Thắc mắc không biết hỏi ai đó là tình trạng chung không chỉ người mua nhà mà cả doanh nghiệp đang gặp phải bởi các quy định chi tiết về hai luật liên quan tới nhà đất và thị trường BĐS có hiệu lực thi hành. Theo các chuyên gia, trong thời gian chờ đợi, thị trường BĐS có nguy cơ dừng lại.

Đang nhăm nhe mua căn hộ tại dự án ở Hà Đông song anh Trần Minh Đức (nhân viên kinh doanh công ty ở quận Ba Đình, HN) đã quyết định dừng xuống tiền ở thời điểm này.

Theo anh Đức, từ đầu năm anh đã tìm hiểu tại nhiều dự án nhưng không vội mua vì chờ tới tận 1/7 khi yêu cầu các chủ đầu tư buộc phải có bảo lãnh ngân hàng có hiệu lực. “Mấy ngày nay tôi đang theo dõi báo chí, để xem quy định cụ thể thế nào rồi mới quyết định mua nhà”, anh cho hay.

Nhiều người mua nhà như anh Đức đang có tâm lý chờ quy định bảo lãnh ngân hàng đối với các dự án rồi mới quyết định “mở két”. Khảo sát tại nhiều dự án, tình trạng khách hàng ngưng quyết định mua nhà thời điểm này đang diễn ra. 

Anh Hải, nhân viên môi giới của một sàn ở Trung Hòa Nhân Chính cho hay: “Người mua không ai mong muốn thiệt hại về mình chính vì thế trong tháng 6 vừa qua lượng khách hàng giao dịch giảm hẳn do tâm lý dè dặt của người mua”. 

Theo anh Hải, trong thời gian doanh nghiệp chờ hướng dẫn để có được bảo lãnh, chắc chắn mọi giao dịch sẽ ngừng hẳn. Có chủ đầu tư đã nhanh nhạy bằng cách cho khách hàng ký giữ chỗ để khi nghị định được thông qua sẽ được ưu tiên mua nhà.

{keywords}
Hoạt động kinh doanh BĐS có thể bị gián đoạn

Trong khi đó, bà Hoài An, đại diện của CBRE VN chia sẻ, rất nhiều khách hàng là người nước ngoài của đơn vị này đang có nhu cầu mua nhà ở Việt Nam song họ cũng đang có tâm lý nghe ngóng vào chờ đợi. Rất nhiều thắc mắc của người nước ngoài như quy định về mua, bán các loại sản phẩm nhà đất, thuế và điều kiện cho thuê lại, muốn bán, chuyển nhượng lại tài sản,… đã được gửi tới đơn vị tư vấn.

Theo bà An, hàng loạt các câu hỏi của người nước ngoài đặt ra cho đơn vị tư vấn này về quy định mua nhà đối với người nước ngoài thế nào đã được gửi tới đơn vị tư vấn, song CBRE VN vẫn đang để ngỏ bởi chưa có thông tin hướng dẫn cụ thể của việc này. 

Ông Vũ Quốc Hiệp, Công ty GP Invest, cho biết ông và các chủ đầu tư khác cũng đang chờ hướng dẫn cụ thể về quy định cấp bảo lãnh bán, cho thuê mua nhà ở mới. Theo ông Hiệp, bảo lãnh ngân hàng sẽ là “rào bảo vệ thứ 2” cho người mua nhà, bên cạnh các cam kết ràng buộc trong hợp đồng mua bán. Nhưng, hiện quy định về điều kiện cấp bảo lãnh dưới dạng tín chấp hay thế chấp, mức phí bảo lãnh là chưa rõ ràng. 

Nóng ruột chờ hướng dẫn

Cho tới thời điểm này, các thông tư hướng dẫn cụ thể vẫn chưa chính thức được ban hành, riêng chỉ có thông tư số 07 của Ngân hàng Nhà nước vào được ban hành mới đây, trong khi đó phần lớn các quy định đều do phía Bộ Xây dựng hướng dẫn. Tại một cuộc gặp gỡ doanh nghiệp cách đây không lâu, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Bộ này dự kiến sẽ có 5 Nghị định đang chuẩn bị trình Chính phủ ký và ban hành vào giữa tháng 7 này.

Với sự chậm trễ kể trên, nhiều chủ đầu tư cho biết, có thể vuột mất cơ hội thu hút đầu tư từ nguồn vốn ngoại. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra sốt ruột, vì sự chậm trễ này, bởi có thể cơ hội từ thị trường sẽ dần trôi qua. 

“Có nhiều yếu tố hiện tại còn đang chưa biết chính vì thế chủ đầu tư có lên kế hoạch bán nhà cho người nước ngoài đang để trống nhiều điều khoản, phải chờ tới khi có thông tư hướng dẫn họ mới có thêm thông tin đưa ra chính sách cụ thể cho nhà đầu tư nước ngoài” đại diện CBRE cho hay.

Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô cho biết, 65% khách hàng đến thuê nhà của giai đoạn trước là người nước ngoài và trong số đó có nhiều người muốn đầu tư vào dự án. Doanh nghiệp này cũng đang khá nóng ruột chờ đợi luật có hiệu lực.

{keywords}
BĐS chờ cú hích của luật

Theo đánh giá của CBRE, sẽ không có những tác động tức thì. Nhà đầu tư nước ngoài luôn theo dõi thị trường một cách cẩn thận. Người mua nước ngoài sẽ quan sát và tiến hành giao dịch chỉ khi thị trường thực sự hồi phục. Động thái “chờ-và-xem” sẽ phổ biến trước khi có một quyết định mua bán cụ thể nào.  

Còn luật sư Trương Thanh Đức, chủ tịch Công ty luật Basico cho rằng, đây là một khoảng trống của luật khi luật mới đã có hiệu lực nhưng chưa có thông tư hướng dẫn, trong khi đó luật cũ thì không áp dụng được. Đối với các doanh nghiệp có thể xảy ra hai trường hợp, một là doanh nghiệp sẽ ngừng mọi hoạt động giao dịch để chờ luật mới, còn lại có doanh nghiệp sẽ áp dụng theo luật cũ. 

Ông Đức kiến nghị, sắp tới các cơ quan chức năng cần ban hành các luật rõ rằng hơn để không còn phải mất nhiều thời gian chờ đợi.

Duy Anh

Thương lái Trung Quốc ngừng mua, vải thiều rớt giá thê thảm