- Nhiều điều dường như không thể đã được ông Trầm Bê thực hiện một cách âm thầm. Đại gia Trầm Bê đang đi những bước cuối trong lộ trình thâu tóm Sacombank để làm chủ ngân hàng lớn hàng đầu Việt Nam.

Những bước cuối cùng trong ván cờ

Cuối cùng, đề án sáp nhập SouthernBank (PNB) vào Sacombank (STB) cũng được công bố sau những bước đi toan tính và dài hơi của đại gia Trầm Bê.

Sau hơn một năm chờ đợi và 3 năm tấn công trước đó, kế hoạch đầy tranh cãi tại ĐHCĐ của 2 NH này cũng đã được thông qua. Tỷ giá hoán đổi cổ phiếu 1 : 0,75, tức 1 cổ phiếu của Southern Bank sẽ hoán đổi thành 0,75 cổ phiếu của Sacombank, cũng thành hiện thực.

Ngày 11/7 tới đây, tại ĐHCD bất thường, Sacombank sẽ công bố việc thông qua giao dịch sáp nhập SouthernBank vào Sacombank; phương án phát hành cổ phiếu hoán đổi, niêm yết bổ sung; dự thảo hợp đồng sáp nhập; dự thảo điều lệ NH sáp nhập…

NH sau sáp nhập sẽ có quy mô thuộc tốp 5 NH cổ phần lớn nhất Việt Nam, với vốn điều lệ gần 19 ngàn tỷ đồng, tổng tài sản trên 290 ngàn tỷ đồng, mạng lưới 567 điểm giao dịch cả ở Campuchia, Lào. Tổng số nhân sự sẽ là phép cộng của hơn 12,6 ngàn người của STB và hơn 2,9 ngàn người của PNB.

{keywords}

Đại gia Trầm Bê đang đi những bước cuối trong lộ trình thâu tóm Sacombank để làm chủ ngân hàng lớn hàng đầu Việt Nam.

Như vậy, sau khoảng 4 năm, từ vị thế cổ đông lớn của một NH thường thường bậc trung ở khu vực phía Nam - Southern Bank, ông Trầm Bê đã trở thành ông chủ của một NH hàng đầu tại Việt Nam. Ông hiện là phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank. Con trai Trầm Khải Hòa là thành viên HĐQT. Bà Dương Hoàng Quỳnh Như và ông Phan Huy Khang là những người đến từ SouthernBank cũng đang nắm giữ vị trí thành viên HĐQT và TGĐ Sacombank.

Không những thế, sau khi sáp nhập Southern Bank vào, nhóm cổ đông do đại gia Trầm Bê đứng đầu sẽ nắm chắc vị trí cổ đông lớn tại NH sau sáp nhập và chắc suất trong HĐQT của NH mới này.

Ông Kiều Hữu Dũng hiện là Chủ tịch Sacombank nhưng tính tới cuối 2014 không nắm giữ một cổ phiếu nào. Trong khi ông Trầm Bê nắm giữ hơn 1,8 triệu cổ phiếu, con trai Trầm Trọng Ngân 54,7 triệu (4,4%), con trai Trầm Khải Hòa hơn 24 triệu, con gái Trầm Thuyết Kiều gần 3,6 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ nắm giữ của gia đình ông Trầm Bê tại SouthernBank thậm chí còn lớn hơn.

Với nước cờ sáp nhập gặp thời này, ông Trầm Bê đã cùng lúc đạt được nhiều mục đích.

Hành trình trở thành ông trùm

Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2015, ngày 21/4, ông Trầm Bê đã cố gắng trấn an các cổ đông Sacombank vốn lo lắng về quyền lợi sau khi sáp nhập SouthernBank vào. Theo ông Bê, việc sáp nhập có thể khiến cổ đông STB lo lắng nhưng cuộc sáp nhập này có được có mất.

{keywords}

Giờ đây, ông Trầm Bê đã có vị thế vững chắc trong ngành tài chính NH, củng cố thế kiềng kinh doanh 3 chân của mình.

Cái mất không được doanh nhân này nêu ra, nhưng nhiều cổ đông đã đề cập là cổ phiếu SouthernBank trên thị trường OTC ở mức khá thấp, mà theo một số cổ đông chỉ khoảng 5.000 đồng/cp, trong khi đó STB trên TTCK ở mức khoảng 18.000 đồng/cp.

Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu khi đó chưa được Sacombank công bố trong tờ trình ĐHCĐ thường niên. Tuy nhiên, trong ĐHCĐ 2015 của SouthernBank ông Trầm Bê đã tiết lộ tỷ lệ 1 : 0,75 nói trên, đồng thời cho biết, việc sáp nhập sẽ được thực hiện trong năm 2015.

Tại cả hai ĐHCĐ 2014 của Sacombank và SouthernBank, cho dù có khá nhiều sự phản đối và bức xúc nhưng tỷ lệ biểu quyết đồng ý sáp nhập vẫn áp đảo và thời gian thực hiện được ấn định ngay trong năm 2014.

So với kế hoạch, ván cờ 3 năm “luộc” xong Sacombank đã bị chậm mất một năm. Tuy nhiên, đây được coi là một thành công lớn của vị doanh nhân kín tiếng này. Đi lên từ lĩnh vực nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, giờ đây, ông Trầm Bê đã có vị thế vững chắc trong ngành tài chính NH, củng cố thế kiềng kinh doanh 3 chân của mình.

Trên thực tế, việc sáp nhập các NH với nhau, nhất là các NH yếu kém vào các NH khỏe mạnh hơn là nhu cầu thực tế và cũng là định hướng của NHNN, chủ trương của Chính phủ nhằm lành mạnh hóa hoạt động của hệ thống NH.

Trong vài năm qua, hàng loạt các NH đã sáp nhập và có kế hoạch sáp nhập với nhau như: Habubank-SHB, MHB-BIDV, PGBank-CTG, DaiABank-HDBank… Một số cặp sáp nhập đã cho kết quả tốt như Habubank-SHB.

Việc sáp nhập giúp các NH nâng cao quy mô, gia tăng khả năng cạnh tranh, tối ưu hóa nguồn vốn, mạng lưới hoạt động… Tuy nhiên, trong quá trình tái cơ cấu này, những cuộc M&A như vậy cũng không thể luôn đảm bảo quyền lợi công bằng cho tất cả các bên, các cổ đông.

Vì cục diện chung, có những bên phải chấp nhận thua thiệt, được cái này mất cái kia. Và tất nhiên, trong những vụ mua bán sáp nhập như vậy, những người cầm trịch cuộc chơi sẽ luôn có những phương án có lợi cho mình.

Sacombank là một NHTMCP hàng đầu tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Đây là NH được ông Đặng Văn Thành lập ra cách đây hơn 20 năm. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tại Sacombank bắt đầu từ cuối năm 2011 đã khiến NH này lao đao. Gần như toàn bộ dàn lãnh đạo của NH này sau đó đã được thay thế sau một cuộc tấn công từ một nhóm cổ đông bí ẩn do Eximbank đại diện.

Cả Chủ tịch Đặng Văn Thành, Phó Chủ tịch Đặng Hồng Anh (con trai ông Thành) và các thành viên khác đều đã ra đi. Thay vào đó, HĐQT mới có các thành viên từ Phương Nam, gồm: ông Trầm Bê, ông Trầm Khải Hòa (con ông Trầm Bê), ông Phan Huy Khang và bà Dương Hoàng Quỳnh Như.

Từ một NH chiếu dưới, nợ xấu lớn, giờ đây PNB đã gần như ngang hàng với STB. Cú sáp nhập sắp tới đây sẽ giúp PNB của ông Trầm Bê trút được gánh nặng nợ và vươn lên vị thế ông chủ NH hàng đầu.

Mạnh Hà