- Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 chỉ còn than đủ chạy được hơn 4 ngày. Nhiệt điện Quảng Ninh lượng dự trữ chỉ còn 65.000 tấn, cũng chỉ chạy được 7 ngày....
Ăn đong từng chuyến than
"Hiện nay, chúng tôi đang phải ăn đong từng chuyến tàu chở than để cấp cho các nhà máy điện. Một số tuyến vận chuyển đã bắt đầu khôi phục, nhưng vẫn gặp trở ngại vì mưa lớn tiếp diễn", ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc TKV, chia sẻ.
Suốt 1 tuần qua kể từ khi mưa lũ xảy ra, TKV mới tổ chức được 4 chuyến tàu chở than cho các nhà máy điện phía Nam với tổng sản lượng 34.000 tấn, trong đó, mới rót được 3 tàu, 1 tàu đang phải hoãn.
Tải trọng các chuyến tàu khoảng 20-30 ngàn tấn nhưng hiện một số ít chuyến tàu thu xếp được chỉ chở non tải 50%.
Cụ thể, ngày 31/7, TKV đã xuất cảng được 1 tàu 18/22 ngàn tấn đi nhiệt điện Vũng Áng (thuộc PVN). Đến ngày 1/8, tập đoàn này đã có thêm 2 chuyến tàu vận chuyển than đi các nhà máy nhiệt điện, trong đó 1 tàu non tải đi nhiệt điện Vũng Áng và 1 tàu chở 6 ngàn tấn đi nhiệt điện Duyên Hải 1.
Do ảnh hưởng của mưa lũ, tiến độ cấp than cho điện sẽ chậm và gián đoạn. |
Sáng 3/8, đáng lẽ TKV sẽ có thêm một chuyến tàu thứ 4 chở khoảng 17000 tấn than cho nhà máy điện, vốn đã xếp hàng từ hôm trước, nhưng cuối cùng, phải dừng lại vì mưa to.
Tuy nhiên, với các nhà máy nhiệt điện ngay tại Quảng Ninh như nhiệt điện Cẩm Phả, Mạo Khê, Mông Dương, việc cấp than vẫn đang diễn ra bình thường.
Ông Biên cho hay: "Hiện, than dự trữ của chúng tôi vẫn còn khoảng 7 triệu tấn để cấp cho các hộ tiêu dùng nói chung. Mỗi ngày, trung bình chúng tôi cấp khoảng 100.000 tấn than, trong đó, 70% là than cấp cho điện. Riêng mỏ than Mông Dương, tuy bị ngập nặng nhất nhưng lượng dự trữ vẫn còn 600.000 tấn".
"Các tuyến chở than chỉ mất 3-4 ngày là sẽ khôi phục xong. Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là mưa phải dứt thì chúng tôi mới có thể xếp hàng, vận chuyển, còn mưa như hiện nay thì không thể xếp hàng nổi", ông Biên than thở.
Ước tính, sau khi khắc phục hậu quả mưa lũ, hồi phục sản xuất của các mỏ, cộng với lượng than tồn kho trên thì tổng thể cả năm 2015, có thể TKV vẫn đáp ứng đủ nhu cầu than cho điện. Nhưng trước mắt, nhất thời tháng 7, tháng 8, tiến độ cấp than cho điện sẽ chậm và gián đoạn.
Tháng 7, trận mưa lũ lịch sử bất ngờ xảy ra đã khiến sản lượng khai thác than giảm mất 10 triệu tấn.
Tại cuộc họp mới đây giữa lãnh đạo TKV và lãnh đạo hai tập đoàn PVN và EVN, phương án huy động nguồn điện trong bối cảnh thiếu than cũng đã được thống nhất.
Theo đó, sau khi hết mưa khoảng 4-5 ngày, TKV sẽ bắt đầu khôi phục khoảng 30-50% năng lực sản xuất và cấp than và sẽ ưu tiên số 1 cung cấp than cho nhiệt điện Duyên Hải 1, tiếp theo là Vĩnh Tân 2, Nghi Sơn, Vũng Áng,...
Chưa lo thiếu điện?
Dù vậy, nỗi lo lớn nhất là liệu hậu quả thiếu điện cho miền Bắc có xảy ra?
Bởi lẽ, 10 nhà máy nhiệt điện than của EVN hiện chỉ còn dự trữ còn lại trong kho là 722 ngàn tấn. Số than này chỉ đủ để các nhà máy chạy trong vòng 10-15 ngày. Để chạy đầy tải các tổ máy của 10 nhà máy này thì mỗi ngày, EVN cần tới 28.880 tấn than.
Một đại diện EVN khẳng định, không vì chuyện thiếu than cho điện mà lại xảy ra tình trạng cắt điện. |
Trong đó, đáng lo ngại nhất là nhà máy Vĩnh Tân 2, mỗi ngày cần tới 6.000 tấn than nhưng lượng trự trữ trong khi còn có 25.000 tấn, đủ chạy được hơn 4 ngày. Nhiệt điện Quảng Ninh mỗi ngày cần 3.100 tấn than thì giờ, lượng dự trữ chỉ còn 65.000 tấn, cũng chỉ chạy được 7 ngày....
Ngoài ra, trong cơ cấu huy động nguồn điện của EVN, nhiệt điện than trong 6 tháng đầu năm được huy động cao nhất với tỷ trọng chiếm 35,71%.
Tuy nhiên, chia sẻ tại cuộc họp giao ban Bộ Công Thương sáng 3/8, ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết, EVN dự kiến khai thác tối đa nguồn thuỷ điện để bù đắp cho phần thiếu hụt từ nguồn nhiệt điện than.
Theo phân tích của một đại diện EVN, cũng do mưa lũ xảy ra ở các tỉnh vùng cao nên thuỷ điện dồi dào, EVN có điều kiện để tăng sản lượng điện của thuỷ điện Hoà Bình, Lai Châu... Trước đó, rơi vào mùa khô nên 6 tháng đầu năm, nguồn này chỉ chiếm hơn 31% hệ thống điện.
Ngoài ra, tháng 7 và 8, thời tiết dịu mát nên phụ tải điện sẽ giảm chứ không còn căng thẳng như tháng 6 - thời điểm nắng nóng kỷ lục.
Vị này cũng cho biết, chắc chắn, không vì chuyện thiếu than cho điện mà lại xảy ra tình trạng cắt điện. Vì khi đó, EVN sẽ tính phương án phải đổ dầu vào chạy.
Cũng để ứng phó cho tình trạng thiếu hụt nguồn nhiệt điện than, kế hoạch ngừng cung cấp khí để bảo dưỡng cụm nhà máy nhiệt điện khí phía Nam của PVN tạm thời hoãn lại.
Theo một đại diện của EVN, đây là trận mưa lũ lịch sử 40 năm qua ở vùng than Quảng Ninh nên việc gián đoạn cấp than mới kéo dài như vậy. Tính tới này đã là 1 tuần và có thể còn kéo dài nếu mưa tiếp tục lớn. Trước đó, việc gián đoạn cấp than cho nhà máy điện đã từng xảy ra, cùng vì bão lũ, nhưng chỉ kéo dài 2-3 ngày là nối lại bình thường.
Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cũng lo ngại, với mức độ thiệt hại nặng nề ở các mỏ hiện nay, để khôi phục hoạt động sản xuất, còn phải mất nhiều thời gian.
Phạm Huyền