Ngày 25/6/2015, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 6351/BCT-VP về việc cán bộ công chức ngành Công Thương không sử dụng thuốc lá ngoại nhập lậu.

Với chủ trương này, ngành công thương đã là đơn vị đầu tiên trong cả nước tiên phong, đi đầu thực hiện quyết tâm đẩy lùi thuốc lá lậu của Chính phủ bằng nỗ lực của toàn thể cán bộ công chức trong ngành.

Theo nội dung Công văn, thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá và Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 24/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn buôn bán vận chuyển, tàng trữ thuốc lá nhập lậu, Bộ Công Thương yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị: Chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị mình không sử dụng thuốc lá ngoại nhập lậu.

{keywords}
Bắt thuốc lá lậu

Bộ Công thương cho rằng việc hút thuốc lá lậu là hành vi tiếp tay cho buôn lậu và trốn thuế; đồng thời chỉ đạo các đơn vị thường xuyên đôn đốc, kiểm tra trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó Thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đơn vị mình không tiếp tay cho việc kinh doanh và hút thuốc lá ngoại nhập lậu.

Hiện nay, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và mặt hàng thuốc lá nói riêng vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho phát triển kinh tế - xã hội và sản xuất trong nước, làm giảm tốc độ tăng trưởng, thất thu ngân sách và ảnh hưởng tới đời sống, việc làm của người lao động. Tình trạng thuốc lá ngoại nhập lậu vẫn được bầy bán công khai ở nhiều nơi ở các địa phương trên cả nước và gia tăng về chủng loại với hàm lượng tar, nicotine vượt mức cho phép nhiều lần làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân.

Số thuốc lá nhập lậu năm 2013 là 21,9 tỷ điếu, chiếm 20,7% thị phần; Năm 2014, thời điểm khi chưa có Chỉ thị 30, thuốc lá lậu tăng lên 30-40%. Thuốc lá lậu xuất hiện lan tràn ở hầu hết các tỉnh trên phạm vi toàn quốc, và gia tăng về số lượng và chủng loại. Trước đây thuốc lá lậu chủ yếu là HERO, JET (giá khoảng 14.000-18.000đ) thời gian qua đã xuất hiện nhiều loại thuốc lá lậu giá rẻ, chất lượng kém như: League, Luxury, Cambo, Ram, Rainson (giá từ 2.700 đồng – 4.000 đồng/bao), Mine, Gem (4.000đ), Golden Deer (5.000đ), Elephant (5.500đ)….

Theo điều tra của Oxford Economics 2014, Việt Nam đã trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu trong số 14 quốc gia Châu Á được khảo sát (bao gồm: Indonesia, Thailand, Cambodia, Taiwan, Laos, Australia, Philippines, Singapore, Viet Nam, Myanmar, Pakistan, Hong Kong, Malaysia, Brunei).

Thuốc lá nhập lậu không phải in cảnh báo sức khỏe, không bị kiểm soát về hàm lượng Tar, Nicotine nên gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo kết quả phân tích của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá thì trong thuốc lá lậu có một số độc tố cấm sử dụng. Hàm lượng Tar, Nicotine đều cao hơn mức thông thường, vượt ngưỡng cho phép của Bộ Y tế Việt Nam, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng như: ngộ độc, ung thư, thậm chí có thể gây tử vong khi sử dụng.

Đây là một chủ trương hết sức kịp thời của Bộ Công thương và thiết nghĩ nếu các bộ ngành trong cả nước, toàn quân, toàn dân cùng quyết tâm nói không với thuốc lá lậu thì chắc chắn chúng ta sẽ đẩy lùi được vấn nạn này, đưa Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ đi vào cuộc sống.

Thuốc lá lậu gây thất thu ngân sách hàng năm trên 9.000 tỷ đồng

Mất sản lượng nguyên liệu : 18.000 tấn/năm (tương đương diện tích trồng là 10.000 hecta).

Mất việc làm của nông dân : 5 triệu công lao động không có việc làm/ năm

Mất việc làm của công nhân : 600.000 công lao động/năm.

Kỳ Duyên