Khi các nhà đầu tư ngoại không ngừng “rót tiền” vào thị trường điện máy nội, nhiều DN Việt phải chuyển hướng bằng những cách thức kinh doanh khác nhau. Thị trường ngày một khó nhưng cũng chưa phải là hết cách nếu biết khai thác. Câu hỏi đặt ra là rồi cuộc chơi sẽ thuộc về tay ai?

Theo báo cáo mới đây nhất từ công ty nghiên cứu thị trường GFK, trong quý I/2015, người tiêu dùng Việt Nam đã chi 36 nghìn tỷ cho các sản phẩm điện máy, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường đầy tiềm năng chính là lý do cuộc đua tranh chiếc bánh thị phần đang ngày càng trở nên khốc liệt hơn.

Kinh doanh bán lẻ ngành điện máy đã từng là thời kỳ hoàng kim của các DN và các hộ kinh doanh trong nước, khi họ vẫn đang trong một sân chơi rộng rãi. Thế nhưng, khi WTO mở ra và với cơ chế gần như mở cửa hoàn toàn cho ngành bán lẻ, cuộc đua đã trở nên rất khác.

Đình đám xuất hiện, lặng lẽ ra đi

Cạnh tranh quyết liệt của thị trường dẫn đến hàng loạt các tên tuổi lớn đều đã ra đi. Một trong số đó phải kể đến TopCare, HomeOne hay Việt Long. Tháng 9/2013, hệ thống siêu thị điện máy HomeOne, thuộc quản lý của Công ty Cổ phần dịch vụ bán lẻ Tiên Phong đã chính thức rời sân chơi thị trường điện máy. HomeOne chết yểu chỉ sau 2 năm kinh doanh

Việt Long từng nổi lên là một trong những thương hiệu lớn bậc nhất tại thị trường Hà Nội bền bỉ 11 năm hoạt động cuối cùng đến năm 2013 cũng phải đóng cửa các điểm bán. TopCare ra đi khá lặng lẽ, sau 6 năm hoạt động, cũng bất ngờ đóng cửa, thậm chí còn bị siết nợ từ các đối tác.

Sự suy giảm của các doanh nghiệp nội địa là có thật, trong bức tranh ảm đạm của các DN nội, dường như khối ngoại đã nhanh chóng nắm bắt tình hình thừa thế tấn công.

Cuộc xâm lấn của khối ngoại

Mới đầu năm 2015, Nguyễn Kim bán 49% cổ phần cho một công ty con thuộc một tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan. Điều này đồng nghĩa, tập đoàn này chính thức mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ điện máy ở thị trường Việt Nam và bán lẻ điện máy lại tiếp tục bị các tập đoàn nước ngoài thâu tóm.

Trần Anh - một thương hiệu điện máy cũng được các tập đoàn bán lẻ đến từ Nhật Bản “để mắt” từ năm 2013. Mới đây nhất, một cổ đông ngoại của CTCP Điện máy Trần Anh đã chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu 3,7 triệu cổ phần cho một tập đoàn bán lẻ điện máy Nhật Bản.

Đầu năm 2014, đại diện một tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương của Nhật Bản cho biết sẽ có kế hoạch mở 20 trung tâm mua sắm tại Việt Nam đến năm 2020, với tổng vốn đầu tư cam kết lên tới 1,5 tỉ USD, trước khi chính thức đầu tư các trung tâm mua sắm tại Việt Nam.

Bước chân thần tốc của tân binh điện máy

Cuộc đào thải của thị trường giờ đây đã rõ, câu hỏi lúc này sẽ là, cuộc chơi trong ngành điện máy sẽ thuộc về tay ai?

Điện máy Xanh, một anh em của thegioididong.com thuộc Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động dù được coi là tân binh trên thị trường khi chỉ mới thành lập năm 2010 nhưng đã khiến cho giới chuyên gia và người tiêu dùng bất ngờ khi phát triển táo bạo với tốc độ mở rộng siêu thị mới khá nhanh.

Năm 2015 Điện máy Xanh hé lộ chiến lược phát triển thần tốc về cả quy mô, nhận diện thương hiệu và các hoạt động kinh doanh khiến không ít người bất ngờ. Chính thức đổi tên từ Hệ thống siêu thị điện máy dienmay.com sang Hệ thống siêu thị điện máy Xanh vào tháng 5/2015, Điện máy Xanh vừa thực hiện mở rộng tại miền Trung và đã sẵn sàng cho kế hoạch Bắc tiến vào quý IV/2015.

{keywords}

Điện Máy Xanh khai trương Đà Nẵng

Tính đến ngày 10/7, Điện máy Xanh sẽ có 31 siêu thị trên toàn quốc tại 19 tỉnh thành cùng với đội ngũ hơn 1300 nhân viên, vươn lên dẫn đầu là hệ thống bán lẻ điện máy có số lượng siêu thị nhiều nhất Việt Nam. Điện máy Xanh dự kiến sẽ vượt mốc 30 siêu thị vào đầu tháng 7/2015, trở thành chuỗi bán lẻ điện máy lớn nhất cả nước dù chỉ mới gia nhập thị trường 5 năm trong lĩnh vực bán lẻ điện máy.

{keywords}

Chia sẻ của một chuyên gia trong ngành, tiềm năng của thị trường này vẫn khá rộng nếu biết tấn công vào những ngõ hẹp. Nếu xét theo tiêu chí này, điện máy Xanh đang ồ ạt mở ra ở thị trường đô thị loại 2, tránh tấn công trực diện vào thị trường thành thị tại Hà Nội và TP.HCM vốn áp lực cạnh tranh đang vô cùng lớn, sức mua có thể coi là bão hòa đang là một hướng đi thông minh và kỳ vọng sẽ tạo nên một bứt phá mới trên thị trường.

Đình Hùng