- Gần đây, nhiều DN Việt thu được những khoản lời khổng lồ. Tuy nhiên, với không ít DN, đó chỉ là kết quả ngắn hạn. Về dài hạn, bài toán đầu tư tiền như thế nào và làm sao để cạnh tranh trong môi trường mới không phải dễ dàng.
Chia nhau ngàn tỷ
Cuối cùng quyết định trả cổ tức khủng của CTCP Tập đoàn Kinh Đô (KDC) đã trở thành hiện thực. Sự đặc biệt nằm ở chỗ, mức chi trả cổ tức của KDC lên tới 200%, tức 20.000 đồng cho một cổ phiếu. Tổng số tiền mà DN của doanh nhân Trần Kim Thành phải bỏ ra để trả cổ tức lên tới 4,7 ngàn tỷ đồng, gần gấp đôi vốn điều lệ hiện tại của DN.
Sở dĩ KDC quyết định trả cổ tức khủng như vậy là do DN này đang sở hữu một lượng tiền mặt khủng gần 10 ngàn tỷ đồng, trong đó một phần lớn đến từ thương vụ chuyển nhượng 80% cổ phần tại CTCP Kinh Đô Bình Dương cho đối tác ngoại Tập đoàn Mendelez International (Mỹ), trị giá gần 8 ngàn tỷ đồng. Trong quý II/2015, lợi nhuận từ hoạt động tài chính đóng góp hơn 6,5 ngàn tỷ đồng cho KDC. Bên cạnh đó là lợi nhuận tích lũy trong các năm trước đó.
Tập Đoàn Hòa Phát vừa công bố lợi nhuận quý II đạt gần 1,3 ngàn tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế dự kiến cho 2015 có thể đạt trên 3,3 ngàn tỷ đồng. DN đang tính tăng cổ tức lên 30%.
Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa phát hành hơn 376 triệu cổ phiếu VIC để chi trả cổ tức tỷ lệ 25,8% cho cổ đông từ nguồn vốn thặng dư. Số cổ phiếu vợ chồng nhà ông Vượng nhận về có giá trị khoảng 5,5 ngàn tỷ đồng.
Gần đây, nhiều DN Việt thu được những khoản lời khổng lồ |
Với tình hình kinh doanh tiến triển tốt, Vinamilk của cựu chủ tịch Mai Kiều Liên dự kiến tháng 8 này sẽ chốt quyền trả cổ tức 40% bằng tiền và 20% bằng cổ phiếu thưởng cho cổ đông sau khi vừa thanh toán 20% cổ tức bằng tiền mặt hồi tháng 6 vừa qua. Đợt này, Vinamilk cũng sẽ phải chi khoảng 4 ngàn tỷ đồng tiền mặt trả cổ tức.
Hàng loạt các DN công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý II và 6 tháng đầu năm, theo đó, cổ tức có thể cũng sẽ tăng mạnh. Tập đoàn nông sản Dabaco (DBC) công bố lợi nhuận sau thuế quý II tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ. Công ty ôtô Trường Hải báo lãi ròng 1,7 ngàn tỷ trong quý II, tăng gấp hơn 2 lần. Tính trong 6 tháng lãi hơn 3,2 ngàn tỷ. Lợi nhuận trên mỗi cổ tức đạt gần 8.700 đồng/cp.
Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PGD) có lợi nhuận quý II bằng 186% cùng kỳ và dự báo lợi nhuận ròng 2015 có thể tăng 82% so với năm trước. Còn NoibaiCargo (NCT) đã trả cổ tức cao đến 50% tiền mặt.
Tương lai khó định
Ngoại trừ một vài DN hoạt động tốt đều đặn qua các năm như Vinamilk, Hòa Phát phần lớn các DN có kết quả kinh doanh ấn tượng trong nửa đầu năm 2015 nhờ vào những yếu tố bất thường và nhờ yếu tố tích cực trong ngắn hạn. Tương lai về dài hạn của nhiều DN khó xác định và rất có thể khó duy trì được phong độ.
Với không ít doanh nghiệp, về dài hạn, bài toán đầu tư tiền như thế nào và làm sao để cạnh tranh trong môi trường mới không phải dễ dàng. |
KDC có lợi nhuận đột biến đến từ thương vụ bán mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại thu về 370 triệu USD. Mảng bánh kẹo là mũi nhọn của tập đoàn này trong 2 thập kỷ qua. Giờ đây KDC đang gặp khó khăn với túi tiền khủng, không biết đầu tư vào đâu. Trong tuần, KDC cho biết đã dừng đầu tư 1.000 tỷ đồng vào DongABank do NH này có nhiều vấn đề. Giả sử có đầu tư vào NH, KDC cũng cần vài năm để có thể vực dậy được lợi nhuận thu về. Các mảng sản xuất kinh doanh mới như mỳ tôm, dầu ăn, hạt nêm… vẫn còn khá mới đối với DN này. Tỷ suất lợi nhuận của DN này đang suy giảm so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn vào báo cáo tài chính có thể thấy, phần lớn các DN đạt được lợi nhuận cao bất thường 6 tháng đầu năm đều nhờ vào chí phí tài chính thấp (lãi suất NH thấp), lợi nhuận từ hoạt động tài chính, lợi thế ngắn hạn…
PGD lãi tăng mạnh nhờ hưởng lợi từ chế giá mới mà ông lớn Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) áp dụng cho PGD trong năm 2015. Lợi nhuận của PGD có thể đổi chiều bất cứ lúc nào theo quyết định của GAS. Ngay chính GAS cũng như các ông lớn dầu khí cũng đang đối mặt với rủi ro giá dầu khí thế giới ở mức thấp trong dài hạn.
Câu chuyện BĐS Phát Đạt bất ngờ công bố lãi khủng, trong khi đang vướng nợ nần kéo dài với DongABank cũng đang xôn xao trong giới đầu tư. Tập đoàn Dabaco đối mặt với nguy cơ lao dốc của ngành chăn nuôi trong nước khi Việt Nam hội nhập. Hoạt động chăn nuôi của Dabaco ngay thời điểm hiện tại cũng đang thua lỗ.
Kết quả lãi ấn tượng của Ô tô Trường Hải cũng nhờ rất nhiều vào lãi suất NH ở mức thấp, tỷ giá được kiểm soát, thuế nhập khẩu cao…
Hàng loạt các yếu tố thuận lợi trong ngắn hạn là đòn bẩy giúp các DN trong nước thu được lợi nhuận cao. Đây là cơ hội tốt để cho các DN phát triển về quy mô và cải thiện về trình độ, từ quản trị cho tới sản xuất, chất lượng sản phẩm. Lợi thế này có lẽ không kéo dài bởi trước mắt là hàng loạt các hiệp định FTA cho phép hàng hóa giá rẻ từ khắp thế giới, ASEAN, châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ… đổ vào. Khi đó, các DN sẽ không còn duy trì được những lợi thế, từ lao động cho đến nguyên liệu đầu vào.
M. Hà