- Rất nhiều nhà quản lý, nhà kinh tế và làm luật quan tâm đặc biệt đến "sự cố" truy thu thuế của Sabeco. Các ý kiến đều cho rằng, truy thu hơn 408 tỷ đồng tiền thuế TTĐB đối với Sabeco là không thoả đáng.

Doanh nghiệp lách luật thì không phải là phạm luật

"Tôi không đứng về bên nào cả", TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương mở lời.

Ông Cung là vị chuyên gia kinh tế đầu tiên lên tiếng tại cuộc toạ đàm về truy thuế TTĐB đối với Sabeco do Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam tổ chức hôm 15/7.

Ông nhấn mạnh: "Đây là một trường hợp điển hình của vấn đề cải cách thể chế môi trường kinh doanh ở Việt Nam".

"Quốc hội ban hành Luật thuế, việc hành thuế lại bị chi phối bởi các thông tư của Bộ Tài chính. Không thể nào lại có sự giải thích một cách tuỳ tiện sau Luật, rồi dẫn tới tài sản của người dân, doanh nghiệp bị tác động. Một sự thay đổi có thể dẫn tới sạt nghiệp nhà đầu tư, phá sản của một doanh nghiệp", TS Cung đánh giá.

Bởi theo ông, ngoài thuế suất, còn nhiều thứ tác động đến tổng mức đóng thuế, như giá tính thuế. 10% của zezo là zezo, nhưng 10% của 1 tỷ lại là khác.

Trở lại các kiến nghị của KTNN về vi phạm của Sabeco, ông Cung nhìn nhận: "Nếu nói doanh nghiệp vi phạm luật thì cần chỉ rõ, phạm vào điều nào, khoản nào. Vì doanh nghiệp lách luật thì không phải là phạm luật".

{keywords}

Rất nhiều nhà quản lý, nhà kinh tế và làm luật quan tâm đặc biệt đến "sự cố" truy thu thuế của Sabeco.

Theo ông, hệ thống luật pháp bao giờ cũng tồn tại kẽ hở. Việc các doanh nghiệp tận dụng kẽ hở này là lẽ tự nhiên. Bịt kẽ hở là chức năng của Nhà nước, không thể buộc dân, doanh nghiệp phải gánh chịu.

"Nếu cứ có một kẽ hở luật pháp được phát hiện ra thì lại bắt người dân, doanh nghiệp gánh chịu, như vậy, môi trường kinh doanh rất rủi ro, tạo sự bất an. Người dân, doanh nghiệp bị phụ thuộc cơ quan Nhà nước, không biết lúc nào thì bị quy là phạm luật", ông Cung nhấn mạnh.

"Nếu Sabeco sau đó sụt giảm hiệu quả kinh doanh thì ai chịu trách nhiệm về sự sụt giảm này? Chỉ riêng việc bàn luận vừa qua thôi cũng đã gây tổn thất rất lớn đối với tài sản của nhà đầu tư ở Sabeco. Một sự thay đổi này có thể sẽ đẩy một doanh nghiệp từ đang làm ăn tốt trở nên lụn bại", ông Cung nói.

Văn bản dưới luật đã bẻ luật, uốn luật, khác luật...

Vấn đề cốt yếu gây tranh cãi trong vụ truy thu thuế Sabeco là giá tính thuế. Trong khi Sabeco tính giá tính thuế theo giá bán ra đầu tiên cho các công ty thương mại khu vực thì KTNN lại cho rằng, phải lấy theo giá bán ra của các công ty thương mại khu vực này.

{keywords}

Các ý kiến đều cho rằng, truy thu hơn 408 tỷ đồng tiền thuế TTĐB đối với Sabeco là không thoả đáng.

Ông Nguyễn Sỹ Cương, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội bày tỏ, ông không được mời dự cuộc toạ đàm này nhưng đã quyết đến với tư cách bảo vệ quyền lợi cho người lao động, doanh nghiệp.

Ông Cương là đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, nguyên là Chánh thanh tra Bộ Nôi vụ. Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành luật, ông kể: "Khi vụ truy thu Sabeco được đăng tải, tôi đọc rất kỹ, hỏi các chuyên gia và xem lại luật thì thấy, chính quy định của ta chưa rõ ràng. Luật Thuế TTĐB năm 2008 hiện hành và Luật sửa đổi năm 2014, sẽ có hiệu lực vào năm 2016 đều chỉ quy định: giá tính thuế là giá bán ra. Luật không hề nói cụ thể, đó là giá ở khâu nào".

"Trong chừng mực nào đó, kể cả Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành quy định giá tính thuế ở khâu nào cũng chưa hoàn toàn đúng luật. Nghị định, Thông tư không phải là các văn bản quy đinh những thứ Luật còn thiếu", ông Cương nói.

Chính bởi thế, theo ông, việc nói rằng Sabeco lách luật, trốn thuế là hơi vội vàng.

Ông nhấn mạnh thêm: "Tôi không khẳng định, KTNN hay Sabeco đúng. Nhưng Sabeco không phải tự kê khai thuế, nộp thuế thế nào là tuỳ, mà đều phải có sự chấp thuận của cơ quan thuế thì mới làm được, mới nộp được".

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương, ông Phan Chí Dũng, cũng cho rằng, bản chất thuế TTĐB đánh vào nhà sản xuất, không phải đánh vào công ty thương mại, nên anh bán cho ai đầu tiên thì đó là giá tính thuế. Không thể bảo thương mại cấp khu vực thì cũng là sản xuất như KTNN được.

Ông Dũng nói thêm: "Ở đây là nói đến tính tuân thủ luật pháp. Người ta tuân thủ đúng rồi lại bảo phạt do quy định không chặt. Như vậy, nguyên tắc tuân thủ pháp luật không được tôn trọng, không phải đối với một mình Sabeco mà cả hệ thống các doanh nghiệp khác, như vậy rất bất hợp lý".

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico nhìn nhận: "Kết luận của KTNN chỉ đúng nếu các công ty thương mại khu vực của Sabeco là hạch toán phụ thuộc, nhưng thực tế, đó là các công ty hạch toán độc lập".

"Văn bản dưới luật đã bẻ luật, uốn luật, khác luật và rất dễ trái luật. Trên thực tế, Nghị định và Thông tư mới dẫn đến kết quả nộp thuế cao hay thấp, chứ không phải là luật. Đó mới là nguy cơ lớn của hệ thống pháp luật. Chúng ta cần phải thay đổi vấn đề này, Quốc hội đánh thuế, chứ không phải Chính phủ, càng không phải là Bộ Tài chính đánh thuế", luật sư Đức tổng kết.

Phạm Huyền