” (tạm dịch “Trại huấn luyện người giúp việc). Theo đó, một khóa học với tổng thời gian 5 tiếng đồng hồ, chi phí 150 USD, sẽ đào tạo học viên thành thạo các kỹ năng như lau chùi, mua sắm thực phẩm và cách ứng xử phù hợp trong các dịp tiệc tùng.

“Họ đến từ Bhutan”, Wilpon cảm thán về một số người giúp việc được đăng ký khóa học trên. “Và họ không biết nhiều về nền văn hóa của chúng ta”.

Rất nhiều gia đình giàu có tại New York đã mạnh dạn chi tiền cho người giúp việc nhà mình đi học kỹ năng với hi vọng họ sẽ quen với cuộc sống bên trong của tầng lớp quý tộc Mahattan ngày nay chứ không chỉ đơn thuần là ký vào thỏa thuận bảo mật thông tin cá nhân cho gia chủ hay “buôn chuyện” với mấy anh nhân viên gác cổng.

{keywords}
Giới siêu giàu mạnh tay chi tiền cho người giúp việc học là, lau chùi đồ hiệu

Vào một ngày chủ nhật, có 8 người giúp việc tập hợp trong một căn hộ ở trung tâm Manhattan để học cách bày bàn ăn, giặt một chiếc khăn Hermès và lau chùi các tác phẩm nghệ thuật đắt tiền. Một số bài học có vẻ như được “bê” nguyên gốc từ bộ phim truyền hình nổi tiếng “Downton Abbey”, như lời dặn dò của Wilpon: “Hãy giữ ý kiến cá nhân của các bạn cho riêng các bạn mà thôi”. 

Hay cụ thể hơn như: “Nhiều người giúp việc đến từ Phillipines. Họ thường thích ăn rau mùi nhưng đây lại là loại rau mà nhiều gia đình ở đây dị ứng”.

Theo thống kê, mức lương trung bình của một người giúp việc theo giờ chuyên nghiệp ở New York là 50.000 USD. Người đứng đầu, chịu trách nhiệm quản lý những người giúp việc khác, có thể kiếm được nhiều hơn 30.000 USD nữa.

Lottie Belmonte, một phụ nữ 62 tuổi, người Philippines, từng làm giúp việc ở Long Island suốt 5 năm, hiện đang tìm kiếm công việc mới, đã đăng ký khóa học trên với lý do “cần một thế mạnh” trong cuộc cạnh tranh với những người giúp việc khác. “Tôi muốn học những kỹ năng mới”, bà Belmonte cho biết.

Trên thực tế, nhu cầu đối với người giúp việc luôn tăng không ngừng trong nhiều năm qua. “20 năm trước, không phải ai cũng có lái xe riêng hay 4 đứa trẻ hoặc những bữa ăn phức tạp”, Wilpon tiết lộ.

“Thời đó, đâu có những thực đơn quá cầu kỳ. Họ cũng chẳng yêu cầu phải có thực phẩm sạch và tươi sống hàng ngày”. 

Nhiều khách hàng VIP của Wilpon cũng cho biết, họ thích người giúp việc tự tay giặt quần áo hàng hiệu cho họ hơn là gửi chúng tới các tiệm giặt là cao cấp. Không phải do tiếc tiền mà đơn giản là họ lo sợ các tiệm giặt là sử dụng nhiều hóa chất, gây ảnh hưởng không tốt tới quần áo cũng như sức khỏe người mặc. 

Một yêu cầu thiết yếu với giúp việc ngày nay chính là khả năng sử dụng thuần thục các tiện ích công nghệ cao trong ngôi nhà thông minh. 

“Làm gì còn nắm đấm cửa nữa chứ. Mọi thứ đều là kỹ thuật số hết rồi”, Mai Gaudite, 54 tuổi, đến Mỹ từ 10 năm trước và hồi còn ở Phillipines đã là một chuyên gia môi giới bất động sản thành công. “Đó là một thế giới khác biệt khi trở thành giúp việc chuyên nghiệp ở New York”, bà Gaudite, hiện đang là một trong số 5 người giúp việc tại một căn penthouse do một ông trùm bất động sản và vợ sở hữu, nhấn mạnh.

Người vui mừng hơn ai hết, ngoài các gia chủ giàu có, chính là Wilpon. Cô tiết lộ, lớp học tiếp theo diễn ra vào tháng tới và sẽ tập trung đào tạo kỹ năng mua sắm thực phẩm tươi ngon.

(Theo VTC)