- Chứng khoán Trung Quốc chao đảo trong gần một tháng qua khiến thế giới mất cả chục tỷ phú USD và hàng ngàn triệu phú. Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất vẫn còn ở phía trước và thảm họa có vẻ như mới chỉ bắt đầu.
Đổ vỡ dây chuyền
Chưa dừng lại sau khi bốc hơi 2,8 ngàn tỷ USD, TTCK Trung Quốc (TQ) trong phiên 8/7 tiếp tục tụt giảm. Chỉ số CSI 300 của các công ty lớn nhất niêm yết trên hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến bất ngờ sụt giảm thêm 6,8% xuống còn 3.663,04 điểm. Shanghai Composite Index rớt 5,9%, còn 3.507,19 điểm.
Tính chung trong khoảng 3 tuần qua, các cổ phiếu niêm yết trên TTCK TQ đã bốc hơi hơn 32% sau khi tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua ở mức 5.178 điểm ghi nhận vào hôm 12/6/2015.
Các TTCK châu Á khác cũng giảm điểm mạnh. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm tới 8% trước khi đóng cửa hôm 8/7 với mức mất giá 5,8% xuống còn 23.416,56 điểm và chỉ số Nikkei của Nhật giảm 3,1% xuống còn 19.737,64 điểm. Chứng khoán Đài Loan cũng giảm gần 3%.
Tuần trước, chứng khoán TQ bắt đầu hoảng loạn khi mà phiên cuối tuần chỉ số Shanghai Composite sụt giảm tới 5,8% đã khiến nhiều NĐT trong và ngoài nước nghĩ tới khả năng xấu là bong bóng chứng khoán tại quốc gia này đã hiện hình và đang dần tan vỡ.
Chứng khoán Trung Quốc chao đảo trong gần một tháng qua khiến thế giới mất cả chục tỷ phú USD và hàng ngàn triệu phú. |
Sự sụt giảm kinh hoàng trên TTCK Trung Quốc đã khiến giới đầu tư và tầng lớp siêu giàu nước này điêu đứng. Với 3,5 nghìn tỷ USD bốc hơi trong một thời gian ngắn, gần 100 triệu NĐT, với không ít người là công nhân và nông dân tiêu tan những đồng tiền tiết kiệm bỏ vào chứng khoán. Các đại gia trên TTCK Trung Quốc cũng thiệt hại nặng nề.
Theo Forbes và Wealth-X, trong hàng chục tỷ phú mới xuất hiện nhờ đợt tăng nóng hồi đầu năm có không ít người đã rớt khỏi danh sách sau 3 tuần TTCK sụt giảm vừa qua. Sơ bộ trong vài phiên giảm điểm gần đây, ít nhất 5 người Trung Quốc đã mất ngôi vị tỷ phú. Cơn bão bán tháo cổ phiếu cũng đã quét đi cả ngàn người trong danh hơn 1 triệu triệu phú Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đã tung ra hàng loạt các biện pháp để cứu thị trường như: hoãn các đợt IPO; giảm số lượng DN niêm yết mới; hạ lãi suất; tăng cường bơm vốn cho các CTCK để mua cổ phiếu và tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty bảo hiểm có thể mua cổ phiếu blue-chips.
Tính từ giữa tháng 6 tới nay, hơn 1.300 cổ phiếu trên TTCK Trung Quốc đã bị ngừng giao dịch nhằm ngăn đà giảm sâu hơn của thị trường.
Tuy nhiên, tất cả dường như đã không có tác dụng. Hàng loạt các dự báo cho thấy, hiện tượng bán tháo có thể còn lan rộng và có thể dẫn tới một cuộc tháo chạy trên quy mô lớn, kết thúc bằng việc quả bong bóng chứng khoán Trung Quốc sẽ xì hơi về đúng với giá trị của nó sau một thời gian tăng nóng.
‘Thảm họa’ mới chỉ bắt đầu
Chia sẻ trên MarketWatch, ông Howard Gold, một chuyên gia phân tích tài chính, cho rằng, sự sụt giảm của TTCK Trung Quốc mới chỉ bắt đầu. Theo đó, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra những biện pháp rất mạnh và đã làm hết sức nhưng không thể ngăn cản được sự lao dốc của TTCK. Điều đó có nghĩa là xu hướng chính của sàn chứng khoán Thượng Hải, Thâm Quyến và các sàn khác vẫn là đi xuống.
Thiệt hại lớn nhất vẫn còn ở phía trước và thảm họa có vẻ như mới chỉ bắt đầu. |
Trong khi đó, Morgan Stanley - tổ chức đã đưa ra khuyến nghị bán cổ phiếu Trung Quốc vài tuần trước đây - cho rằng, chứng khoán Trung Quốc vẫn còn suy giảm và dự báo Shanghai Composite Index sẽ xuống mức 3.250 điểm vào giữa năm 2016. Các nhà phân tích ở Citigroup nhắn gửi khách hàng của họ rằng làn sóng bán tháo trên TTCK Trung Quốc còn có một con đường dài trước mặt.
Trong năm vừa qua, TTCK Trung Quốc đã tăng quá sức tưởng tượng của nhiều người. Các NĐT và dân buôn chứng khoán đã đổ một lượng tiền lớn vào cổ phiếu Trung Quốc khiến chỉ số Shanghai Composite tăng 2,5 lần trong vòng một năm và nhiều thị trường khác thậm chí còn tăng mạnh hơn.
Trong tuần trước, NHTW Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất ngắn hạn lần thứ 4 liên tiếp trong năm nay để giúp ngăn chặn đà giảm giá trên TTCK. Các nhà quản lý thị trường nới lỏng các yêu cầu vay margin và đàn áp thẳng tay những kẻ bán khống, trong khi các phương tiện truyền thông của nhà nước ra sức trấn an các NĐT. Gần đây, UBCK Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm các cổ đông lớn, các giám đốc DN niêm yết không được bán cổ phiếu niêm yết trong vòng 6 tháng. Hàng loạt các biện pháp như vậy cũng chưa ‘cầm máu’ được làn sóng bán tháo.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các thị trường mới nổi trong đó có Trung Quốc đang đối mặt với đợt giảm kéo dài tồi tệ nhất mà 100 năm mới có một lần. Đợt giảm này được đánh giá sẽ còn kéo dài nhiều năm.
Chỉ số Shanghai Composite đã quay đầu giảm rất nhanh sau khi lên đỉnh 5.000 điểm. Trước đó, hồi tháng 10/2007 chỉ số này đã đạt đỉnh cao mọi thời đại là 6.000 điểm. Như vậy, đợt giảm điểm này đã kéo dài 8 năm.
Trở lại đợt bùng nổ năm 2007, TTCK Trung Quốc đã hưởng lợi từ dòng vốn khổng lồ mà chính phủ đổ vào xây dựng cơ sở hạ tầng chuẩn bị đón Olympic 2008 và tốc độ tăng trưởng như vũ bão của nền kinh tế.
Nhưng sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và cú vỡ bong bóng BĐS, Trung Quốc đã chật vật mới có thể đạt được mức tăng trưởng 7%. Nền kinh tế thiếu động lực để vươn lên một tầm cao mới và đang loay hoay không có hướng đi mới là nguyên nhân chính khiến TTCK không thể lên bền vững.
Đợt tăng điểm cuối năm ngoái đầu năm nay là kết quả của những nỗ lực khuyến khích dòng tiền của các NĐT và dân buôn chứng khoán trên cả nước dồn vào TTCK sau khi thị trường BĐS sụp đổ. Nền kinh tế không bền vững cùng với dòng tiền không ổn định, đòn bẩy tài chính cao đã khiến mọi nỗ lực ngăn chặn làn sóng bán tháo không thành công.
V.Minh