- Doanh nghiệp (DN) có tâm lý ngần ngại đóng góp ý kiến về chính sách cũng bởi thực tế đã có nhiều trường hợp ai “nói to” thì rủi ro trong làm ăn càng lớn.

Như đá ném ao bèo

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, thừa nhận, nhiều DN thờ ơ với các chính sách liên quan mật thiết tới mình bởi không ít trong số đó cho rằng việc làm này chỉ như ném đá ao bèo. Thậm chí, có doanh nghiệp còn e ngại lên tiếng nhiều quá sẽ dễ bị cơ quan chức năng trù dập, cắt quota. 

Đã có DN phản ánh rằng họ nêu kiến nghị đơn giản hoá thủ tục thì chỉ một thời gian ngắn sau đó bị thanh tra ngàn đó đến kiểm tra. Trong một cuộc hội thảo bàn về việc doanh nghiệp tham gia xây dựng chính sách, giám đốc một DN đã mượn câu Kiều để nói về các chính sách kinh tế: “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”.

Nguyên nhân chính, phía DN cho rằng, có nhiều quan điểm không được các bộ ngành tiếp thu nên... chán đóng góp hoặc cơ quan soạn thảo chỉ thu thập các ý kiến có lợi cho mình.

{keywords}
Các DN còn ngại khi tham gia góp ý chính sách

Trong một cuộc họp về công bố báo cáo cải cách thuế do VCCI tổ chức mới đây, một lãnh đạo ngành thuế bày tỏ nỗi băn khoăn khi đưa ra các văn bản tham vấn, song các DN và hiệp hội không mặn mà quan tâm đóng góp ý kiến.

Thực tế, thời gian qua, nhiều chính sách liên quan tới doanh nghiệp trước khi ban hành đã được cơ quan chức năng thu thập ý kiến của DN. Theo thống kê của VCCI, trung bình trong 1.000 văn bản các bộ ngành trung ương ban hành hàng năm thì có đến 70% liên quan đến DN. Mỗi năm, VCCI mời khoảng 3.000 lượt DN tham dự hội thảo và gửi công văn cho khoảng 50.000 lượt DN để lấy ý kiến về các dự thảo văn bản pháp luật.

Mặc dù vậy, có tới 78% công ty cho biết chưa bao giờ được hỏi ý kiến về các dự thảo pháp luật. Không ít người coi đó là việc của “mấy ông quản lý cấp trên”, chứ không phải là việc của DN. Tình trạng các văn bản chính sách được đưa ra lấy ý kiến song không được tham vấn đầy đủ hoặc không được tiếp thu đang gây bức xúc cho DN.

Đại diện của Ban Pháp chế VCCI cũng chỉ ra, nhiều cơ quan chức năng chỉ lấy ý kiến của DN lớn, trong khi đó quyền lợi của DN lớn và DN vừa và nhỏ là khác nhau chính. Nếu như các DN nước ngoài rất chủ động trong việc phản biện chính sách, thì các DN nội lại không mấy quan tâm về vấn đề này.

Ông Trần Văn Lợi (Bộ Tư pháp) cho rằng, hầu hết các dự thảo đều được các bộ lấy ý kiến nhưng cách thức chủ yếu chỉ thông qua cổng thông tin điện tử của đơn vị mình. Không có một DN nào trả lời hoặc góp ý các dự thảo chính sách đăng tải trên website của các bộ ngành. Trong khi, nếu gửi câu hỏi qua một tờ báo điện tử thì người dân và DN tham gia rất nhanh và rất đông.

Phản biện có lợi: sao phải ngại

Thông thường, DN chỉ quan tâm tới pháp luật khi quy định đó liên quan trực tiếp tới mình hoặc khi xảy ra sự việc, khi bị thanh tra, kiểm tra, xử phạt, khi phải đóng thuế, hoặc phải làm các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của chính sách và pháp luật đến các DN ngày càng lớn.

{keywords}
Nhiều chính sách đã được cơ quan chức năng sửa đổi 

Những thay đổi này có thể mang lại lợi nhuận cho DN biết nắm bắt thời cơ, nhưng cũng có thể sẽ khiến DN khác điêu đứng. Theo VCCI, tất cả các chính sách không chỉ là việc của các “ông trên Trung ương” mà còn là miếng cơm manh áo, lợi ích sát sườn của DN.

Không thể phủ nhận tình trạng thời gian qua, nhiều chính sách được đưa ra một cách áp đặt, không quan tâm tới ý kiến của đối tượng tác động nhưng rõ ràng là mọi chuyện đang có sự chuyển biến.

Theo ông Tuấn, không ít DN đã rất thành công trong quá trình vận động chính sách. Cụ thể, trước đây, các DN vận tải biển luôn phải lưu trữ hàng ngàn vận đơn, hợp đồng vận tải, hợp đồng thuê tàu, hợp đồng hoán đổi chỗ để phục vụ công tác thanh tra kiểm tra thuế. Tuy nhiên, sau khi một nhóm DN trong lĩnh vực này kiến nghị, Bộ Tài chính đã sửa đổi quy định và các DN chỉ còn phải lưu trữ vận đơn điện tử. Theo tính toán, quy định này giúp DN giảm công sức quản lý từ 208 ngày làm việc xuống dưới 10 ngày làm việc mỗi năm.

Câu chuyện trần chi phí quảng cáo là một ví dụ điển hình cho chính sách mở ra cơ hội làm ăn. Ví dụ gần nhất được ông Tuấn dẫn ra để minh họa cho nhận định này là việc nước ngọt có gas bị đưa vào danh sách đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Từ những vụ việc trên có thể thấy rằng việc DN tham gia vào xây dựng chính sách, pháp luật là hoàn toàn có thể và mang lại lợi ích thực tế. 

Duy Anh