- 20 năm vay vốn ODA đã giúp Việt Nam đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, ổn định phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là vấn đề tham nhũng và tiêu cực trong việc sử dụng nguồn vốn tài trợ này.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá như vậy tại Hội thảo “Hoạt động ODA tại Việt Nam - 20 năm nhìn lại”, do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức ngày 7/8 tại Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng đánh giá cao kết quả đạt được từ nguồn vốn ODA mà các nhà tài trợ quốc tế trợ giúp cho Việt Nam 20 năm qua, với tổng số tiền khoảng 80 tỷ USD.

Đây là nguồn vốn bổ sung quan trọng phục vụ quá trình phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực,...

{keywords}

Việt Nam sẽ “tốt nghiệp ODA” vào năm 2018

Quan trọng hơn, theo Phó Thủ tướng, thông qua ODA đã khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc đổi mới và chính sách phát triển đúng đắn của Việt Nam, sự tin tưởng của các nhà tài trợ vào hiệu quả tiếp nhận và sử dụng vốn ODA của Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn nhận về một số hạn chế trong việc sử dụng nguồn vốn ODA, ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế TƯ, cho rằng, việc huy động và sử dụng các nguồn vốn ODA những năm qua bộc lộ một số hạn chế, mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu một định hướng tổng thể với tầm nhìn dài hạn làm cơ sở cho việc huy động và sử dụng một cách có hiệu quả hơn, nhất là sau khi Việt Nam “tốt nghiệp ODA” vào năm 2018 và những năm tiếp theo.

Trên thực tế, các nguồn vốn ODA ưu đãi thường kèm theo những điều kiện như chỉ định thầu, ưu tiên nhà thầu nước ngoài, yêu cầu mua máy móc, thiết bị, vật tư từ quốc gia tài trợ vốn ODA nên các dự án thiếu tính cạnh tranh. Vì vậy, chi phí đầu tư thực tế thường tăng hơn rất nhiều so với dự toán ban đầu.

Bên cạnh đó, nguồn vốn dễ tiếp cận và trách nhiệm của người đi vay không cao nên các dự án sử dụng vốn ODA có nguy cơ quản lý kém hiệu quả, nảy sinh nhiều bất cập.

Gọi tên đích danh những yếu kém trong sử dụng vốn ODA, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng nhấn mạnh, nguồn vốn ODA đang đối mặt với thách thức tham nhũng và tiêu cực.

Tuy nhiên, Chính phủ đã từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách để hạn chế và loại trừ những thách thức đặt ra. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo nguồn vốn ODA sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả và chống thất thoát.

Tính đến tháng 12/2012 đã có 20 Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG thường niên) được tổ chức. Từ 2013, các quan hệ hợp tác của Việt Nam với các nhà tài trợ được nâng lên tầm đối tác thông qua Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (chủ yếu từ các nước Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Hiệp hội Phát triển Quốc tế IDA, ADB, WB).

Nguồn vốn ODA tại Việt Nam được thực hiện dưới 3 hình thức, chủ yếu gồm ODA viện trợ không hoàn lại (chiếm khoảng 10-12%), ODA vay ưu đãi chiếm (80%) và ODA hỗn hợp (chiếm khoảng 8-10%).

Từ năm 1993 đến 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đã lên đến 89,5 tỷ USD; tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỷ USD, bình quân 3,5 tỷ USD/năm.

Vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân đạt 53,89 tỷ USD, chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã ký kết.

Vũ Trung