Chẳng biết tự bao giờ, loài người khám phá ra vẻ đẹp của những viên xà cừ óng ánh được lũ trai, ốc ngậm chặt trong lớp vỏ dày, nằm phơi dưới đáy biển. Để rồi hấp lực từ nó khiến cho phái đẹp ngẩn ngơ, mê mẩn. Nhưng để sở hữu được viên ngọc xịn, chẳng dễ chút nào.

Thật giả khó lường

Thong thả dạo bước giữa những showroom trang sức ngọc trai, tôi mới hiểu vì sao hầu hết quý bà không cưỡng nổi sự hấp dẫn mê hồn của châu ngọc. Không long lanh rực rỡ như kim cương, đá quý nhưng mỗi viên ngọc óng ả chất xà cừ dù trắng ngà, vàng óng hay đen tuyền đều toát lên một vẻ đẹp đằm thắm, cao sang.

{keywords}

Thử trang sức ngọc trai đen

Ra Cô Tô, Vân Đồn, Côn Đảo, Phú Quốc tiết mục đãi khách không thể thiếu là xem các kỹ thuật viên vừa mổ trai lấy ngọc vừa giới thiệu quy trình cấy nhân kết ngọc trong các loài trai, ốc. Khi sỏi, cát tình cờ rơi vào thân, con trai bị thương tự tiết dịch xà cừ như lớp áo bao quanh viên sỏi, tạo thành ngọc tự nhiên. Cách buộc trai tạo ngọc của con người cũng mô phỏng theo cơ chế đó. Tất nhiên, số đông du khách đều vui thích mua ngay một vài món trang sức phù hợp với túi tiền, cho bõ công tận đến xứ ngọc.

Rất hiếm khi con ốc có ngọc, nên ngọc ốc đắt hơn ngọc trai cùng kích thước gấp nhiều lần. Ốc càng lớn, xác suất có ngọc càng cao, chủ yếu được phát hiện trong loài ốc Giác có thể nặng tới 6-7 kg thỉnh thoảng xuất hiện ở vùng biển Kiên Giang. Vỏ ốc giác mỏng, màu vàng tươi. Màu vỏ loài nhuyễn thể nào khi tạo ngọc cũng đều cho ra viên ngọc cùng màu, nên ngọc ốc tự nhiên thường có vân đẹp vàng ngà, tròn trịa, đẹp bền vĩnh viễn. Ngọc ốc lớn đường kính trên 20 mm là loại bảo vật mà những đại gia sưu tập ngọc thường cố săn lùng tại các phiên đấu xảo ngọc đình đám.

Tuy nhiên, các thí nghiệm nuôi ốc lấy ngọc đều thất bại. Từ sau năm 1893, nghề nuôi trai cấy ngọc ra đời từ các phòng nghiên cứu Nhật Bản mới lan dần đến nhiều vùng biển trên thế giới. Ngày nay, hầu như tất cả ngọc trai trang sức là ngọc trai nuôi, góp phần giúp loài trai thoát nạn diệt chủng trước nỗi khao khát châu ngọc của con người.

Tôi chưa từng thấy cái chợ nào quanh năm đầy ắp sản vật biển, bày bán trùng trùng điệp điệp phong phú sống động như chợ đêm Dinh Cậu ở thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc.

Sở hữu một vài viên ngọc trai, thậm chí cả chuỗi ngọc mua ở chợ đêm Dương Đông là điều có vẻ phù hợp với mọi túi tiền, vì giá của chúng dao động từ chỉ một hai trăm nghìn đồng, cho đến hàng trăm triệu. Vấn đề chỉ ở chỗ: Người mua làm sao phân biệt được ngọc thật, ngọc giả? Đâu là ngọc tự nhiên của sò, ốc, trai nằm lăn lóc dưới đáy biển sâu. Đâu là ngọc trai nuôi cấy? Cũng thời là ngọc nuôi, nhưng chênh lệch giá có thể lên đến 20 lần giữa ngọc đại dương với ngọc nước ngọt hay bị nhuộm màu không tự nhiên và bóng sáng như ngọc trai biển.

Một số chủ quầy hàng thuyết phục du khách mua hàng bằng cách chỉ dẫn cho họ cách phân biệt ngọc xịn, ngọc rởm. Lớp xà cừ càng dày, viên ngọc càng tròn láng không tì vết càng giá trị. Tuy nhiên, có những viên ngọc lớn mà giá trị thấp, do nhân cấy to, lớp xà cừ mỏng. Tệ hơn nữa, là loại ngọc giả dập khuôn bằng bột vỏ trai xay nhuyễn trộn keo, đánh bóng trở nên óng ả, khó phân biệt nếu không có nghề, không có máy đo độ ngọc tinh khiết.

“Nhị vương” xứ ngọc

Dạo khắp Phú Quốc, nghe tôi hỏi về nghề nuôi trai lấy ngọc, từ cư dân bản địa tới cán bộ mới điều chuyển công tác ra đảo đều nhất loạt bảo : Nên gặp “vua ngọc” Hồ Phi Thủy.

{keywords}

Ông Phi Thủy với chiếc vỏ chai đã cho hạt ngọc lớn nhất

“Vua ngọc” vui vẻ tiếp tôi trong gian nhà đơn sơ bên cạnh cửa hàng mua bán ngọc tấp nập khách ra vào. Phi Thủy tâm sự: Nghề nuôi trai phải đam mê sóng gió. Con trai dưới đáy biển chỉ ăn phiêu sinh vật tự nhiên, mà lại tạo ra được ngọc quý đối với con người. Năm 2008, anh khai thác được một viên ngọc tròn trịa, trắng satanh lộng lẫy từ loài trai maxima 6 năm tuổi vốn thường chỉ cho ra loại ngọc màu xanh xám, đường kính viên ngọc đo được tới 20,3 cm. Phi Thủy treo giá 500 triệu đồng. Một đôi vợ chồng du khách Việt kiều Mỹ vòng đi vòng lại ngắm mãi, đồng ý mua, cùng anh đến ngân hàng rút tiền mặt trả, được Thủy bớt 10 triệu cho vui. Kỷ vật còn lại về viên ngọc đắt giá này là mảnh vỏ trai to như cái đĩa treo tường để nhớ, anh gỡ xuống cho tôi xem...

Trong khi “vua ngọc Phú Quốc” Hồ Phi Thủy khởi đầu từ nghề thợ lặn, thì “vua ngọc miền Trung” Hồ Thanh Tuấn vốn là một kỹ sư tin học không quen sóng gió. Chấp nhận mọi thử thách để được đi đào tạo nhiều nơi trong và ngoài nước về ngọc trai, nghệ nhân quốc gia Hồ Thanh Tuấn đã tổ chức khép kín được tất cả các khâu nuôi trai cấy ngọc, chế tác trang sức, mở các dịch vụ thương mại - du lịch về ngọc trai.

Hồ Thanh Tuấn từ chối lời đề nghị ở lại thành phố Hồ Chí Minh điều hành một doanh nghiệp công nghệ thông tin, từ giã vợ con lặn lội ra Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu) phục vụ dự án nuôi trai lấy ngọc của nhóm chuyên gia đến từ nước Pháp. Không ít người thân đã can gián, bảo anh điên! Thực tế 15 năm qua cho thấy “cái sự điên” ngày nào của anh đã tiềm ẩn một tầm nhìn xa rộng, nhạy bén.

Sau 2 năm làm việc cật lực, hàng nghìn viên ngọc trai thu hoạch lứa đầu cho anh khoản lãi lớn hơn nhiều so với dự kiến. Anh nhận ra, lợi nhuận thu được còn lớn hơn, nếu chế tác xâu ngọc trai thành hàng trang sức chứ không xuất bán thô.

Với việc sở hữu bản quyền sáng chế phương pháp tạo hình, tạo hoa văn chìm trên ngọc trai nuôi cấy, năm 2011 Hồ Thanh Tuấn được Trung ương Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Quốc gia. Nhưng vinh dự đặc biệt, chính là việc anh được chọn là người chế tác Vương miện cho Hoa hậu Việt Nam 2014.

Tạo mẫu, cùng 20 thợ kim hoàn chạm khắc tỉ mỉ, trau chuốt tinh xảo các chất liệu vàng, ngọc trai tự nhiên, kim cương suốt 3 tháng ròng, tự tay Hồ Thanh Tuấn đa lựa chọn và đính cả 18 viên ngọc trai tự nhiên màu vàng kim hiếm quý lên các đỉnh vương miện tinh tế, xứng danh tuyệt tác nghệ thuật. Khi chiếc vương miện mỏng mảnh trị giá 2,5 tỷ đồng lung linh trên đầu hoa hậu trong phút đăng quang, hàng triệu khán giả đã có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngọc trai tự nhiên óng ả, tỏa sáng dịu dàng.

Trải nghiệm lặn biển lấy ngọc

Sống giữa đại ngàn luôn thiếu vị đại dương, tôi về Khánh Hòa hào hứng đi lặn biển ngắm san hô nở hoa dưới đáy biển Hòn Mun, mà không ngờ chẳng bao lâu sau đó, tỉnh Khánh Hòa đã giao cho Khu Du lịch Hòn Tằm và Công ty Hoàng Gia Pearl phối hợp mở tour lặn biển chọn trai lấy ngọc ở Hòn Tằm, hấp dẫn chưa từng có.

{keywords}

Nghệ nhân Hồ Thanh Tuấn gắn ngọc trai vào vương miện đang chế tác

Xem biểu giá dịch vụ lặn biển lấy ngọc, tôi ngạc nhiên biết mỗi du khách chỉ phải trả thêm một vài trăm nghìn đồng, giá dao động tùy loại trai đã ươm ngọc, do khách được tự chọn khai thác. Với giá đó, du khách gần như được tặng không một viên ngọc Akoya nhỏ thực giá từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng.

Đổi lại, làn sóng truyền thông đã sôi nổi giới thiệu cho công chúng biết với hải trình này, ai cũng có thể tận mắt thấy hàng triệu con trai ươm ngọc rất thật dưới đáy vịnh Nha Trang, nhằm lập lại trật tự cho thị trường hiện lan tràn đủ loại ngọc trai kém chất lượng mà chỉ chuyên gia mới phân biệt nổi.

Mỗi ngày có 4 chuyến tàu rước khách ra đảo Hòn Tằm, đến bãi nuôi trai Hoàng Gia Pearl rộng 10 ha. Sau 15 phút học cách thở và di chuyển trong nước, mặc đồ lặn, đeo bình hơi và khoác mặt nạ thở khí ôxy vào, biết bơi hay không du khách vẫn dễ dàng lặn dần xuống vùng biển không quá sâu cùng một huấn luyện viên.

Tại vùng nuôi, hàng triệu con trai đã cấy ngọc được khoan lỗ xỏ cước cài chắc vào các mắt lưới treo lơ lửng. Du khách được chọn một con trai mang lên bờ, tự tay xẻ lấy ngọc mang về hoặc lựa mẫu trang sức nhờ kỹ thuật viên gắn vào tại chỗ. Đôi khi, có người xui rủi chọn nhầm phải con trai đã nhả viên cấy ra ngoài nên không thấy ngọc. Cũng có trường hợp trong chỉ một con trai, du khách may mắn tìm thấy cả 2 viên ngọc đẹp. Tiếng reo hò phấn khích cứ thế dội lên, loang rộng khắp vùng biển xanh thắm.

Ước mơ châu ngọc

Từng đến nhiều nơi nghiên cứu về ngọc trai, anh Hồ Thanh Tuấn cho biết: Dù nghề nuôi cấy ngọc trai có ông tổ là người Nhật, nhưng cách bảo vệ thương hiệu ngọc quyết liệt khắp quần đảo Tahiti (thuộc Pháp) cho thấy đây mới là thủ phủ ngọc trai của thế giới. Mỗi đảo nhỏ trong quần đảo này đều sống bằng nghề nuôi trai lấy ngọc. Mọi cửa hải quan ở Tahiti đều trang bị máy soi ngọc, với quy định độ dày xà cừ bao phủ tối thiểu quanh viên ngọc phải từ 0,8 mm trở lên mới được phép xuất khẩu. Máy soi phát hiện viên ngọc nào không đạt, hải quan lập tức tịch thu và xử phạt nghiêm khắc.

Trong khi đó, ở nước ta, tiềm năng phát triển nghề nuôi trai lấy ngọc cực lớn. Nhưng Việt Nam chưa được xếp vào “chiếu” nào trên bản đồ ngọc trai thế giới. Chuyên gia nuôi cấy ngọc trai Michael Ramsden người Australia khẳng định: Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, tôi khẳng định môi trường biển Phú Quốc rất lý tưởng để phát triển bền vững nghề nuôi cấy ngọc trai. Còn chất lượng ngọc trai Phú Quốc không thua kém bất kỳ nơi nào, với màu sắc phong phú, độ bóng, sáng hoàn hảo

(Theo Tiền Phong)