"Sau 5 năm sống ở Việt Nam, tôi hình thành lối suy nghĩ khá tiêu cực khi gặp người nào bán giá đúng cho người nước ngoài", Jesse Peterson, giáo viên tiếng Anh người Canada chia sẻ.

Sợ khi được bán đúng giá

Trong một lần mới đến một đất nước nọ, tôi nhớ có một người chạy xe rất tốt bụng, ông ấy giúp đỡ tôi rất nhiều. Kèm theo một nụ cười thân thiện, ông ấy cho tôi một mức giá hợp lý, khoảng 20.000 đồng, khi tôi muốn đi từ khách sạn đến đại sứ quán. Ban đầu, tôi cảm thấy nghi ngờ vì đây là một mức giá khá rẻ. Trong khi chờ lấy visa, tôi ngồi ở một quán cà phê gần đại sứ quán. Một lúc sau, ông ấy quay lại. Vẫn nụ cười thân thiện đó, ông nói: “Anh quay lại sứ quán nhanh lên! 5 phút nữa là đóng cửa”.

Ngoài sự nhiệt tình thường thấy, ông ấy còn nói tiếng Anh rất lưu loát. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là tại sao ông ấy lại đối xử tốt với một người lạ như tôi - một người nước ngoài ông ấy mới chỉ quen có vài phút trước đó. Sau khi kịp lấy được visa, tôi đi tiếp với ông đến trạm xe khách. Tôi mua vé xong cũng khoảng 12h, ông lại tiếp tục hỏi: “Anh có đói không? Gần đây có một con đường có nhiều nhà hàng ngon lắm. Tôi cho anh đi miễn phí tới đó nhé, rất gần”.

{keywords}

Việc luôn bị hét giá cao quá khiến du khách khó tin khi được tính đúng giá.

Lại một lần nữa tôi cảm thấy nghi ngờ bởi lòng tốt của ông, nhưng tôi vẫn tiếp tục đi đến nhà hàng theo sự chỉ dẫn. Tôi xuống xe, ông nói “good bye” kèm theo một nụ cười thân thiện quen thuộc rồi lái xe đi. Tôi cảm thấy rất vui khi gặp được một người xa lạ cư xử với tôi tốt như vậy, và ân hận tại sao trước đó mình không cư xử tử tế hơn với ông.

Đó là một câu chuyện có thật ở Campuchia. Tôi chỉ ở thủ đô Phnom Penh 4 ngày, nhưng tôi rất bất ngờ. Tại sao một đất nước nghèo hơn Việt Nam mà lại có được chất lượng phục vụ du khách tốt như thế?

Tôi đã sống ở Việt Nam 5 năm và vô tình hình thành lối suy nghĩ khá tiêu cực khi gặp bất kỳ người nào bán giá đúng cho người nước ngoài như tôi.

Bạn đừng hiểu nhầm. Người Việt Nam rất tuyệt vời và thông minh. Khi tôi đi uống cà phê hay đi ăn uống với bạn bè người Việt, họ rất thân thiện và hiếu khách. Nhưng ngược lại, tôi rất sợ khi làm khách hàng của người Việt Nam, đặc biệt là khi làm khách du lịch. Tôi đã dừng chân tại nhiều khách sạn khi công tác hay đi phượt ở Việt Nam. Trong suốt quá trình ra Bắc vào Nam, tôi thấy một vài lần giá phòng cho người nước ngoài và người Việt có sự chênh lệch đến khó hiểu.

Khi ở Hà Nội, có lần xe máy tôi bị hỏng vào buổi tối, tôi phải đi tìm một phòng khách sạn nghỉ qua đêm. Lễ tân khách sạn nói: "Sếp em nói giá cho người nước ngoài là 500.000 đồng. Giá cho người Việt Nam chỉ 300.000 đồng".

Có những bằng chứng khác cho thấy nhiều người Việt bán hàng với giá cắt cổ cho người nước ngoài: giá vé vào cửa thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (Đồng Tháp) là 30.000 đồng cho người Việt, 50.000 đồng cho người nước ngoài và họ không cho biết lý do vì sao có sự chênh lệch mức giá như vậy. Sắp tới, ở Đà Nẵng có một cuộc chạy đua marathon có hai giá online, 2,3 triệu đồng cho người nước ngoài và 1.470.000 đồng cho người Việt Nam... Và còn vô vàn ví dụ khác nữa mà cả bạn, cả tôi đều biết nhưng không rõ nguyên nhân vì sao.

Đôi khi, tôi vẫn gặp được những người bán đúng giá. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của chú chủ nhà lúc tôi công tác ở Hà Nội. Chú bảo: “Không được bán giá cao cho khách này và bán giá thấp cho khách kia. Như thế sẽ mất khách hàng, mất uy tín”.

Phát sợ ăn xin

Bùi Viện là một khu phố Tây rất nổi tiếng ở TP HCM, nhưng giờ đây tôi không dám đến đó nữa, vì người ăn xin làm phiền tôi liên tục. Ở Sài Gòn, khi bạn từ chối mua một thứ gì đó từ một người bán hàng rong, họ vẫn tiếp tục nài nỉ đến khi bạn phải mua mới thôi. Người nước ngoài rất ghét điều này.

{keywords}

Sài Gòn sẽ đẹp hơn nếu không có ăn xin hay những người bán hàng rong luôn nài ép du khách. Ảnh: Asiaglobaltravel.

Khác với TP HCM, ở Hà Nội, nếu tôi từ chối không mua, họ sẽ đi ngay. Còn ở Đà Nẵng tôi chưa thấy người ăn xin bao giờ. Những người ăn xin muốn xin tiền nhiều hơn. Họ có rất nhiều tiền từ việc đi đó mà không phải lao động. Đó là chưa kể đến việc một số kẻ lợi dụng trẻ em, người già đi ăn xin để kiếm tiền.

Tôi từng đọc qua bài báo nói về một số khu vực xung quanh Dinh Độc lập, nhà thờ Đức Bà, nơi có nhiều người nước ngoài qua lại thường xuyên có những người gánh dừa đi bán dạo, những người này hoạt động có tổ chức chuyên “chặt chém” những người nước ngoài, bình thường giá một trái dừa là cỡ 10.000-15.000 đồng nhưng họ lại bán cho người nước ngoài với giá 100.000-200.000 đồng. Tùy vào thái độ người nước ngoài mà họ “chặt chém” nhiều hay ít, thậm chí cài khách hàng vào nhiều tình huống buộc họ phải chi ra một số tiền khá lớn, chẳng khác gì “cướp giữa ban ngày”.

“Tiếng xấu đồn xa”, nếu tại Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra tình trạng này, có lẽ những du khách đến Việt Nam một lần sẽ không quay lại lần hai, và đương nhiên bạn bè họ cũng sẽ không chọn Việt Nam làm điểm đến du lịch.

Cắm trại cũng bị làm phiền

Điều tôi thích nhất ở Việt Nam hiện giờ là đi phượt. Tôi từng chạy xe máy từ Cà Mau đến Lạng Sơn.

Người nước ngoài rất thích những hoạt động ngoài trời như cắm trại, tham quan, hay “phượt”. Nhưng ở Việt Nam, rất khó để tổ chức các hoạt động như thế, vì ở đâu cũng có người sinh sống.

Tại sao tôi lại nói thế? Đơn giản vì có lần, tôi quyết định cắm trại ở núi Nghi Lộ, gần Yên Bái. Trong suốt một tuần sống trong rừng, tôi đã phải khổ sở tìm một chỗ đúng với nghĩa là “không có người”. 

{keywords}

Jesse Peterson trong một chuyến du lịch bụi ở Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Nếu Việt Nam phát triển được các hoạt động du lịch gắn liền với môi trường tự nhiên như cắm trại, đi bộ, leo núi... sẽ rất thu hút người nước ngoài. Quan trọng là phải cấm các hoạt động của những người buôn bán tự phát, bán vé số, xin tiền... Những hoạt động đó gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và làm người nước ngoài thấy khó chịu.

Xe chạy kiểu xe to bắt nạt xe nhỏ

Một vấn đề khác mà có lẽ ai cũng biết khi đi du lịch ở Việt Nam: giao thông. Giao thông ở đây rất nguy hiểm, có nhiều xe khách, xe tải chạy rất nhanh, chèn ép, lấn tuyến những xe nhỏ hơn… Nên có luật xử phạt nghiêm khắc hơn nếu họ vi phạm nhiều lần.

Giao thông tại các đô thị ở Việt Nam cũng là một vấn đề lớn. Tại TP HCM, ở khu trung tâm có rất nhiều khu công trình lịch sử thu hút du khách. Du khách đi bộ thăm quan là chủ yếu. Nhưng có một lượng lớnxe máy chạy qua các con đường trong khu vực rất nhanh và ẩu. Họ không nhường đường hay để ý đến người đi bộ, giống như tâm lý xe lớn” bắt nạt “xe nhỏ” mà tôi đã kể ở trên. Bạn bè tôi thậm chí không dám đi bộ băng qua đường tại các vạch kẻ đường. Những tình huống như thế khiến tôi và những du khách nước ngoài cảm thấy không an toàn khi đi du lịch ở Việt Nam.

Tất cả những vấn đề trên đều có thể được giải quyết nếu mọi người có ý thức và quyết tâm làm. Bản thân tôi cũng hy vọng một ngày không xa sẽ có một chuyến đi dã ngoại an toàn, thú vị tại một nơi có phong cảnh đẹp ở Việt Nam mà không gặp phải những vấn đề trên. Trong tương lai, viễn cảnh du lịch Việt Nam sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn trong con mắt bạn bè quốc tế.

Jesse Peterson (Theo Zing)