Nhiều tài khoản facebook đang phải nhận bão tin nhắn lừa đảo với nội dung như làm giàu nhàn tênh được tiền tỷ/tháng chỉ với những cái click, phần mềm làm giàu tự động... Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, người kinh doanh dễ mất thương hiệu với những phần mềm thiếu chuẩn này.
Đánh vào lòng tham
Hiện có rất nhiều nick name đang rao bán phần mềm kinh doanh online được quảng cáo là “bán hàng online nhẹ tênh với phần mềm Super share; phần mềm Super inbox, trả lời tự động trên facebook, quản lý fanpage chuyên nghiệp… với những mỹ từ quảng cáo khá hấp dẫn như: Bỏ ra số tiền không nhiều để mang lại lợi nhuận lâu dài; Phần mềm tự động mang tiền về cho bạn… Giá của gói 4 loại phần mềm này đang có khuyến mại hót là hơn 3 triệu đồng/2 năm được cho là “cơ hội có một không hai”…
Chị Nguyễn Thị Ân, kinh doanh quần áo thời trang AT trên mạng chia sẻ: “Tôi mua phần mềm kinh doanh online, thực hiện cài đặt theo hướng dẫn nhưng không khả dụng. Muốn lấy lại tiền thì người bán nói phải chờ tổng công ty kiểm tra rồi trả lại nhưng đã hơn 2 tháng nay vẫn dài cổ đợi”.
Một chiêu thức bán kinh doanh online khác cũng đang được gửi đến nhiều tài khoản là: “Lớp dạy kinh doanh Shop online hút khách nhất hiện nay. Bạn sẽ tăng thu nhập thụ động chỉ vài cái click chuột. Tạo nhiều tài khoản facebook 5.000 friends mà không bị chặn. Biến laptop và smartphone thành con robot tự tiếp cận chăm sóc khách hàng 24/7. Tiếp cận tự động 100.000 khách hàng mỗi ngày… Chỉ với 300.000 đồng, đăng ký nhanh số lượng có hạn”.
Tin nhắn quảng cáo siêu dự án làm 2-3 giờ/ngày, thu nhập “khủng”. |
Thậm chí, có nick name còn đưa ra những món lời cực khủng để làm lóa mắt những người nhẹ dạ: “Siêu dự án MLM kinh doanh thông minh số một Việt Nam. Bạn là người có tham vọng xây dựng cho mình một thu nhập nhiều người mơ ước từ 10.000- 100.000 USD/tháng. Tôi đã có dự án và giải pháp cho bạn kinh doanh thành công… Bạn có thể làm việc ở bất cứ đâu, chỉ cần làm thật nghiêm túc mỗi ngày 2-3 giờ + làm việc từ 2-3 năm. Trong khi, bạn chỉ cần bỏ ra 700.000 đồng ban đầu để mở mang tri thức… tham gia dự án”.
Dễ mất thương hiệu vì phần mềm bán hàng rởm
Theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), trong Thông tư 11của Bộ này đã quy định hoạt động khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động các nhà mạng chỉ được áp dụng mức khuyến mại trị giá 50% mệnh giá nạp thẻ. Vì vậy, không có chuyện cả ba nhà mạng áp dụng khuyến mại 1 gấp 10 lần trị giá thực cộng vào tải khoản gốc (200.000 đồng thành 2 triệu đồng) như nội dung tin nhắn gửi đến các facebook.
Với hình thức rao bán phần mềm, công nghệ kinh doanh bán hàng trên mạng, chị Đinh Thị Lan Hương, một chuyên gia tiếp thị số, Công ty tiếp thị số Emus VN cho rằng: “Kiểu tiếp thị phần mềm kinh doanh qua mạng này đã rất nhiều người “dính” bẫy mua sử dụng để mong được nhàn thân, kinh doanh lại phát triển. Thực tế thì nhiều người mất tiền ngay từ ban đầu, nạp tiền vào tài khoản rồi chủ tài khoản biến mất hoặc mua được, sử dụng thì bị mất khách hàng”.
“Với những người không nhiều kinh nghiệm về truyền thông mạng xã hội, họ dễ bị các khóa học kém chất lượng chỉ dẫn sai hướng về tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing) và truyền thông mạng xã hội (social media), hoặc từ những công ty cung cấp dịch vụ truyền thông kỹ thuật số. Chỉ khác về hình thức, tin nhắn quảng cáo vào hộp thư facebook cũng tạo phản ứng ngược như tin nhắn rác gửi vào điện thoại di động", Chị Hương chia sẻ.
Phản ứng ngược mà chị Lan Hương nhắc đến là kết quả không mong muốn cho những công ty hay thương hiệu dùng sai phương cách tiếp cận người dùng đại trà thay vì nhóm khách hàng tiềm năng có nhu cầu. Nhiều khách hàng thân trung sau khi nhận được những tin nhắn kiểu đại trà thiếu trách nhiệm đã rời bỏ thương hiệu, sản phẩm mình đã dùng quen thuộc.
Vì vậy, khi nhận những tin nhắn lạ, mỗi người cần cảnh giác, nhất là đối với những tin nhắn đề nghị cung cấp số tài khoản, điền dãy số thẻ cào điện thoại, nạp tiền… để tránh tình trạng mất tiền mua ấm ức.
Tuyệt chiêu trị tin nhắn quảng cáo, lừa đảo trên facebook Ngay sau khi nhận được những tin nhắn quảng cáo, nghi ngờ lừa đảo trên facebook, chủ nhân các Facebook hãy thông báo (Report) đến đội ngũ quản trị cộng đồng của Facebook xem xét và khóa (Block) tài khoản quảng cáo đó, ngăn không cho tiếp cận với tài khoản của mình. Lưu ý, điều này cần phải thực hiện ngay vì hiện nhiều nick name gửi tin nhắn lừa đảo đã cảnh giác trước điều này. Ngay sau vài giờ đồng hồ không nhận được tín hiệu trả lời từ các thư gửi đi, chúng sẽ vào xóa các thư đã gửi để đề phòng bị khoá tài khoản. Mua 1 được 10 Một chiêu lừa quá cũ với cư dân mạng thời gian gần đây cũng liên tục được gửi vào mục tin nhắn facebook của nhiều người như: “Nhanh tay nào, trong 3 ngày các nhà Mobifone, Vinaphone, Viettel đồng loạt tổ chức CTKM nạp thẻ cộng x10 giá trị vào tài khoản gốc tại website: Nhanh2015 .Com nạp tiền nhé. Khi nạp 200.000 đồng sẽ được cộng 2 triệu đồng vào tài khoản gốc. Lúc đầu, đứa bạn chỉ cho mình không tin lắm, bắt nó cam kết nếu không được phải trả lại tiền cho mình , nó đồng ý , mình mua ngay cái thẻ 200.000 đồng và nạp, 2 phút sau, mình kiểm tra có ngay 2 triệu đồng. Định mua cái 500.000 đồng nạp tiếp nhưng khi vào website mới biết mỗi số chỉ được nạp một lần, tiếc thật”. Không ít người nhẹ dạ tin đã mua thẻ cào, gõ mã số thẻ vào Nhanh 2015. com và trị giá của thẻ nạp biến mất khi bấm dãy số đó vào điện thoại. Điều đáng nói những thông tin này liên tục được gửi đến và khi nào cũng là câu: “Đây là cơ hội hiếm nên các bạn nạp ngay hôm nay đi, kẻo nhà mạng sẽ kết thúc, mà mỗi sim chỉ được nạp một lần, mình khuyên các bạn nên nạp cái thẻ 200.000 đồng - 500.000 đồng để dùng dần”. Hay “Chương trình tri ân khách hàng nhân kỷ niệm 50 năm”; “Chương trình khuyến mãi có một không ai”; “Cơ hội duy nhất kiếm tiền tỷ trong năm”… |
(Theo Gia đình & Xã hội)