Nỗi sợ Hy Lạp phá sản đã bao trùm khắp các thị trường trên thế giới trong bối cảnh thành viên Liên minh châu Âu (EU) này tiếp tục quyết định đóng cửa các ngân hàng, đóng cửa TTCK trong tuần mới và áp đặt biện pháp kiểm soát vốn sau khi hàng loạt các cuộc đàm phán với các chủ nợ quốc tế rơi vào ngõ cụt.

Chấn động toàn cầu

Mở cửa phiên đầu tuần mới, sáng 29/6, hàng loạt các thị trường chứng khoán (TTCK) khu vực châu Á đã đồng loạt sụt giảm do giới đầu tư lo ngại ảnh hưởng cuộc khủng hoảng Hy Lạp tới hệ thống tài chính và nền kinh tế toàn cầu.

Tính tới 11h (giờ Việt Nam), đồng euro giảm 1,34% so với USD và chỉ còn đổi được 1,1017 USD. Euro so với yen Nhật cũng giảm 2,12% so với phiên liền trước xuống còn 1 euro đổi 135,38 yen. Euro cũng giảm 1,18% so với đồng bảng Anh.

TTCK Nhật giảm 2,5% ngay đầu buổi sáng, chứng khoán Australia giảm 1,5% và thị trường cổ phiếu Hàn Quốc mất 1%. Chứng khoán Hong Kong giảm 1,11%, Sydney giảm 1,62% và Đài Loan rớt 1,7%. Chỉ có TTCK Trung Quốc tăng trở lại hơn 2% sau khi giảm 7% trong phiên cuối tuần trước. Chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ quyết định cắt giảm lãi suất mạnh của NHTW nước này.

{keywords}
Người dân Hy Lạp đổ xô đi rút tiền.

Cho dù đang nằm trong xu hướng giảm giá dài hạn, vàng - kênh trú ẩn an toàn trong khủng hoảng tài chính và địa chính trị - đã nhanh chóng tăng 12 USD lên 1.185,2 USD/ounce. Tại Việt Nam, vàng SJC tăng 20.000-30.000 đồng/lượng lên 34,36 triệu đồng/lượng (mua) và 34,44 triệu đồng/lượng (bán) và thoát khỏi đáy 5 năm vừa thiết lập hồi cuối tuần trước.

Động thái bán tháo các tài sản có độ rủi ro cao, liên quan tới Hy Lạp và EU để chuyển sang các tài sản có độ ổn định cao hơn như USD, yen Nhật và thậm chí là vàng đã được dự báo từ trước, ngay sau khi cuộc thương lượng được cho là cuối cùng cuối tuần vừa qua giữa giới chức Hy Lạp và các chủ nợ thất bại, dẫn đến nguy cơ Hy Lạp có thể phải tuyên bố phá sản và phải rơi khu vực sử dụng đồng euro (eurozone).

Cho tới thời điểm này, mọi nỗ lực ở 2 bên là chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ đã tan thành mây khói. Hy Lạp không có một kế hoạch nào thanh toán khoản vay 1,5 tỉ euro đáo hạn ngày 30/6 cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Gói cứu trợ Hy Lạp hết hạn vào 30/6 do đó cũng đã được các bộ trưởng tài chính eurozone quyết định sẽ không được gia hạn.

Trách nhiệm định đoạt tương lai của Hy Lạp đã được chuyển cho người dân, với cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức vào ngày 5/7 tới, xem xét có chấp nhận những biện pháp thắt lưng buộc bụng mới mà các chủ nợ yêu cầu hay không.

Một số nguồn tin quốc tế cho biết, các ngân hàng Hy Lạp sẽ đóng cửa đến ngày 7/7 sau khi nước này hoàn thành cuộc trưng cầu dân ý. Điều đó đồng nghĩa với việc giới đầu tư sẽ còn ở trong tình trạng phấp phỏng chờ đợi thêm một tuần nữa.

Tương lai nào cho Hy Lạp?

Sau sự thất bại của hàng loạt các cuộc đàm phán các cấp, “cuối cùng”, 18 quốc gia chủ nợ của Hy Lạp, cùng với NHTW châu Âu và IMF đã cắt bỏ đàm phán với Hy Lạp sau khi Thủ tướng nước này kêu gọi tổ chức trưng cầu ý dân.

Ngay sau tuyên bố cắt bỏ đàm phán của các quốc gia chủ nợ, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã nhanh chóng lên tiếng kêu gọi các bên kiểm soát tình hình và tìm kiếm giải pháp hòa hợp với chính phủ Hy Lạp.

Tờ NYT cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và “đã thống nhất cần phải có những hành động khẩn cấp giúp Hy Lạp tái khởi động các nỗ lực cải tổ để không phải rời eurozone. Bà Merkel được kỳ vọng sẽ có tuyên bố vào sáng 29/6 (đầu giờ chiều giờ Việt Nam).

{keywords}
Đồng euro mất giá, nhiều nhà đầu tư bán tháo.

Trong khi đó, TGĐ IMF Christine Lagarde cũng đã dịu giọng, cho biết bà cam kết tiếp tục thúc đẩy và hỗ trợ đàm phán với chính quyền Hy Lạp. Theo đó, giải pháp cân bằng là cần thiết để giúp Hy Lạp ổn định kinh tế và tăng trưởng trở lại.

Thực tế cho thấy, tình hình nợ nần của Hy Lạp rất khó giải quyết. Với mức nợ lên tới 320 tỷ USD, gần gấp 3 lần GPD trong năm vừa qua, Hy Lạp đang ở trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc, nhất là khi mà mọi thứ dường như đang ngừng trệ ở nước này. Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 25% và lên tới 50% trong số người trẻ tuổi. Nền kinh tế rệu rã suốt trong 6 năm qua và chưa có tín hiệu sáng sủa nào khiến các quốc gia chủ nợ khu vực EU cũng đã rất mệt mỏi.

Sự sụp đổ của Hy Lạp có thể khiến đồng USD tăng mạnh so với euro, gây áp lực rất lớn tới xuất khẩu của nước Mỹ. EU đang là thị trường chính của nhiều tập đoàn đa quốc gia của Mỹ và đóng góp không nhỏ vào đà hồi phục kinh tế của Mỹ trong thời gian gần đây. Tổng thống Obama có lẽ không muốn mất đi đà tăng trưởng của mình và có lẽ cũng không muốn EU yếu đi và ngày càng xa với mục tiêu vực dậy nền kinh tế chung vốn đã rệu rã trong nhiều năm qua bên cạnh một nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin.

Nền kinh tế Hy Lạp khá nhỏ bé, chỉ chiếm khoảng 2% GDP eurozone nhưng hậu quả của việc quốc gia này bị loại ra khỏi khu vực là không hề nhỏ. Đây chính là cơ sở mong manh cuối cùng để giới đầu tư và đầu cơ kỳ vọng vào một sự giải cứu thần kỳ vào những phút cuối cùng.

Việc bơm thêm tiền cho Hy Lạp đối với EU không phải là vấn đề quá lớn. Tuy nhiên, mấu chốt có lẽ là ở chỗ, Hy Lạp sẽ hành động ra sao để thoát ra khỏi một cuộc khủng hoảng đã kéo dài nhiều năm qua.

Văn Minh