Lãnh đạo Bộ GTVT đã nhận được nhiều phản ánh của hành khách về việc phải mua vé máy bay giờ chót, giá cao. Nhiều nghi vấn đã được đặt ra xung quanh khả năng có tiêu cực trong việc bán vé máy bay giờ chót.

Lừa đảo, bắt chẹt

Tại một cuộc họp về hàng không diễn ra gần đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thông tin, việc bán vé máy bay giờ chót, giá cao của hàng không đang khiến người dân bức xúc. Nhiều người cho rằng, nhân viên hàng không “bắt chẹt” hành khách đang ở thế bí, phải mua vé giờ chót giá cao. Hầu hết những người phải mua vé máy bay giờ chót là những người có việc khẩn, việc gấp cần di chuyển. “Mới đây, trong một chuyến công tác tại Quảng Bình, nhân viên của Bộ GTVT cũng không mua được vé máy bay. Lý do là chuyến bay đã hết chỗ. Sau khi can thiệp mới mua được vé và khi lên máy bay thì vẫn còn trống 12 ghế”, ông Đinh La Thăng cho hay.

{keywords}

Việc cho phép bán vé vượt quá số ghế của chuyến bay đã làm nảy sinh tiêu cực

Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, chính sách cho phép đặt chỗ vượt quá số lượng ghế cung cấp của tàu bay (overbook) là nghiệp vụ bình thường của tất cả hãng hàng không. Tại Việt Nam, hiện có Vietnam Airlines áp dụng hình thức này. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Hàng không nhìn nhận, tỷ lệ hành khách có chỗ mà không đi máy bay khá phổ biến nên các hãng áp dụng overbook tùy thuộc vào chuyến bay. Việc này dẫn đến tình trạng, khi đặt vé thì hệ thống báo hết, nhưng khi lên máy bay thì vẫn còn chỗ trống. Do đó, hãng đã bán vé giờ chót.

“Đã có nhân viên bán vé giờ chót chèn ép khách để mưu lợi cá nhân. Một số đại lý bán vé giờ chót có hiện tượng lừa đảo, bán xong lại hoàn vé, khi lên sân bay khách mới biết chỗ bị hủy. Đây thường là các đại lý cấp 3, không được các hãng hàng không chỉ định. Các đại lý có quyền thu phí dịch vụ song vẫn có đại lý lấy giá dịch vụ quá cao”, ông Lại Xuân Thanh thừa nhận.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không Việt Nam đều đang sử dụng hệ thống thương mại điện tử hiện đại để phân phối vé máy bay. Bên cạnh đó, các hãng đều áp dụng các chính sách phân phối công khai, minh bạch, tuyên truyền, quảng bá rộng rãi để hành khách có thể tiếp cận mua vé trực tuyến hoặc tại các phòng vé, hệ thống đại lý bán vé trên toàn quốc. Nếu chuyến bay còn chỗ thì hành khách có thể mua vé qua tất cả các kênh bán cho đến trước giờ bay 3 giờ (đối với các chuyến bay nội địa), từ 4-6 giờ (đối với các chuyến bay quốc tế). Trong vòng 3 giờ trước giờ bay, hành khách vẫn có thể mua vé tại các phòng vé ở sân bay.

Phải công khai số ghế còn trống

Thống kê của Cục Hàng không cho thấy, tại Việt Nam, hiện có 51 hãng hàng không khai thác thị trường quốc tế và 4 hãng hàng không khai thác thị trường nội địa. Cạnh tranh trên thị trường diễn ra rất mạnh, đặc biệt là thị trường nội địa. Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định: “Các hãng hàng không không thể áp dụng chính sách giữ lại chỗ để bán vé giờ chót với giá cao vì điều này rất rủi ro, gây lãng phí cho chính hãng hàng không, hành khách và xã hội”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu các hãng hàng không phải công khai số ghế còn trống trên mỗi chuyến bay tại các bảng thông báo ở sân bay để người dân biết và tránh tình trạng nhân viên “bắt chẹt” khách. Về vấn đề này, theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường, tại các cảng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất, Vietnam Airlines, Vasco có hiển thị thông tin về số ghế còn trống của các chuyến bay sắp cất cánh trong ngày trên màn hình lớn, bố trí ở vị trí dễ thấy tại quầy vé sân bay.

Hiện Jetstar Pacific đang xây dựng và xúc tiến việc lắp đặt thiết bị hiển thị thông tin tại các cảng hàng không, dự kiến hoàn thành trước 15-7. Vietjet Air dự kiến từ tháng 8 tới đây sẽ cho hiển thị thông tin về tình trạng chỗ của các chuyến bay tại màn hình lớn lắp đặt ở các phòng vé sân bay. “Các hãng hàng không sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới và hoàn thiện việc bán vé để hành khách biết thông tin, mua vé, hạn chế tình trạng một số đối tượng lợi dụng lừa đảo, bán vé giá cao nhằm trục lợi bất chính”, ông Võ Huy Cường cho hay.

(Theo ANTĐ)