- Quyết định mở rộng bán vốn cổ phần trên thị trường chứng khoán (TTCK) cho các nhà đầu tư nước ngoài lần này liệu có thành công rực rỡ?

3 năm cho một nỗ lực

Cuối cùng, sau 3 năm chờ đợi, các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đã chính thức được phép tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần có quyền biểu quyết tại các công ty đại chúng Việt Nam trong một số ngành công nghiệp từ mức 49% hiện nay lên 100%.

Nghị định 60/NĐ-CP bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP đã chính thức được ký cho phép NĐT nước ngoài được sở hữu không hạn chế tại những công ty đại chúng không thuộc diện kinh doanh có điều kiện. Nghị định có hiệu lực từ 1/9 và được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên TTCK.

Danh sách chi tiết các ngành thuộc và không thuộc diện hạn chế đang chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành. Các DN thuộc diện kinh doanh có điều kiện tiếp tục duy trì mức 49% và ngân hàng ở mức 30%.

Sau khi có thông tin này, chứng khoán đã hưng phấn với nhiều cổ phiếu “kín room” tăng mạnh. Tuy nhiên, sau khi vượt mốc 600 điểm thì không có một diễn biến bùng nổ nào đáng kể. Như vậy, dù TTCK đã có những chuyển động tích cực nhưng không được như kỳ vọng của nhiều NĐT. Phản ứng chậm chạp và có phần thận trọng của thị trường được giải thích do nhóm cổ phiếu NH - vốn tăng mạnh và dẫn dắt thị trường trong thời gian gần.

{keywords}

sau 3 năm chờ đợi, các nhà đầu tư nước ngoài đã chính thức được phép tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần có quyền biểu quyết tại các công ty đại chúng Việt Nam.

Diễn biến thị trường chưa như mong đợi nhưng trên nhiều diễn đàn, kỳ vọng về một đợt tăng điểm dài hạn vẫn khá lớn. Không ít NĐT tỏ ra phấn khích về khả năng dòng vốn nước ngoài sẽ đổ vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Trương Văn Tùng, một NĐT tại FPTS cho rằng, bán chứng khoán, nhất là các cổ phiếu blue-chips vào thời điểm này là sai lầm. Việc nới room cho khối ngoại là điều các NĐT nước ngoài rất quan tâm với hàng loạt các trang tài chính lớn trên thế giới đưa tin thông tin nới room của Việt Nam như một sự kiện quan trọng.

Nhiều người cho rằng, đây là cơ hội lịch sử cho các NĐT chứng khoán bởi TTCK nói riêng, nền kinh tế nói chung đang đứng trước nhiều vận hội lớn. Nền kinh tế đang hội nhập rất mạnh mẽ và sắp đón Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). TTCK mở room thông thoáng, nhiều chính sách cởi mở như rút thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2, cho phép giao dịch T0, sản phẩm phái sinh… Đầu tháng 7, UBCKNN cũng sẽ xúc tiến tổ chức một hội nghị tiếp thị vốn Mỹ vào TTCK Việt Nam.

Vẫn còn lo lắng

Theo nhận định trên tờ Reuters, mở room là một bước tiến mạnh mẽ trong quá trình cải cách nền kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua với mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân. Nỗ lực này sẽ được cộng hưởng nhờ các hiệp định tự do thương mại TTP, EEU…

{keywords}

Quyết định mở rộng bán vốn cổ phần trên thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư nước ngoài lần này liệu có thành công rực rỡ?

Đại diện VinaCapital chia sẻ, NĐT nước ngoài đã rất quan tâm đến TTCK Việt Nam nhưng trong suốt thời gian dài vừa qua họ đã bị bó buộc trong những tỷ lệ hạn chế. “Mọi người đang mong chờ điều này và đây là thời điểm tốt với mọi việc đang diễn ra suôn sẻ tại Việt Nam”.

Tờ Bloomberg thì cho rằng, quyết định nới room sẽ giúp Việt Nam hút thêm vốn ngoại vào TTCK và có thể sẽ giúp TTCK nâng tầm trở thành thị trường mới nổi, thay vì ngoại biên như hiện nay. Các cổ phiếu Việt Nam có cơ hội được gia nhập rổ chỉ số MSCI Emeging Markets.

Nhiều CTCK cũng đã dự báo về một cuộc chạy đua mua cổ phiếu blue-chips trên TTCK. Và trên thực tế, ngày 29/6, khối ngoại đã có phiên mua ròng thứ 25 liên tiếp trên Sở GDCK Hà Nội (HNX). Trên cả 2 sàn, ngày 29/6, khối ngoại mua ròng tổng cộng 343 tỷ đồng. Tính từ đầu năm tới nay, NĐT ngoại đã bỏ hơn 130 triệu USD vào TTCK Việt Nam và hướng tới năm thứ 9 mua ròng liên tiếp.

Mặc dù vậy, ở chiều ngược lại, vẫn còn nhiều sự nghi ngờ. Theo đó, nghị định này sẽ giúp TTCK thuộc nhóm mở nhất trong khu vực, ngang với Indonesia. Thái Lan vẫn khống chế ở mức 49% và Philippines 40%. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tế như nào vẫn là một câu hỏi đang chờ giải đáp trong các tháng sắp tới.

Danh sách các ngành hạn chế có thể thu hẹp danh mục đầu tư đối với các NĐT nước ngoài.

Theo thống kê của VNDirect, hiện chỉ có khoảng 30 công ty có sở hữu hết mức giới hạn 49%. Trong đó, có nhiều công ty nằm trong diện Nhà nước ưu tiên nắm giữ (như VNM, DHG). Nhiều cổ phiếu thuộc diện có thể hút thêm vốn ngoại cũng đã có giá khá cao.

Tâm lý háo hức chờ đợi của NĐT là tất yếu. Tuy nhiên, TTCK không phải bao giờ cũng phản ứng tích cực khi chính sách tốt được đưa ra, nhất là khi quá trình mở room đã được nói đên từ lâu và kỳ vọng đã được thổi bùng trong rất nhiều lần như thế.

Trong năm 2013, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 20% cũng một phần nhờ kỳ vọng về việc nới room ngoại. Chỉ số này cũng đã tăng thêm 12% trong năm 2014 cũng có đóng góp của kế hoạch nới room.

Một vấn đề khác nữa là, ngoại trừ vài chục cổ phiếu lớn, TTCK tập trung sau 15 năm phát triển vẫn khá hỗn độn với rất nhiều DN làm ăn không đàng hoàng, công bố thông tin không minh bạch, gây hoang mang và tan nát túi tiền của các NĐT như gần đây là: KSS, JVC, OGC…

Hầu hết các nhận định trên các phương tiện đại chúng nước ngoài đều đánh giá cao quyết định mở room. Tuy nhiên, việc dòng vốn ngoại sẽ vào nhiều hay ít vẫn chưa thể xác định được. Hiện tại, trên TTCK tập trung, các NĐT nước ngoài mới chỉ thực sự quan tâm khoảng 5% các cổ phiếu trên sàn.

M.Hà