- Để đạt tiêu chí môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt thứ hạng trung bình trong ASEAN-6, Tổng Cục Thuế vừa công bố đã giảm được 420 giờ nộp thuế trên tổng số 537 giờ thuộc trách nhiệm của ngành này.
Chia sẻ tại cuộc họp báo về cải cách thủ tục hành chính thuế chiều 10/8, Tổng Cục Thuế cho biết, ngành này sẽ vượt mục tiêu về giảm số giờ nộp thuế mà Nghị quyết 19 của Chính phủ đề ra.
Tính tới hết tháng 6 năm nay, tổng số giờ nộp thuế đã giảm 420 giờ, kéo thời gian nộp thuế giờ chỉ còn 117 giờ. So với mục tiêu cần đạt mức 121,5 giờ của Chính phủ đề ra thì năm nay, ngành này đã 'vượt" được 4,5 giờ.
Trong đó, năm 2014, với việc ban hành 1 thông tư sửa 7 Thông tư, 1 Nghị định sửa 4 Nghị định và 1 Luật sửa 5 Luật, số giờ nộp thuế đã giảm được 370 giờ.
Việt Nam đã giảm được 420 giờ nộp thuế |
Năm 2015, ngành này giảm tiếp 50 giờ nộp thuế. Cụ thể, Tổng Cục thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 26 ngày 27/2 hướng dẫn Nghị định 12 thực hiện Luật sửa đổi nhiều Luật liên quan đến thế giá trị gia tăng, hoá đơn, thuế tài nguyên... Theo tính toán, nhờ sửa đổi thủ tục về hoá đơn, kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng theo Thông tư này đã giúp giảm được 10 giờ cho người nộp thuế.
Tiếp đó, tháng 6, Bộ Tài chính đã ban hành tiếp Thông tư 96 với nội dung bãi bỏ hoặc sửa đổi nhiều thủ tục kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp nên đã giúp giảm được 30 giờ nộp thuế.
Còn lại, 10 giờ nộp thuế được giảm tiếp là do tỷ lệ các doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng internet đã gia tăng, đạt 98% số doanh nghiệp. Nhiều địa bàn, tỷ lệ này là 100%. Ngoài ra, Tổng Cục thuế đã phối hợp với 27 ngân hàng thương mại triển khai nộp thuế điện tử và đến nay, đã có gần 302 nghìn doanh nghiệp đăng ký tham gia, đạt 68,7% chỉ tiêu. Dự kiến đến tháng 9, ngành thuế ước tính sẽ đạt tỷ lệ nộp thuế điện tử đến 90% số doanh nghiệp.
Bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Trưởng Ban cải cách và hiện đại thuế, Tổng Cục Thuế khẳng định: "Không chỉ là cải cách, cắt giảm các thủ tục hành chính về thuế, để đạt mục tiêu theo Nghị quyết 19, toàn ngành thuế phải chuyển đổi toàn bộ phương thức quản lý trước đây sang quản lý theo rủi ro. Các cơ quan thuế sẽ phải phân loại doanh nghiệp để kiểm soát rủi ro, đảm bảo công tác quản lý thuế hiệu quả hơn và thông thoáng hơn".
Phạm Huyền