Sâu bệnh, trồng và canh tác mía “lạc nhịp” so với thế giới cùng quản lý không hiệu quả các hoạt động mía đường… là những “vết xe” VN nên tránh từ Trung Quốc và Sri Lanka- 2 quốc gia từng sở hữu nền mía đường hàng đầu thế giới.

Đây là nội dung sẽ được các chuyên gia ngành đường Thế giới (bao gồm Trung Quốc và Sri Lanka) phân tích trong Hội thảo “Thường niên Mía đường Quốc tế TTC lần 3” với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh mía đường Việt Nam chuẩn bị hội nhập ASEAN”. Hội thảo diễn ra tại Khách sạn Michelia , TP. Nha Trang, Khánh Hòa ngày 16/7/2015.

Mía đường Trung Quốc “tìm đường” về ngôi hoàng kim

Đứng thứ ba Thế giới về sản xuất đường (sau Brazil và Ấn Độ), Trung Quốc đang đẩy mạnh nền công nghiệp đường để bắt kịp xu hướng tăng trưởng chung của cả nước. Ngành công nghiệp đường Trung Quốc đóng góp cho GDP khoảng 6-8 tỷ nhân dân tệ, chiếm khoảng 0,1% tổng GDP, giữ vai trò quan trọng trong cán cân kinh tế của quốc gia này.

Tuy nhiên, từ vị trí “top” đầu của thế giới về mía đường Trung Quốc dần trở thành quốc gia nhập khẩu đường lớn nhất thế giới với sản lượng nhập khẩu 4,45 triệu tấn đường. Việc Trung Quốc phải nhập khẩu đường để phục vụ nhu cầu trong nước dóng lên hồi chuông cho ngành công nghiệp đường không chỉ ở nước này mà còn ở Thế giới trong đó có Việt Nam.

{keywords}

Trung Quốc đứng thứ 3 Thế giới về sản xuất đường

Quảng Tây là tỉnh có lượng sản xuất lớn nhất Trung Quốc. Mía đường Quảng Tây sụt giảm là do tác động của môi trường và sự hoành hành của các loại sâu bọ. Ngoài ra, quá trình trồng và canh tác mía của nông dân Quảng Tây “lạc nhịp” so với thế giới khi độc canh sử dụng một giống mía (giống ROC22) dẫn đến chữ đường thấp. Đây cũng là một kinh nghiệm quý cho nông dân Việt Nam trong việc chọn giống trong canh tác mía.

Để khắc phục những khó khăn kể trên, mía đường Quảng Tây từng bước thay đổi quan điểm canh tác, áp dụng khoa học và tiến bộ kỹ thuật.

Về phương thức canh tác, nông dân Trung Quốc thực hiện mô hình cày sâu và chuẩn bị đất tốt, phủ màng nhựa, hệ thống bón phân thông minh, để lá sau thu hoạch, tiết kiệm nước tưới, ứng dụng vinasse như một loại phân bón lỏng, cơ giới canh tác mía, kiểm soát toàn diện sâu,bệnh…

Trong các mô hình này, có những mô hình đã được nông dân và doanh nghiệp Việt Nam áp dụng nhưng cũng có những mô hình mới có thể phù hợp với canh tác mía tại Việt Nam trong tương lai mà Trung Quốc đã áp dụng đem lại những kết quả tốt. Minh chứng là sản lượng mía đường Trung Quốc dần phục hồi, trở lại với vị trí đầu bảng.

Sri Lanka - bài học về giám sát

Sri Lanka có nền công nghiệp mía đường lâu đời. Lượng đường cao nhất tại Sri Lanka là 72,274 tấn (năm 1994), đạt 55% tổng công suất của toàn ngành. Tuy nhiên sản lượng đường tại đây liên tiếp sụt giảm, năm 2014 sản lượng dừng lại ở con số 50,800 tấn, chỉ đạt 8% nhu cầu tiêu dùng của cả nước. Năm 2014, Sri Lanka đã phải nhập khẩu 519,000 tấn đường chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Nguyên nhân của tình trạng này là do hai nhà máy đường chính tại Sri Lanka đóng cửa, không đủ mía nguyên liệu để ép và khả năng thu hồi đường thấp, việc khan hiếm lao động trong giai đoạn thu hoạch cũng là một vấn đề nan giải.

Ngoài ra cây mía còn phải đối mặt với sự cạnh tranh của những cây trồng có giá trị khác và sự lây lan của bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình canh tác.

Những khó khăn này không chỉ ở Sri Lanka mà cả Việt Nam cũng đang gặp phải. Cụ thể diện tích vùng nguyên liệu của Việt Nam những năm gần đây giảm mạnh. Nông dân bỏ trồng mía để chuyển sang các loại cây trồng khác dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu cho ngành mía đường.

Đồng thời một nguyên nhân khác do Sri Lanka chưa có cơ quan chuyên trách của Chính phủ điều hành tập trung và giám sát hoạt động ngành mía đường, chưa có chính sách ưu đãi đầu tư vào ngành đường và các sản phẩm cạnh đường.

Để khắc phục những khó khăn đó, chính phủ Sri Lanka cần mở rộng công suất, hiện đại hóa máy móc, đa dạng hóa đất trồng và diện tích nông hộ, khuyến khích đầu tư, đảm bảo phân chia lợi nhuận giữa nhà máy, nông dân và ổn định giá đường nội địa.

Sự thay đổi trong phương thức canh tác và chính sách từ chính phủ Sri Lanka phần nào phục hồi ngành mía đường quốc gia này, cũng như đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 đạt 40% nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Mỗi quốc gia đều có điều kiện tự nhiên khác nhau, nếu ngành mía đường Việt Nam biết chọn lọc và áp dụng uyển chuyển khoa học, kỹ thuật canh tác của những cường quốc mía đường sẽ đem lại những hiệu quả lớn.

Tấn Tài